Livestream - những trở lực cần vượt qua

Thứ Hai, 25/01/2016 06:42 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) -Như đã nói, livestream (truyền hình trực tiếp trên internet) đến mạnh mẽ như một cơn bão, riêng các kênh trực tuyến thuộc mạng lưới của POPS Worldwide đạt tổng số vượt mốc 7 tỷ lượt xem trong năm 2015. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề đặt ra cho livestream, để nó có thể trở thành đối thủ thật sự của các nhà đài…

Livestream đang ở thế thượng phong phát triển nhưng vẫn còn đó rất nhiều vấn đề cần giải quyết.

Âm thanh, hình ảnh và công tác biên tập

Chương trình Nơi tình yêu bắt đầu của ca - nhạc sĩ Trần Lập, nếu mổ xẻ sẽ thấy còn rất nhiều vấn đề  về mặt âm thanh và hình ảnh. Những người xem live chương trình này đều nói rằng họ không thể nghe rõ được vì chất lượng âm thanh không tốt. Bên cạnh đó, hình ảnh cũng có vấn đề khi những góc máy, cảnh quay bị giựt hoặt mất nét.

Đó còn chưa kể, dù mặt tương tác giữa khán giả và chương trình là rất tốt nhưng nảy sinh ra những vấn đề lớn khi công chúng vào bình luận với những ngôn ngữ không văn minh, văng tục, chửi thề và quan trọng là không ai kiểm soát được. Livestream vẫn đang thiếu những bàn tay biên tập.

Bà Nguyễn Hữu Vĩnh Hạnh, Giám đốc điều hành của POPS Worldwide, đơn vị đại diện cho YouTube tại Việt Nam cho rằng chất lượng âm thanh livestream thì không phân biệt ở Việt Nam hay ở nước ngoài, nó phụ thuộc chính vào đường truyền cũng như ê kíp thực hiện livestream.


Sơn Tùng M-TP trong buổi ra mắt MV “Âm thầm bên em” vào tháng 8/2015. Lần đầu tiên một ca sĩ Việt Nam ra mắt sản phẩm âm nhạc mới bằng hình thức livestream

Còn về vấn đề biên tập thì bà thừa nhận: “Không khó để thực hiện một chương trình livestream nhưng đúng là cần có những biên tập, đạo diễn am hiểu livestream để có thể mang đến chương trình phù hợp và thu hút dành cho đối tượng khán giả này. Vì hiện nay, đa phần đối tượng khán giả ứng dụng công nghệ và quen thuộc với các kênh kỹ thuật số phần đông vẫn là giới trẻ. Tương tác 2 chiều giữa công chúng và chương trình là một trong những ưu điểm của livestream”.

Tuy nhiên, bà Hạnh cũng cho rằng người kiểm soát livestream có thể kiểm soát chức năng cho phép bình luận trực tiếp lên link đang livestream nên có thể kiểm soát được phần nào.

Những chương trình livestream hiện nay không bị quá bó buộc vào vấn đề giấy phép, không bị hạn chế kiểm duyệt bởi nhà đài, chủ động hoàn toàn trong việc thực hiện. Và nó sẽ nảy sinh khá nhiều vấn đề khi những chương trình phản cảm được livestream công khai. Điều này chưa diễn ra nhưng không ai nói trước nó sẽ không đến ở tương lai nếu thiếu những quy chuẩn phù hợp.

Vấn đề thu phí

POPS Worldwide hiện là một trong những đơn vị đi đầu với xu hướng livestream. Tính riêng trong năm 2015, các kênh trực tuyến thuộc mạng lưới của POPS đã thu hút hơn 7 tỷ lượt xem, trong đó riêng kênh POPS Music đã đến năm 2015 đã vượt mốc 1 tỷ lượt xem với 1 triệu lượt theo dõi và là kênh giải trí trực tuyến đứng đầu tại Việt Nam. Các con số này đang được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi trong năm tới.

Câu hỏi được đặt ra, với lượng view khủng khiếp như vậy, thì việc thu phí những chương trình livestream sẽ được tính như thế nào?

Bà Nguyễn Hữu Vĩnh Hạnh phân tích: “Cho đến nay thì gần như hầu hết các chương trình livestream tại Việt Nam đều không thu phí. Và theo tôi thấy trên thế giới, hầu hết các sự kiện áp dụng livestream rộng rãi trên các nền tảng kỹ thuật số chủ yếu phục vụ cho mục đích quảng bá, mở rộng phạm vi tiếp cận cho khán giả toàn cầu hoặc của một khu vực. Do đó, cũng tùy mục tiêu của mỗi chương trình mà nhà sản xuất mới cân nhắc chọn livestream”.

Truyền hình trực tiếp không còn là 'độc quyền' của nhà đài

Truyền hình trực tiếp không còn là 'độc quyền' của nhà đài

Kể từ khi YouTube mở rộng tính năng truyền hình trực tiếp vào năm 2013, cho đến nay, tính năng ưu việt này đang được khai thác ngày một triệt để trên nhiều lĩnh vực.


Như vậy có thể thấy, livestream đang phát triển nhưng hình thức của nó vẫn mang nhiều tính quảng bá. Ngay như tại Trung Quốc nhiều chương trình âm nhạc phát livestream có thu phí người dùng nhưng lại không nhận được nhiều sự ủng hộ. Nếu phải trả tiền, công chúng sẽ thích đi xem trực tiếp hơn, hoặc là xem qua truyền hình với chất lượng âm thanh và hình ảnh tốt hơn.

Bà Hạnh cũng chia sẻ rằng đa phần các chương trình livestream thường là những chương trình giải trí giới hạn khách mời và dùng livestream để phục vụ công chúng nói chung. Còn với các chương trình có mục tiêu bán vé thì sẽ không chọn livestream, nhà sản xuất có thể chọn phương án phát hành nội dung show diễn đó lên kênh sau khi show diễn kết thúc.

Và như thế, cho dù livestream đang có rất nhiều lợi thế trong cuộc đua truyền thông, chi phí giảm hẳn so với việc sản xuất trên truyền hình, không bị bó buộc quá nhiều về mặt giấy phép, kiểm duyệt… nhưng nó vẫn đang vấp phải về câu chuyện bài toán lợi nhuận nếu như chương trình thuần về nội dung không mang tính quảng bá.

Nhưng về lâu dài, khi các nhà tài trợ, nhãn hàng tìm thấy một thị trường béo bở của livestream thì đó sẽ là một vấn đề khác. “Nhưng ngày ấy vẫn chưa đến đâu bởi cốt lõi của livestream vẫn là đường truyền mà đường truyền internet tại Việt Nam vẫn chưa thể bằng nước ngoài và nó sẽ hạn chế rất nhiều về mặt âm thanh và hình ảnh, điều ấy sẽ làm công chúng vẫn thích thưởng thức qua truyền hình hơn” - một nhà sản xuất cho biết.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›