(Thethaovanhoa.vn) - Với tên gọi Đường chúng ta đi, đêm nhạc Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn số thứ 2 sẽ trở lại với công chúng vào 20h ngày 5/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Chương trình với sự góp mặt của 2 khách mời Thu Minh và Thanh Lam, hứa hẹn đem lại nhiều thử thách và thú vị đối với 3 giọng ca nhạc trữ tình cách mạng, nhất là khi diva nhạc nhẹ Thanh Lam hóm hỉnh tuyên bố: “Chị chấp cả 3 em!”. Bên cạnh đó là lời khẳng định tự tin của giám đốc âm nhạc chương trình Thanh Phương: “Thử thách khiến tôi thích thú và tôi luôn tự tin về sự hấp dẫn của chương trình mình làm!”.
Giàu trữ tình hơn
Còn nhớ năm 2018, khi lần đầu chương trình Đường chúng ta đi ra mắt công chúng, không ít người bất ngờ khi một chương trình nhạc trữ tình cách mạng lại có thể sớm “cháy vé” trong vòng 2 tuần. Sự thành công này phần nào đã gợi mở để chương trình tiếp tục diễn ra lần thứ 2 trong năm nay. Nhưng có lẽ, có ý nghĩa hơn cả là câu chuyện về dòng nhạc có tuổi đời gắn liền với lịch sử dân tộc, đã xuyên suốt nhiều năm tháng và vẫn đầy sức sống trong thời 4.0.
Mặc dù thời gian ra đời của nhạc trữ tình cách mạng đã sắp được tính bằng thế kỷ nhưng đến thời điểm này, để kể tên những nam nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc này thì khán giả vẫn rất dễ “điểm mặt, đặt tên” - tức là họ chưa bao giờ thuộc về số đông.
Tất nhiên, lý do thì nhiều nhưng chỉ nói riêng về đời sống của dòng nhạc trữ tình cách mạng, chính những gương mặt như tam ca Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn cũng nhìn thấy một sự đứt đoạn vào những năm 1990 – khi mà dòng nhạc nhẹ lúc đó mới làm nên sức hút với công chúng.
Vì thế, khi giả định để tam ca Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn là lớp kế cận các bậc tiền bối như tam ca Trung Kiên - Trần Hiếu - Quang Thọ, họ cũng… không dám nhận.
“Từ những giọng ca đời đầu như NSND Trung Kiên đến chúng tôi là một khoảng cách khá xa. Bởi lẽ, có cả một quãng thời gian dài, dòng nhạc này không có người yêu thực sự để hát, để duy trì và đưa đến công chúng” - ca sĩ Đăng Dương bày tỏ.
Nhưng rõ ràng, cũng từ 3 cái tên Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn mà nhạc trữ tình cách mạng nhiều năm qua lại trở nên liền mạch hơn, thậm chí còn mở ra những con đường mới để dòng nhạc này có nhiều cơ hội thử nghiệm. Riêng với tam ca này, họ đã chọn cách hát bớt đanh thép mà giàu trữ tình hơn.
Sau nhiều năm cống hiến và hơn 20 năm gắn bó ở hình thức tam ca, 3 giọng tenor đã cho thấy họ có những tìm tòi, sáng tạo đáng ghi nhận với dòng nhạc trữ tình cách mạng. Đó là việc gìn giữ chuẩn mực của những tác phẩm, kết hợp với hơi thở nghệ sĩ của riêng họ để đến với công chúng một cách nghệ thuật nhất.
“Cùng lúc cân bằng được yếu tố cốt lõi của tác phẩm với yếu tố cá nhân trong những tác phẩm lịch sử đã là một sự sáng tạo và thành công với những nghệ sĩ chúng tôi. Vì nếu so với thời của các bậc tiền bối đi trước, chúng tôi có nhiều điều kiện để làm tác phẩm hay lên rất nhiều. Từ phối âm, phối khí cho đến dàn nhạc, phòng thu” - ca sĩ Trọng Tấn chia sẻ.
“Điều kiện là thế, nhưng tiếc rằng, chúng tôi không phải là những con người đến từ lịch sử. Nên nói đến hồn cốt tác phẩm thì chúng tôi thực sự không thể bằng những giọng ca đã sinh ra, sống và chiến đấu trong những năm tháng lịch sử ấy”- anh nói thêm.
Không ngại thử thách
Với cuộc hành trình sắp diễn ra, tam ca Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn tiếp tục đưa mình vào những thử thách mới. Đó là việc cùng hát với giọng ca hàng đầu dòng nhạc nhẹ là Thanh Lam và nhạc dance Thu Minh.
Nếu như tam ca Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn là 3 màu tenor (giọng nam cao) đặc biệt thì màu của Thu Minh và Thanh Lam cũng độc, lạ không kém.
Nói như nhạc sĩ Thanh Phương, ca sĩ Thanh Lam có thể hát đa dạng, ca sĩ Thu Minh đáng ra phải theo dòng nhạc cổ điển khi cô học hành bài bản với khả năng hát quãng rộng và chuyển giọng đẹp. Chừng đó thôi cũng đủ để kích thích sự tò mò của khán giả về sự kết hợp của 5 giọng ca này.
Và những người thực hiện chương trình cũng không ngần ngại bật mí rằng các giọng còn kết hợp với nhau trong cả những ca khúc khúc quốc tế bằng tiếng Nga, tiếng Italy và nhạc phim.
“Đó là những ca khúc thuộc hàng kinh điển thế giới, rất dễ để gợi nhớ về mối tình đầu của lứa tuổi 1970 - 1980” – ca sĩ Việt Hoàn tiết lộ.
Vì sao là tam ca Trọng Tấn - Đăng Dương - Việt Hoàn? “Thường thì lập nhóm hát phải có một cái tên chung. Nhưng khi gặp nhau, chúng tôi không thành lập boyband. Chúng tôi đủ duyên để trở thành tam ca mà khi đứng cạnh nhau, vừa có cái riêng vừa có cái chung. Điều đó làm nên sự khác biệt và khán giả đều yêu mến chúng tôi theo cách này” - ca sĩ Trọng Tấn chia sẻ. |
Lam Anh
Tags