(Thethaovanhoa.vn) - Với thành tích chiến đấu xuất sắc, lẽ ra anh lính bắn tỉa Craig Harrison đã phải được xem như một người hùng. Tuy nhiên sau khi xuất ngũ, anh nói rằng mình đã bị quân đội bỏ rơi không thương tiếc và phải chật vật đương đầu với hội chứng chiến tranh.
Harrison không phải là một người lính bình thường. Gia nhập lực lượng Kỵ binh Hoàng gia Anh từ năm 16 tuổi và được điều về Trung đoàn kỵ binh Blues & Royals, anh đã nhiều lần được điều tới các điểm nóng bậc nhất thế giới như Iraq, Afghanistan, vùng Balkan.
Tiêu diệt kẻ thù từ cự ly không tưởng
Trong một lần làm nhiệm vụ ở Afghanistan, Harrison đã tiêu diệt một xạ thủ súng máy Taliban cách xa anh tới gần 2,5 km. Tại cuộc phỏng vấn với hãng tin BBC, Harrison kể rằng anh phải bắn tới 9 phát đạn mới ước lượng được cự ly cần thiết để diệt mục tiêu.
Tiếp đó anh bắn liền hai phát đạn về phía kẻ thù. Phát đạn đầu tiên trúng vào người xạ thủ súng máy, khiến gã chết tại chỗ. Phát đạn thứ 2 đã phá hỏng khẩu súng.
Trong bản báo cáo gửi lên quân đội, Harrison nói rằng điều kiện thời tiết rất lý tưởng để anh thực hiện một cú bắn với cự ly xa gấp đôi khả năng tác chiến của khẩu súng bắn tỉa tầm xa L115A3 mà quân đội trang bị cho mình: trời không có gió và tầm nhìn rõ ràng.
Thành tích ngoài sức tưởng tượng này của Harrison đã cứu nguy cho các đồng đội, giúp họ bảo toàn mạng sống. “Tôi đã tin rằng mình phải làm điều gì đó để cứu 12 đồng đội đang mắc kẹt trong xe của họ, trước họng súng của xạ thủ” – anh chia sẻ.
Nhưng dù đã lập được kỳ tích trên, cộng với thâm niên trong quân ngũ, Harrison vẫn tin rằng quân đội đã đối xử bạc bẽo sau khi anh bộc lộ dấu hiệu mắc hội chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD).
“Họ còn chẳng buồn nói cảm ơn. Tôi gia nhập quân đội khi mới 16 tuổi và sau khi chuyện này (mắc hội chứng PTSD) xảy ra, tôi có cảm giác mình bị bỏ rơi không thương tiếc” – anh nói.
Những tổn thương ít người biết tới
Theo Harrison, công chúng vẫn thường hiểu rất sai về lực lượng bắn tỉa. Anh từng bị nhiều kẻ trên cộng đồng mạng gọi là “hèn nhát”. Họ nói anh không “quân tử” trong chiến tranh, khi giết kẻ thù từ khoảng cách xa, thay vì mặt đối mặt.
Thực tế, anh cho biết công việc bắn tỉa mang lại các trải nghiệm rất “riêng tư, sâu kín” và không dễ để đương đầu. “Bạn phải quan sát mục tiêu qua một chiếc kính ngắm, qua đó biết anh ta nói chuyện ra sao, thói quen cuộc sống gồm có những gì... Quá trình quan sát kéo dài đó khiến mục tiêu gần như trở thành một người thân mà bạn quen biết, để rồi phải ra tay bắn chết anh ta. Vì thế việc triệt hạ mục tiêu mang tới nhiều tác động tới cá nhân người lính” – anh nói.
Harrison đã viết rất kỹ về trải nghiệm của bản thân trong cuốn sách mới mang tên The Longest Kill, trong đó, anh cho biết vẫn nhớ rất rõ về những người mà mình phải giết.
"Giờ đây, mỗi khi nhắm mắt tôi đều phải dùng thuốc mới có thể ngủ được, vì tôi vẫn ngửi thấy mùi của họ, vẫn thấy hình bóng họ. Mọi cá nhân từng bị tôi giết vẫn còn sống trong đầu tôi” – anh chia sẻ - “Tôi có thể thấy họ đang khạc nhổ, hút thuốc, bước đi, trước khi bị tôi giết chết. Đó là những con người tôi không muốn giết, nhưng phải làm theo lệnh, vì họ cung cấp vũ khí cho lực lượng Taliban.”
Theo lời Harrison, việc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu đã biến anh thành một “cỗ máy giết chóc”, với tâm hồn dần trở nên trống rỗng.
Anh không hề biết mình đã bị PTSD rất nặng, cho tới khi vợ đưa mình đi gặp bác sĩ vào năm 2009 do có nhiều hành xử kỳ lạ. “Khi vào một căn phòng, tôi luôn kiểm tra mọi cánh cửa. Các cơn ác mộng khủng khiếp luôn ám ảnh tôi. Cảm giác khi đó giống như bạn bị các đám mây làm cho nghẹt thở” – anh kể - “Bạn luôn có cảm giác ai đó đang theo sau mình, rằng mọi người muốn tìm cách làm hại mình. Bạn chỉ muốn nhốt kín mình trong một căn phòng tối.”
Cảm giác bị phản bội
Harrison tin rằng anh bị PTSD lần đầu khi làm nhiệm vụ ở Bosnia. Lần ấy Harrison phải xử lý hậu quả của một cuộc thảm sát và công việc xác định thi thể các nạn nhân, vốn khiến những người lính phải đụng cham vào các xác chết khiến tâm hồn anh có sự đổ vỡ.
Sau này, khi tình trạng bệnh của Harrison được các bác sĩ xác nhận, anh đã đau khổ khi thấy Trung đoàn Blues & Royals tìm cách thải loại mình thật nhanh, đơn giản bởi họ chẳng muốn có một anh hùng không bình thường về tâm lý. Họ thậm chí còn thay mặt Harrison từ chối nhận Huân chương Thập tự, dành cho quân nhân dũng cảm, điều đã khiến anh rất phẫn nộ.
Khi Harrison trở về Anh vào năm 2010, Bộ Quốc phòng đã loan báo thành tích bắn tỉa của anh, có sự xác nhận của Tổ chức kỷ lục Guinness thế giới. Thật không may, họ đã làm lộ ra danh tính của Harrison. Việc này mang tới những hậu quả không hề nhỏ. Gia đình Harrison bị đe dọa giết và anh phải đưa họ đi lẩn trốn trong vòng 3 năm. Năm 2014, anh chính thức xuất ngũ, sau thời gian dài nghỉ phép vì sự cố lộ danh tính.
Cho tới ngày hôm nay, Harrison vẫn có cảm giác đã bị phản bội, cá nhân anh đang phải trả một cái giá quá lớn, không xứng với những hy sinh mà bản thân cống hiến cho quân đội và đất nước.
Tổ chức Guinness xác nhận Harrison có cú bắn tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách xa nhất. Anh đã triệt hạ một xạ thủ súng máy của Taliban ở cách mình 2.475 m, vượt xa thành tích trước đó là 2.430 m do Rob Furlong thực hiện vào năm 2002. |
Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Tags