Liều thuốc cho 'căn bệnh' tin giả trong bối cảnh dịch COVID-19

Thứ Sáu, 21/02/2020 11:06 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Luật An ninh mạng (đã có hiệu lực hơn một năm), cùng các văn bản pháp luật khác là liều thuốc "dã tật" nhằm ngăn ngừa thông tin giả trong bối cảnh nóng bỏng của dịch bệnh COVID-19.

Dịch COVID -19: Xử lý các trường hợp lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, gây hoang mang dư luận

Dịch COVID -19: Xử lý các trường hợp lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, gây hoang mang dư luận

Ngày 20/2, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh, Châu Thanh Long vừa ký quyết định xử phạt hành chính Nhà thuốc Tân Tiến, do ông Lê Tấn Hồng, sinh năm 1963 làm chủ, địa chỉ tại khu phố Lộc An, thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh số tiền hơn 25 triệu đồng về hành vi bán khẩu trang y tế giá cao.

"Thuốc đắng dã tật"

Một năm chưa phải là thời gian dài để đánh giá đầy đủ tác động đối với xã hội của một đạo luật, nhưng Luật An ninh mạng cho thấy đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, giúp người dân nhận thức rõ hơn về quyền và nghĩa vụ khi tham gia vào các mạng xã hội.

Trên thực tế, khi Việt Nam bắt đầu phát hiện bệnh nhân nhiễm virus Corona chủng mới thì trên mạng xã hội Facebook lập tức "nảy nở" nhiều thông tin giả mạo, bịa đặt về dịch bệnh này. Những thông tin đó phần nào đã khiến người dân bị hoang mang, lo lắng. Rất nhiều trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử phạt nặng vì lan truyền tin xuyên tạc.

Kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm, lực lượng Công an đã lập danh sách hàng trăm đối tượng, tổ chức triệu tập gần 200 trường hợp và xử lý hành chính hơn 30 trường hợp có hành vi tung tin thất thiệt về dịch bệnh COVID-19. Đó là những đối tượng phát tán tin giả nhằm mục đích "câu like", "câu view" ở Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa...

Trong đó, cơ quan chức năng xác định có một số trường hợp do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết đã vô tình chia sẻ các thông tin bịa đặt này. Còn một số đối tượng thì cố tình phát tán thông tin nhằm công kích, nói xấu Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh, nhằm chống phá, gây hoang mang xã hội. Không chỉ những người dân bình thường, một số nghệ sĩ có tiếng tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phải làm việc với cơ quan chức năng và bị xử phạt vi phạm hành chính do đưa thông tin thất thiệt lên mạng xã hội về tình hình dịch bệnh COVID-19.

Quay lại thời điểm đầu năm 2019, khi Luật An ninh mạng mới có hiệu lực, bên cạnh đại đa số người dân ủng hộ thì vẫn xuất hiện một số ý kiến trái chiều. Thậm chí, có những đối tượng với mục đích, động cơ xấu đã lợi dụng tình hình để kích động, rêu rao rằng một số nội dung được quy định trong Luật sẽ "bóp ghẹt quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận".  

Chú thích ảnh
Cô gái H. (áo vàng) làm việc với cơ quan chức năng. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, thực tế sau hơn một năm Luật có hiệu lực, quyền tự do ngôn luận của người dân tiếp tục được đảm bảo, miễn là những hoạt động đó nằm trong giới hạn cho phép của pháp luật Việt Nam. Việc buôn bán, trao đổi hàng hóa trên không gian mạng trong hơn một năm vừa qua vẫn diễn ra một cách bình thường. Sự ra đời của Luật thực sự đã khiến cho môi trường của không gian mạng trở nên văn hóa, lành mạnh hơn rất nhiều bởi một lượng lớn thông tin có nội dung xấu, ảnh hưởng đến chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục của đất nước đã bị ngăn chặn, xử lý một cách nghiêm túc, hiệu quả.

Thực thi nghiêm Luật An ninh mạng đã minh chứng một cách rõ ràng rằng những hành vi tung tin thất thiệt vì động cơ khác nhau đều bị nghiêm trị. Bên cạnh đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, trong đó quy định các tổ chức, cá nhân cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật… sẽ bị xử phạt nặng.

Cụ thể, Điều 101 Nghị định 15 quy định phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Với tính đặc thù là lan truyên trên internet, mạng xã hội khó có thể kiểm soát, ngăn chặn các thông tin xấu độc. Luật An ninh mạng, cùng các văn bản pháp luật khác chưa thể giải quyết dứt điểm "căn bệnh" tin giả, tuy nhiên đây là liều thuốc "dã tật" để ngăn ngừa, hạn chế một lượng lớn loại thông tin này.

Bên cạnh đó, một phương thuốc hữu hiệu nữa là tạo "sức đề kháng" cho công chúng, cộng đồng mạng trước các thông tin xấu độc, để mỗi công dân đủ tri thức, đủ năng lực để nhận thức, nhận diện các loại tin giả, xấu độc.

Chú thích ảnh
Ảnh: Internet

Tin giả còn độc hại hơn dịch bệnh

Internet, các mạng xã hội nếu được sử dụng theo hướng tích cực sẽ giúp chia sẻ những thông tin hữu ích, gắn kết mọi người với nhau, nhưng nếu không biết kiểm soát và bị những đối tượng xấu lợi dụng thì nó chẳng khác gì "con dao hai lưỡi", dẫn đến những tác động tiêu cực cho xã hội.

Có nhiều quan điểm còn cho rằng dịch bệnh như COVID-19 còn không độc hại bằng nạn tin giả đang gây hoang mang cho dư luận. Nhận định đó thực tế không phải không có căn cứ. Bên cạnh đó còn nhiều người nhẹ dạ, cả tin tiếp tay cho cái sai để nỗi hoang mang lan xa, khiến xã hội tiếp tục bị "tấn công" bởi tin giả, tin nhiễu loạn giữa những ngày nóng bỏng dịch bệnh, tạo sự bất an trong xã hội.

Sẽ nguy hiểm hơn nếu sự lan truyền tin giả mạo đó cộng hưởng với hiệu ứng đám đông. Chúng ta từng phải gánh chịu nhiều thiệt hại trong các vụ thế lực thù địch kích động biểu tình trái phép gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự xã hội như việc lợi dụng vấn đề môi trường tại Formosa Hà Tĩnh, vụ việc phản đối dự Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, phản đối Luật An ninh mạng.

Do tình hình dịch bệnh nên sự tăng trưởng kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng, nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn, đời sống người dân bị tác động. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch rất tích cực và được các tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao. Người dân không đổ thêm dầu vào lửa trong bối cảnh bệnh dịch nóng bỏng chỉ bằng cách đơn giản là không tiếp tay cho nạn tin giả trên mạng xã hội.

Theo Thượng tá Nguyễn Thành Lợi, Phó Trưởng Phòng 3, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trên mạng xã hội thời gian qua có rất nhiều thông tin tốt về cách phòng ngừa, diễn biến dịch, song cũng có nhiều thông tin không chính xác, không đúng sự thật hoặc thiếu căn cứ về diễn biến của dịch.

"Điều này rất nguy hiểm, vì thông tin trên mạng xã hội có tác động rất mạnh mẽ đến xã hội, có thể gây tâm lý hoang mang cho người dân, gây xáo trộn trong cuộc sống, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội" - Thượng tá Lợi nhấn mạnh.

Trước tình hình trên, lãnh đạo Bộ Công an, Cục An ninh mạng đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, các ban, ngành, địa phương nắm sát diễn biến tình hình, khẩn trương xác minh, làm rõ các trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật để đấu tranh, ngăn chặn, đồng thời phối hợp các nhà cung cấp dịch vụ gỡ bỏ các thông tin sai sự thật đó.

Đại diện Cục An ninh mạng cũng khuyến cáo người dân khi tham gia không gian mạng cần tìm hiểu thông tin từ các nguồn tin chính thức của Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng; không chia sẻ, hùa theo những thông tin chưa được kiểm chứng hay không có nguồn gốc. Khi phát hiện các đối tượng tung thông tin xuyên tạc, sai lệch, người dân cần thông báo cho cơ quan Công an, lực lượng chức năng liên quan để có biện pháp xử lý.

Xuân Tùng/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›