Liên hoan Sân khấu kịch nói TP.HCM lần 1 diễn ra từ ngày 12 đến 29/11 đang làm cho khán giả nô nức, phấn khởi. Quả thật, nếu nhìn tổng quan thì rõ ràng đây là cuộc trình diễn thực lực sân khấu TP.HCM, nơi người ta không khỏi xuýt xoa cho một lời khen.
Trong liên hoan, có vài đơn vị công lập như Nhà hát Kịch TP.HCM (vở Khát vọng hòa bình), Hội Sân khấu TP.HCM (vở Đồng chí)… là được cấp kinh phí dựng vở, còn lại hơn 20 đơn vị đều là xã hội hóa, nghệ sĩ tự bỏ tiền ra làm. Thế nhưng toàn cảnh sân khấu lại rất rộn ràng, hoành tráng, thấy rõ đời sống của vở diễn.
Tự xoay xở mà làm
Nhiều vở đã bán vé từ lâu cho khán giả thưởng thức, chứ không đợi gì tới liên hoan mới ra mắt. Chẳng hạn vở Má ơi út dìa!, Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử (IDECAF), Cơn mê cuối cùng (Hoàng Thái Thanh), Bến lửa lòng, Đêm vượn hú (5B), Đứt dây tơ chùng, Bông cánh cò (sân khấu Hồng Vân), Giáng Hương (Thiên Đăng), Lỡ nhớ lầm thương, Ông già đoàn lô tô (Thế giới trẻ), Dâu ngọt, Mễ Cốc phiêu lưu ký (sân khấu Trương Hùng Minh), Colora xứ sở rực rỡ (sân khấu Ban Mai), Cánh đồng rực lửa (sân khấu Quốc Thảo), Tiếng chim vườn ngọc (Công ty Sân khấu Điện ảnh Trăng)…
Liên hoan thật ra là cuộc tập hợp lại với nhau để trình làng cái mình có. Nhờ liên hoan mà người ta mới có thể nhìn thấy phần lớn lực lượng nghệ sĩ, diễn viên tiềm tàng trong lòng thành phố.
Nhiều nghệ sĩ có điểm diễn ổn định thì không nói, còn lại lực lượng chưa có điểm diễn ổn định, thường là giảng viên các trường sân khấu, hoặc nghệ sĩ chạy sô từ nơi này đến nơi khác, thậm chí chạy sang đóng phim, diễn sự kiện… thì nay họ xuất hiện trong liên hoan với niềm yêu nghề mãnh liệt và với tay nghề cũng đáng nể. Có thể kể đến Cù lao dậy sóng (Công ty Nguyễn Vĩnh Lộc), Hoa sắt (Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM), Những cánh hoa trinh trắng (Công ty Truyền thông và Giải trí Ấn tượng mới)… Chưa kể, nhiều vở còn tập hợp luôn đội ngũ sinh viên, học viên của các trường sân khấu và các lò đào tạo diễn viên, cho nên khán giả có thể cảm nhận được lực lượng hùng hậu của thành phố phương Nam, với tràn đầy hy vọng về sân khấu của vùng đất này.
Đa dạng, phong phú, sắc màu
Tràn đầy hy vọng là đúng. Bởi qua thời gian ngắn ngủi của Liên hoan mà người ta thấy được bức tranh tổng thể của sân khấu thành phố rất đa dạng, phong phú, tràn ngập màu sắc. Hình như mọi khả năng, nỗ lực, tài hoa đều được bung ra, phát triển thoải mái. Thể loại bi kịch, tâm lý, xã hội thì có Cơn mê cuối cùng, Má ơi út dìa!, Bến lửa lòng, Cù lao dậy sóng, Đứt dây tơ chùng… Nhạc kịch thì có Giáng Hương, Bông cánh cò. Kinh dị, hồi hộp thì có Đêm vượn hú. Tươi trẻ, pha chút hài trong sự nghiêm túc thì có Lỡ nhớ lầm thương, Ông già đoàn lô tô, Dâu ngọt. Kịch thiếu nhi cũng có Mễ Cốc phiêu lưu ký, Colora xứ sở rực rỡ làm rất hoành tráng, sắc màu. Kịch lịch sử thì có Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử cực kỳ hoành tráng, nghiêm túc, khiến người xem nể phục.
Những vở diễn với đủ chuyện nhân sinh, từ tình mẫu tử, tình gia đình, tình yêu, lòng tham của con người, đến bảo vệ môi trường, nhắc nhở nguồn cội để trân quý hạt gạo, hạt cơm; hoặc niềm say mê nghệ thuật, sự bao dung trước lỗi lầm… Mỗi vở đều đem đến một thông điệp tích cực cho cuộc đời, hoặc nhắc nhở, cảnh báo những sai trái, hoặc làm trái tim người ta mềm đi vì sự nhân văn, hòa ái.
Sân khấu mang khí chất phương Nam rất rõ, dù có bi kịch, dù có lỗi lầm, nhưng ẩn chứa bên trong vẫn là sự ngọt ngào của vị tha, thương cảm, chở che.
Và thú vị nhất vẫn là những phong cách dàn dựng, biểu diễn không hề trùng lặp. Mỗi đơn vị, mỗi vở có màu sắc riêng rất rõ, tung tẩy tự do trong không gian nghệ thuật phong phú, đem đến những cảm xúc rất lạ. Chính mảnh đất xã hội hóa đã giúp nghệ sĩ phát triển tài năng của mình, phát huy những khả năng tiềm tàng.
"Nghệ sĩ chúng tôi tất nhiên phải mưu sinh bằng sân khấu, nhưng lửa nghề vẫn cháy trong tim, vẫn muốn có cơ hội được tụ họp với nhau, được công nhận. Có như vậy mới khích lệ nhau làm tiếp những tác phẩm tử tế" - NSND Hồng Vân.
Nhẹ nhàng, dễ xem
Một loạt vở mang đề tài truyền thống cách mạng xuất hiện, hướng tới kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (1975 - 2025). Vở Hoa sắt (Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM) tôn vinh tấm gương anh dũng của chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Vở Ngày ấy cổng trời (sân khấu Trịnh Kim Chi) tôn vinh những nữ thanh niên xung phong trong thời chiến. Vở Cánh đồng rực lửa (sân khấu Quốc Thảo) là khúc ca bi tráng về 32 nam nữ dân công huyện Bình Chánh đã hy sinh năm 1968. Vở Những cánh hoa trinh trắng (Công tty Truyền thông và Giải trí Ấn tượng mới) là bản anh hùng ca về những nữ dân quân phòng không trong thời chống Mỹ. Vở Khát vọng hòa bình (Nhà hát Kịch TP.HCM) lại là câu chuyện nhân văn của cô du kích Củ Chi đã tha chết cho lính Mỹ, để rồi người lính Mỹ đó góp phần vào phong trào phản chiến có lợi cho cách mạng. Đồng chí (Hội Sân khấu TP.HCM) là cuộc đấu tranh với những kẻ lợi dụng chức quyền mà tham ô, làm điều sai trái với dân với đất nước.
Mỗi vở kịch chọn một nhân vật, một đề tài khác biệt, nhưng góp lại thành bức tranh phong phú về chiến tranh, hậu chiến. Điều đáng nói ở đây là chủ đề chính luận được dựng và diễn gần gũi, dung dị, dễ xem. Nhiều vở có dàn diễn viên trẻ, thanh xuân, hoặc có chen tình yêu, hoặc hài hước, dí dỏm, thấy được những khía cạnh rất "đời" của con người và cuộc chiến.
Người trong cuộc nói về liên hoan
* NSƯT Đặng Thanh Nga (giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM, đóng chính trong vở Hoa sắt): "Tôi và nhiều bạn khác không có điểm diễn ổn định, thường xuyên, nhưng nhớ nghề lắm, cứ mong có dịp để diễn và kéo sinh viên của mình cùng diễn, cũng là cơ hội cho các em cọ xát với sân khấu. Chúng tôi tự bỏ tiền ra làm, sau này có ai hoàn lại tiền đầu tư bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Nhưng trước hết mình cứ có niềm vui sân khấu cái đã, chứ tính toán làm chi. Còn huy chương có hoặc không cũng không tính toán".
* Đạo diễn Bảo Chu (sân khấu Ban Mai, dàn dựng vở Colora xứ sở rực rỡ): "Lớp trẻ chúng tôi tự quẫy đạp mà sống và làm nghề, nếu có cơ hội ra mắt một cách trang trọng như liên hoan này thì mừng lắm. Thật sự chúng tôi mong sân khấu thành phố có thêm sàn diễn, có thêm nghệ sĩ trẻ, có thêm tác phẩm, đặc biệt chăm chút thêm cho khán giả trẻ, cho các em thiếu nhi. Như thế mới có lớp khán giả tương lai".
Tags