(Thethaovanhoa.vn) - "Chưa phát hiện được cấu trúc xương người tại những gì vừa tìm thấy ở Tam Đảo" – thông tin mới nhất từ Viện Pháp y Quân đội vào chiều tối qua 1/10 đã khiến rất nhiều người thở dài.
- Thủ tướng trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 442 gia đình liệt sĩ
- Lễ dâng hương các anh hùng liệt sĩ trên vùng biển Gạc Ma
- Sưởi ấm các linh hồn 21 liệt sĩ vô danh dưới chân núi Cà Tang
47 năm trước, ngày 30/4/1971, chiếc máy bay MiG-21U thuộc trung đoàn Không quân 921 mất tích khi bay huấn luyện trên bầu trời Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Trên máy bay khi ấy có phi công Công Phương Thảo và huấn luyện viên, Đại úy không quân Liên Xô Poyarkov Yuri Nikolaevich.
Để rồi cho tới trước buổi tối qua, hài cốt của hai liệt sỹ ấy tưởng như đã sắp được trở về quê hương họ - sau gần nửa thế kỷ chờ đợi từ những người thân.
Với những gì đã trải qua trong lịch sử của mình, người Việt không hề xa lạ với câu chuyện đi tìm hài cốt liệt sĩ. Đơn cử, kể từ khi chiến tranh kết thúc, chúng ta đã có hàng chục năm tiến hành công việc này, với hơn 950.000 bộ hài cốt liệt sĩ được mang về, theo số liệu năm 2017.
Nhưng, không xa lạ không có nghĩa là chỉ nhìn sự việc đơn thuần bằng những con số. Bởi sau mỗi bộ hài cốt ấy là vô vàn câu chuyện khác, về sự khắc khoải chờ đợi của người ở lại – cũng như những thôi thúc để đồng đội và thế hệ sau bằng mọi giá phải tìm được di cốt của những người ngã xuống trước mình.
Và như một câu chuyện giữa muôn ngàn câu chuyện, việc tìm hài cốt của hai phi công tại Tam Đảo vẫn khiến chúng ta xúc động vì những tình tiết riêng của nó.
Bởi, bên cạnh tiếc thương dành cho Thảo, chúng ta còn kính cẩn nghiêng mình khi biết tới sự hi sinh của Poyarkov – một người bạn quốc tế đến Việt Nam, và nằm xuống vì Việt Nam.
Không có gì lạ khi một năm trước, cộng đồng cựu du học sinh Nga tại Việt Nam đã cùng chia sẻ câu chuyện về Anna Poyarkova, cô gái đang nỗ lực tìm kiếm dấu vết ông mình, sĩ quan Poyarkov mất tích tại VN từ năm 1971. Và, khi câu chuyện ấy lan rộng trên mạng xã hội, một nhóm tìm kiếm tự phát – trong đó có rất nhiều người từng gắn bó và làm việc tại nước Nga - đã bắt đầu thực hiện cuộc tìm kiếm vào cuối tháng 2 năm nay.
Cũng từ việc phát hiện những dấu vết đầu tiên của chiếc máy bay Mig – 21U tại Tam Đảo từ nhóm tìm kiếm này, các cơ quan chức năng đã tìm được thêm rất nhiều di vật được cho là liên quan tới chiếc máy bay chở Poyarkov và người học trò Công Phương Thảo
***
Được biết, nguyện vọng lớn nhất của gia đình Poyarkov thời gian qua là tìm kiếm và đưa di cốt ông về Moldova, nơi có người vợ của ông.
"Vợ của liệt sỹ Poyarkov, vẫn không nguôi sự hy vọng vào 1 điều kỳ diệu và vẫn kiên cường chống chọi với bệnh tật để đợi tới thời điểm này. Hiện tại bà Zina đã ngoài 80 tuổi, đang sống tại Moldova và chiến đấu các bệnh tiểu đường, huyết áp cao và ung thư"- đó là thông tin đang được chia sẻ từ facebook một thành viên tại Ukraina của nhóm tìm kiếm tình nguyện và thường xuyên giữ liên lạc với gia đình đại úy Poyarkov.
Với những gì đã diễn ra, hẳn những độc giả lớn tuổi sẽ nhắc tới bài thơ Đợi anh về của Simonov, với những câu thơ mà chính người Việt Nam trong quá khứ cũng luôn trích dẫn như một châm ngôn sống:"Em ơi đợi anh về/ Đợi anh hoài em nhé/ Mưa có rơi dầm dề/ Ngày có buồn lê thê..."
Hơn ai hết, chúng ta luôn có sự đồng cảm với những người phụ nữ như bà Zina, với sự chờ đợi trong gần nửa thế kỷ của bà – khi mà tại Việt Nam vẫn còn khoảng 200.000 liệt sĩ chưa được tìm thấy hài cốt.
Bây giờ, tưởng như sát tới đích, nhưng điều kỳ diệu mà người phụ nữ ấy trông đợi sau gần nửa thế kỷ vẫn chưa thành hiện thực.
Nhưng, cũng với dòng chảy thầm lặng, từ sự chờ đợi của những người ở lại cũng như từ sự thôi thúc của cả cộng đồng, hãy cứ vững tin rằng theo thời gian, Poyarkov và Công Phương Thảo sẽ đến lúc trở về với gia đình của mình. Như tất cả những người lính đã nằm xuống tại Việt Nam.
Họ không bao giờ bị lãng quên.
Anh Bảo
Tags