Đó là mùa Hè năm 2011, tại tỉnh Helmand của Afghanistan và Trung sĩ Ben McCullar thuộc Tiểu đoàn 3 của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ (Marines) được giao nhiệm vụ cùng đội bắn tỉa 8 người tiến vào thị trấn Musa Qala nóng bỏng.
Súng bắn tỉa thua tầm bắn súng máy
Thi thoảng họ nổ súng vào một nhóm quân địch. Có lúc họ bị lính bắn tỉa của đối phương nã đạn trả đũa. Nhưng gần như lần nào, đội của McCullar cũng bị súng máy của đối phương bắn cho tới mức không ngóc đầu lên được.
Điều đáng chú ý là những khẩu súng đó có tầm bắn xa vượt trội so với tầm của súng bắn tỉa Mỹ. “Họ thường đặt chế độ bắn xa nhất và xả đạn về phía chúng tôi" - McCullar kể - "Chúng tôi nằm chịu trận, cho tới khi buộc phải gọi phi pháo hỗ trợ."
Câu chuyện của McCullar và đồng đội không phải là cá biệt. Trong 14 năm qua, lính bắn tỉa của Thủy quân lục chiến thường gặp nhiều thua thiệt trong chiến đấu, mà theo họ, nguyên nhân là do phải sử dụng thiết bị vũ khí lạc hậu. Họ chỉ trích lãnh đạo lực lượng, do không thể cung cấp nổi cho lính của mình một món vũ khí ra hồn, có thể phát huy hiệu quả khi cần tới.
Thực tế thì Thủy quân lục chiến nổi tiếng do thường sử dụng "đồ chơi" cũ so với các binh chủng khác trong quân đội Mỹ. Tại chiến tranh vùng Vịnh 1991, khi Lục quân đã lái những chiếc M1A1 Abrams mới cáu cạnh ra chiến trường, Thủy quân lục chiến vẫn phải xung trận với xe Patton cổ lỗ - từng lăn bánh trên đường phố Sài Gòn trong những năm 1960.
Năm 2003, khi tiến vào Iraq một lần nữa, lính bắn tỉa của Thủy quân lục chiến mang theo các khẩu súng bắn tỉa M40A1, với nhiều khẩu đã bắt đầu đưa vào sử dụng từ cuối cuộc chiến tranh Việt Nam. Ngày hôm nay, khẩu súng bắn tỉa chủ đạo của Thủy quân lục chiến là súng M40 cải tiến, vẫn chỉ bắn xa hơn có chút xíu so với khẩu M40A1, là khoảng gần 1.000 mét (so với 800 mét).
Đào tạo tốt nhưng vũ khí tồi
Các lính bắn tỉa hiện nay và trước kia của Thủy quân lục chiến nói rằng vũ khí họ sử +
dụng không có cùng khả năng như vũ khí của các binh chủng khác, chưa nói tới súng đạn nằm trong tay kẻ thù như Taliban và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
"Chẳng cần biết chúng tôi được đào tạo tốt tới đâu, nếu chúng tôi bị hạ từ cự ly 1.000 mét, trước khi có thể nổ súng, thì việc đào tạo phỏng có ích gì?" - một người lính nói.
McCullar, người từng là huấn luyện viên tại trường bắn tỉa chính của Thủy quân lục chiến ở Quantico, Virginia, cũng có chung quan điểm. "Với cự ly giao chiến trung bình khoảng 800 mét, rất nhiều vũ khí của chúng tôi đã trở nên vô dụng" - McCullar nói.
Lần gần đây nhất McCullar được điều tới chiến trường là vào năm 2011, khi quân Mỹ chứng kiến đối thủ của họ thường xuyên thay đổi chiến thuật trên chiến trường. Sự thay đổi khiến McCullar và đồng đội thường lâm vào các tình huống mà họ muốn có khẩu súng bắn tỉa tốt hơn.
"Đôi khi chúng tôi có thể thấy rõ những gã bắn súng máy của Taliban, nhưng không thể giao chiến với chúng" - McCullar nói. Anh cho biết nếu Thủy quân lục chiến có các vũ khí khác, như súng Winchester Magnum cỡ đạn .300 hoặc .338, khả năng chiến đấu của người lính hẳn đã được cải thiện.
Anh cũng chỉ ra rằng Lục quân đã dùng súng .300 Win Mag làm vũ khí chính từ năm 2011. Súng này bắn xa hơn 300 mét so với súng M40 - vốn sử dụng đạn .308 nhẹ hơn.
Sẽ lãnh hậu quả vì "mang dao tới trận đấu súng"
Trước những lời phàn nàn, Bộ Tư lệnh Thủy quân lục chiến nói rằng họ đang xem xét vài lựa chọn thay thế M40. Tuy nhiên họ khẳng định những khẩu súng này vẫn đang đáp ứng tốt yêu cầu của lực lượng.
M40 do Bộ phận Vũ khí chính xác của Thủy quân lục chiến sản xuất. Nơi này chuyên sản xuất và sửa chữa các vũ khí chính xác của lực lượng. Chris Sharon, cựu HLV bắn tỉa tại Quantico nói rằng Thủy quân lục chiến ngại cắt bỏ chương trình M40 vì nó có thể khiến Bộ phận Vũ khí chính xác có nguy cơ bị xóa sổ.
Thủy quân lục chiến gần đây đã nâng cấp súng M40A5 lên M40A6. Vấn đề nằm ở chỗ cự ly tác chiến của khẩu súng vẫn y nguyên, chẳng thay đổi gì. "Đôi khi bạn phải tự hỏi mình rằng gã quái nào đang điều hành các chương trình nâng cấp đó vậy?" - Sharon nói.
McCullar, Sharon và những người lính bắn tỉa khác đã công khai bày tỏ quan ngại về việc Thủy quân lục chiến sẽ phải tham gia cuộc xung đột tiếp theo với những khẩu súng không tương xứng.
“Chúng tôi tạo ra những người lính bắn tỉa thuộc hàng giỏi nhất thế giới. Chúng tôi có những sĩ quan giỏi nhất của quân đội. Chúng tôi là các thợ săn khiến kẻ khác kinh sợ" - một HLV lính bắn tỉa đề nghị giấu tên nói với Washington Post - "Nhưng lần tới chúng tôi ra trận, Thủy quân lục chiến sẽ nhận được bài học cay đắng, về chuyện xảy ra khi anh mang dao tới một cuộc đấu súng."
Tường Linh (Theo Washington)
Thể thao & Văn hóa
Tags