Liên hoan phim tài liệu về phát triển bền vững có chủ đề “Lên tiếng cho mai sau” đã bế mạc chiều 3/11 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (87 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội).
Bộ phim Pa Va Heng - The Dust of Modern Life (Pa Va Heng - Bụi của cuộc sống hiện đại) được chọn công chiếu bế mạc chiều 3/11. Lấy bối cảnh vùng núi Tây Nguyên, với nhân vật chính là Liêm - chàng trai trẻ Xơ Đăng, nữ đạo diễn người Đức Franziska von Stenglin chuyển tải mong muốn rời khỏi nhịp sống hiện đại để trở về thiên nhiên của con người. Bộ phim đã thu hút đông đảo người xem Thủ đô.
Giao lưu với khán giả sau buổi chiếu, đạo diễn Franziska von Stenglin chia sẻ, trong chuyến đi tới Việt Nam 10 năm trước, cô có cơ hội làm quen nhiều nghệ sĩ, nhà làm phim tại Việt Nam và tình cờ được nghe câu chuyện về người dân Xơ Ðăng ở Tây Nguyên mỗi năm một lần, họ gạt bỏ hết công việc đời thường, đi vào sâu trong khu rừng như “nghi lễ” tẩy rửa bụi bặm của cuộc sống thường nhật. Câu chuyện đã khiến cô suy nghĩ rất nhiều và muốn thể hiện trong bộ phim của mình. Khi đến với ngôi làng và tìm hiểu nhân vật, cô cảm nhận không chỉ là dân tộc Xơ Đăng mà ở bất kỳ nền văn hóa nào, khi đối diện với quá trình đô thị hóa, con người đều có phản ứng nhất định, mong muốn trở về với thiên nhiên. Cô đã có trải nghiệm, xây dựng được niềm tin với bà con ở buôn làng Tây Nguyên dù gặp rào cản về ngôn ngữ.
Dành hơn 1 năm vừa quay vừa bảo quản tránh những thước phim bị ảnh hưởng bởi độ ẩm của rừng rậm nhiệt đới, sau đó đạo diễn Franziska von Stenglin mất 4 năm hoàn thiện bộ phim “Bụi của cuộc sống hiện đại”. Bộ phim đã được chiếu ở Pháp, Đức, Italy, Đan Mạch…và trở lại Việt Nam.
10 bộ phim được chọn trình chiếu tại Liên hoan mang những thông điệp khác nhau những đều hướng đến việc nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng hành động để thay đổi cách con người sống hôm nay. Từ đó tạo nên tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau. Đó là tiếng nói của những đứa trẻ không có đủ ăn dù chỉ một bữa mỗi ngày, của những người dân bến lở trăn trở trước cảnh dòng sông-nguồn sống dần biến mất, của đàn cá heo tỉnh giấc với những vết bỏng da độ ba… Đó cũng có thể là câu chuyện của chàng trai tìm về với sức mạnh thanh lọc của rừng núi để thoát khỏi bụi bặm của cuộc sống hiện đại, của những chủ khách sạn áp dụng công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa nguồn nước sinh hoạt, hay người dành cả cuộc đời trồng và canh giữ vùng rừng ngập mặn ven biển…
Ông Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển điện ảnh cho biết, những bộ phim trình chiếu có tiếng nói nhất định và hướng đến mục tiêu thay đổi nhận thức của xã hội về biến đổi khí hậu. Theo ông Nguyễn Hoàng Phương, Liên hoan đã thu hút lượng người xem vượt xa mong đợi; trong đó có những nhà làm phim tài liệu chuyên, không chuyên, cả những bạn trẻ muốn tìm hiểu về phim tài liệu và chủ đề biến đối khí hậu, phát triển bền vững.
“Với những người làm phim tài liệu đó là nguồn cổ vũ rất lớn vì làm phim tài liệu vốn đã khó, rất kén người xem, phim tài liệu về chủ đề phát triển bền vững càng khó hơn, kén người xem hơn”, ông Phương bộc bạch.
Liên hoan phim tài liệu về phát triển bền vững là hoạt động trong khuôn khổ Dự án Sản xuất phim tài liệu về phát triển bền vững 2023 - 2024 do Viện Goethe Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh tổ chức từ ngày 30/10 đến 3/11 tại Hà Nội.