Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm 2022: "Gam màu riêng" của sân khấu Hải Phòng

Thứ Năm, 24/11/2022 08:21 GMT+7

Google News

Chỉ chiếm 3/19 vở tham dự và cũng chỉ chiếm thời lượng 2 ngày trong Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm 2022, vậy nhưng những gì mà sân khấu Hải Phòng mang lại vẫn đủ tạo ra một ấn tượng riêng với người trong nghề.

3 vở diễn dự liên hoan của thành phố cảng là Đến bờ bên kia (ĐoànKkịch nói Hải Phòng), Lời thề (Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng) và Đối thoại âm dương của một đơn vị xã hội hóa - Câu lạc bộ sân khấu Điểm hẹn. Đáng nói, phần dự thi của 3 đơn vị này cũng được tổ chức tại "sân nhà" Hải Phòng, thay vì tại Hà Nội như các vở còn lại.

Từ "giải mã" kịch Nguyễn Huy Thiệp

Được chính nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cảm tác từ truyện ngắnSang sông của ông, đây không phải lần đầu tiên Đến bờ bên kia bước lên sàn diễn. 14 năm trước, cũng tại sân chơi "thử nghiệm" - Liên hoan Sân khấu thử nghiệm toàn quốc 2008 - kịch bản này từngđược cố NSND Anh Tú dàn dựng và lập tức tạo tranh luận đa chiều. Khi ấy, phần lớn các ý kiến cho rằng vở diễn này chưa thành công - thậm chí xa hơn, kịch bản của Nguyễn Huy Thiệp cũng được coi là chỉ nặng tính văn học mà thiếu tính khả thi để dàn dựng.

Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm 2022: "Gam màu riêng" của sân khấu Hải Phòng - Ảnh 1.

Một cảnh trong vở kịch "Đến bờ bên kia". Ảnh: Thanh Hiệp

Còn lần này, dưới bàn tay của đạo diễn NSƯT Như Lai, Đến bờ bên kia phiên bản 2022 tại Hải Phòng mang một màu sắc khác. Không có một mô hình con đò thật trên sân khấu, không gian của vở diễn được mở rộng dưới hình thức một giàn khung khổng lồ. Và bước lên giàn khung ấy là 11 con người từ nhà sư, cô giáo, Việt kiều, buôn lậu cho tới thi sĩ và kẻ cướp.

Trong câu chuyện kịch và lời thoại, cả 11 nhân vật đều phải đeo mặt nạ khi qua sông. Nhưng mặt nạ không xuất hiện trên sàn diễn, mà được mặc định chính là những chiếc "mặt nạ" từ gương mặt bằng xương bằng thịt của mỗi người. Để rồi, trong hành trìnhmang nặng triết lý nhà Phật - đi từ bờ đục đến bờ trong - những chiếc mặt nạ ước lệ ấy dần lột bỏ, khi các nhân vật bước vào cuộc giành giật, vật lộn với đủ hỉ nộ ái ố.

Tiết tấu của Đến bờ bên kia đều đều, không có nhiều điểm nhấn.Và cũng không thật sự có nhân vật chính. Bù lại cả 11 nhân vật đều thay nhau trở thành trung tâm với những đoạn thoại của mình. Những đoạn thoại ấy cô đọng, tưởng như vẩn vơ mà ngổn ngang hỗn độn chuyện đời. Để rồi chuyến đò cũng vậy, có lúc bình thản trôi xuôi, có lúc chông chênh tưởng như bị nhấn chìm, tới mức cô lái đò phải gào lên đòi bỏ bớt những gì trĩu nặng xuống sông.

Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm 2022: "Gam màu riêng" của sân khấu Hải Phòng - Ảnh 2.

Ảnh: Thanh Hiệp

Nhưng bỏ vậy đâu có dễ - khi dù tốt dù xấu về bản chất, mỗi con người trên đò vẫn còn đủ sân si. Nhà thơ tưởng mình là nhà tiên tri, gã buôn lậu quên gia đình để chạy theo đồng tiền, bà mẹ gieo gánh nặng lên con bằng thứ tình yêu áp đặt. Đến cả một người tưởng chừng thuần khiết như bà giáo vào phút quyết định cũng đặt tính mạng của mình lên cao nhất và bỏ quên chú bé đang gặp nạn giữa đường…

"Cùng chung một chuyến đò ngang/Kẻ thì sang bến người đang trở về/Lái đò lái mãi thành mê/Sang về chẳng biết mình về hay sang". Mấy câu thơ của Nguyễn Bảo Sinh được phổ thành nhạc, trở đi trở lại trong vở diễn không khỏi khiến người xem bần thần và tự vấn, khi Đến bờ bên kia chỉ kéo dài hơn 60 phút nhưng lại đủ khiến họ phải liên tục dõi theo câu chuyện.

Tới "đặc sản" về hội Minh thề

Ở hướng ngược lại, Lời thề của rối Hải Phòng lại hướng tới một câu chuyện  rất cụ thể và nổi tiếng ở vùng đất cảng: Lễ hội truyền thống Minh thề, vốnyêu cầu cả người dân lẫn chức sắc trong vùng phải giữ đạo lý, nhân cách qua lời thề lấy chí công làm trọng, không xâm phạm của công, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật.

Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm 2022: "Gam màu riêng" của sân khấu Hải Phòng - Ảnh 3.

Một cảnh trong vở rối "Lời thề"

Lời thề có kịch bản được "đặt hàng" cho tác giả Nguyễn Hiếu, và dàn dựng bởi đạo diễn NSND Đinh Tiến Dũng. Như chia sẻ của những người trong cuộc, chất liệu dân gian về truyền thuyết gắn với hội Minh thề và Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn nhà Mạc là tiền đề thuận lợi để loại hình sân khấu này thể hiện một câu chuyện vốn được dư luận quan tâm trong xã hội hiện đại.

Cũng bởi đặc trưng ấy, vở diễn không hướng tới những thông điệp quá hoành tráng, khô cứng mà đi lên từ một câu chuyện giản dị của những người nông dân muốn sống trong sạch, trung thực với lương tâm và lời hứa của bản thân. Ở đó, tình yêu của đôi thanh niên Đào và Định bị chia rẽ từ xã trưởng trong vùng. Muốn có cháu nối dõi tông đường, ông ép Đào lấy cậu con trai chậm lớn của mình và bù lại cho Định bằng việc phân một mảnh đất công để dứt cảnh sống lênh đênh trên sông nước. Chuyện vỡ lở trước sự chứng kiến của Thái hậu Ngọc Toàn và trở thành cái cớ dẫn đến những lời thề trong lễ hội.

Thử nghiệm dễ nhận thấy nhất ở Lời thề là việc sử dụng toàn bộ màn hình LED ở 3 tầng diễn thay cho phông màn truyền thống. Từ cách tiếp cận hiện đại ấy, không gian của vở được thay đổi liên tục, khi là sân đình, cung điện, lúc là bến nước, vườn hoa và không bị gián đoạn bởi những phần "tắt đèn chuyển cảnh" thông thường. Trong khi đó, điểm yếu truyền thống về thể hiện nội tâm nhân vật của múa rối được khỏa lấp bằng âm nhạc, ánh sáng, lời thoại, làn điệu chèo và đặc biệt là sự xuất hiện trong một số cảnh của người thật để làm tăng sức sinh động.

Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm 2022: "Gam màu riêng" của sân khấu Hải Phòng - Ảnh 4.

Như chia sẻ của nghệ sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, trưởng đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng, khi sử dụng toàn bộ phông nền bằng màn hình LED, các diễn viên điều khiển rối que đã phải tập rất nhiều để có thể thích ứng với một không gian sân khấu mới. Phần âm nhạc và tiết tấu của vở cũng phải điều chỉnh nhiều để không tạo ra độ chênh giữa công nghệ hiện đại với một câu chuyện lấy tích xưa. Thế nhưng, việc dựng Lời thề vẫn được các nghệ sĩ trong đoàn hạ quyết tâm thực hiện, với hi vọng có thể tìm ra một món ăn mới cho khán giả.

"Trẻ em bây giờ khó chấp nhận những quân rối nhỏ xíu diễn trong không gian thu hẹp, không chấp nhận những câu chuyện cổ tích chưa nghe đã biết kết quả như thế nào" - chị nói - "Việc tăng tính kỳ, tính ảo cho rối là điều cần được tìm tòi để cho ra hiệu quả".

"Đề án sân khấu Hải Phòng đã cụ thể hóa sinh động về triển khai thực hiện chủ trương chính sách bảo tồn phát triển văn hóa nghệ thuật, đánh thức tiềm năng của sân khấu Hải Phòng, không những giữ vững được thương hiệu nghệ thuật của từng loại hình sân khấu mà còn xây dựng được những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao. Đề án cũng đã tạo một thói quen thưởng thức nghệ thuật, qua đó nâng cao đời sống tinh thần cho người dân" - bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng.

Tìm lại những gì đã có

Việc đưa 3 vở diễn của Hải Phòng tham dự Liên hoan trên "sân nhà" không đơn thuần chỉ là giải pháp giúp các đoàn kịch tiết kiệm chi phí di chuyển. Như chia sẻ từ phía Ban tổ chức, ngoài 2 trung tâm nghệ thuật lớn là Hà Nội và TP.HCM, Hải Phòng cũng là địa phương duy nhất "chịu chơi" khi đưa tới 3 đơn vị tham dự sân chơi thử nghiệm - vốn đòi hỏi khá khắt khe về sự sáng tạo cũng như… táo bạo của người làm nghề.

Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm 2022: "Gam màu riêng" của sân khấu Hải Phòng - Ảnh 6.

Một cảnh trong "Đối thoại âm dương"

Và thực tế, 3 buổi biểu diễn phục vụ Liên hoan tại các nhà hát khác nhau của Hải Phòng cũng đều chật cứng khán giả, với sự hào hứng và chờ đợi hiếm thấy. Đó cũng là điều đã được phía tổ chức chờ đợi từ sớm - khi mà trong vài năm gần đây, địa phương này phần nào được coi là điểm sáng về việc tạo dựng thói quen xem sân khấu cho cộng đồng, cũng như xây dựng hệ thống kịch mục của riêng mình.

Cần nhắc lại, trong bối cảnh nhiều địa phương phải tiến hành sáp nhập các đơn vị nghệ thuật biểu diễn để phù hợp với ngân sách và điều kiện biểu diễn, Hải Phòng lại là địa phương vẫn duy trì đủ 5 đoàn nghệ thuật bao gồm kịch nói, chèo, cải lương, múa rối và ca múa nhạc.

Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm 2022: "Gam màu riêng" của sân khấu Hải Phòng - Ảnh 7.

Thực tế ấy không hẳn chỉ đến từ độ "chịu chơi" của lãnh đạo địa phương, mà còn gắn liền với thành công của đề án Sân khấu Hải Phòng, vốn đang được triển khai trong 3 năm gần đây. Vắn tắt, theo đề án, các đoàn nghệ thuật sẽ được đầu tư xây dựng các vở diễn nhằm tôn vinh bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa hay những thành tựu mới của Hải Phòng, sau đó được tổ chức truyền hình trực tiếp (hoặc phát lại), sau đó tiếp tục tổ chức lưu diễn tại các địa phương trong thành phố.

Như chia sẻ của những người trong cuộc, đề án này đã phát huy hiệu quả khá tốt khi mang lại nhiều hành trang nghệ thuật cho các diễn viên trong những lần dựng vở cùng các đạo diễn có tên tuổi, đồng thời cũng giúp các đoàn nghệ thuật có điều kiện tồn tại trong cảnh ảm đạm của sân khấu như những năm qua.

"Hải Phòng là địa phương từng có truyền thống đáng ngưỡng mộ về sân khấu, nhưng cũng có thời điểm truyền thống bị mai một. Nhưng ở bối cảnh hiện tại, tôi thấy các nghệ sĩ đang rất tự tin, hào hứng và cho thấy những đặc trưng nghệ thuật riêng" - NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cho biết - "Và ở mặt bằng chung, với cách đi của mình, đây là điểm sáng về nghệ thuật khi sân khấu được quan tâm, các nghệ sĩ được tạo điều kiện làm nghề, còn nhu cầu thưởng thức của người dân ở một đô thị lớn thì được đáp ứng".

Trường hợp lạ "Điểm hẹn"

Không gây ấn tượng mạnh bằng 2 vở diễn còn lại, nhưng Đối thoại âm dương của CLB Sân khấu Điểm hẹn cũng được đánh giá cao về khả năng xử lý không gian sân khấu của đạo diễn, cũng như cốt chuyện cá tính với cuộc đối thoại của một cán bộ về hưu và 3 linh hồn ở cõi âm.

Đáng chú ý, đây là đơn vị hoạt độngbằng nguồn kinh phí hoàn toàn xã hội hóa, thu hút nhiều nghệ sĩ có tên tuổi của Hải Phòng thường xuyên tham gia biểu diễn trong 5 năm nay. Nằm trong độ tuổi từ 60 tới 80, những thành viên nòng cốt của CLB hầu hết là những nghệ sĩ thuộc các đoàn nghệ thuật của thành phố đã nghỉ hưu, còn tâm huyết với nghề.

Cúc Đường

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›