(Thethaovanhoa.vn) - Nếu đúng kế hoạch, thì vào tháng 3 tới, VFF sẽ tiến hành Đại hội và rõ ràng, nhìn vào quỹ thời gian hạn hẹp còn lại, thì đáng để lo, vì quá nhiều thứ phải lo!
- Đầu năm mới chúc gì cho VFF?
- Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn: 'Nhiều kỳ vọng cho nền bóng đá trong năm 2018'
- Chủ tịch VFF: Doanh nghiệp, chính khách hay nhà chuyên môn?
1. Là tổ chức chuyên môn quyền lực nhất nên đương nhiên, mọi biến động tại VFF luôn có tác động trực tiếp đến đời sống bóng đá nước nhà. Hơn thế, trong bối cảnh cần sớm chấn chỉnh của bóng đá Việt Nam, thì Đại hội Liên đoàn đóng vai trò quan trọng khi liên quan không chỉ đến vấn đề nhân sự chủ chốt mà còn là chiến lược phát triển.
Tới thời điểm này, có thể khẳng định việc tổ chức Đại hội VFF đúng kế hoạch là cần thiết, nhưng xét trên góc độ quản lý và cả thực tế, thì cũng có "một núi việc" để mà lo. Đầu tiên là chuyện thủ tục giấy tờ, bởi ngoài sự đồng ý của ngành chủ quản, Liên đoàn muốn Đại hội cũng cần phải được Bộ Nội vụ đồng ý.
Chưa hết, cũng theo kế hoạch thì vào ngày 15/1 tới đây, Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội VFF mới hoàn tất quy trình lựa chọn nhân sự, nhưng đây cũng là thời hạn cuối để tổ chức cuộc đối thoại “Vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam” như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong khuôn khổ hội nghị sơ kết 4 năm triển khai "Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030" diễn ra vào giữa tháng 12 vừa qua.
Rồi mỗi kỳ Đại hội Liên đoàn, chuyên nhân sự, đặc biệt là nhân sự cho chiếc ghế Chủ tịch luôn nóng và lần này cũng chẳng là ngoại lệ. Trên mặt báo nhanh chóng "giới thiệu" hàng loạt ứng cử viên, cán bộ quản lý nhà nước có, nhà chuyên môn có và dĩ nhiên, không thiếu những doanh nghiệp gắn bó với trái bóng tròn... Chỉ có điều, chính những người được "giới thiệu" ấy chẳng ai lên tiếng chính thức khiến nó giống chuyện "lobby" hơn là đi tìm một minh chủ thực sự cho cả nền bóng đá quốc gia.
2. Rồi cả khi Đại hội VFF nhiệm kỳ VIII có diễn ra đúng theo kế hoạch và những chiếc ghế chủ chốt sẽ tìm được chủ nhân, thì nỗi lo vẫn chẳng hết, thậm chí là còn lo hơn khi gắn với chuyện kinh phí hoạt động.
Trong khuôn khổ Đại hội thường niên 2017, theo báo cáo công khai từ VFF là trong năm qua, Liên đoàn đã kiếm được 150 tỷ đồng, nhưng lại tiêu âm 7 tỷ. Đó là chưa kể trong hoạt động của VFF có 1 phần ngân sách dành cho các đội tuyển quốc gia. Từ chuyện "tiêu âm" khiến năm 2018 sẽ trở thành thách thức lớn nếu không tìm kiếm được nguồn tài trợ.
Cụ thể, trong năm 2018, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia tại châu Á có tới 6 đội tuyển giành quyền tham dự các giải đấu của châu lục gồm: Đội tuyển nam quốc gia giành quyền tham dự VCK Asian Cup 2019; Đội tuyển nữ giành quyền tham dự VCK Asian Cup nữ 2018; Đội tuyển U23 có mặt ở VCK U23 châu Á 2018; Đội tuyển U19 cũng sẽ đua tài ở VCK U19 châu Á 2018; Đội tuyển U16 góp mặt ở VCK U16 châu Á 2018 và Đội tuyển futsal nam đua tranh thứ hạng ở VCK futsal châu Á 2018. Đó là chưa kể đến ASIAN Games 2018 tại Indonesia cũng có bóng đá và quan trọng nhất là AFF Cup 2018, sân chơi mà thành công hay thất bại sẽ tạo ra những ảnh hưởng trái chiều.
Con số 30-40 tỷ để chi cho 6 đội tuyển tham dự các giải châu lục trong năm 2018 là minh chứng cho nỗi lo này. Mà kiếm tiền cho bóng đá xưa nay vốn chẳng dễ, VFF nhiệm kỳ VII được xem là kỳ Liên đoàn quy tụ nhiều doanh nhân máu mặt nhất, vậy mà ai cũng thấy, kết quả chi tiêu âm chẳng ít.
Lo người, lo tiền cho VFF và lo cho cả sự phát triển của nền nóng đá là thế!
Vũ Minh
Tags