Lỡ quét mã QR lạ rồi để mất cả gia tài: "Đã 1 tháng trôi qua, ngày nào tôi cũng khóc vì trót dại"

Thứ Sáu, 21/04/2023 10:16 GMT+7

Google News

Kết bạn trên mạng, lân la làm thân, sau đó giới thiệu các nền tảng đầu tư trực tuyến sai sự thật, đây thường là những bước thường thấy đằng sau kiểu lừa đảo có tên gọi "giết lợn". Gần đây, vào ngày 27 tháng 3, cảnh sát Trung Quốc đã triệt phá 2 ổ lừa đảo xuyên biên giới với mô hình như vậy. 11 nghi phạm hình sự đã bị bắt giữ, thu giữ hơn 20 máy tính, hơn 50 điện thoại di động và một số ví ảo thẻ ngân hàng liên quan đến vụ án.‏

‏Trong suốt thời gian ổ lừa đảo này hoạt động, họ đã chiếm đoạt tài sản của vô số nạn nhân đến từ khắp các quốc gia. Mộng Khê (*nhân vật thay đổi tên để giữ kín danh tính) là một trong số đó. Vào tháng 6 năm nay, một cuộc "hẹn hò trực tuyến" đã khiến cô vướng vào món nợ lên tới 140.000 NDT (gần 480 triệu đồng).‏

‏Mộng Khê sinh năm 1992, là bác sĩ của một bệnh viện ở Trung Quốc. Vào mùa hè năm ngoái, cô tình cờ tham gia vào ứng dụng kết bạn online và gặp một người với nickname Tiêu Lãng. Chỉ sau vài ngày nói chuyện vui vẻ, họ hẹn gặp nhau bên ngoài. Mộng Khê đã nhanh chóng phải lòng người đàn ông vui tính, dí dỏm này.‏

photo-1681985921878

Ảnh minh họa: Internet

‏Trong quá trình trò chuyện Tiêu Lãng có kể về nghề nghiệp của mình. Ban ngày, anh ta kinh doanh nhà hàng, sau đó sẽ "đầu tư" vào buổi tối như một nghề tay trái, nên thời gian rảnh rỗi khá ít. "Anh có thể kiếm được cả tháng lương của em chỉ trong một đêm," Tiêu Lãng nói với Mộng Khê.‏

‏Sau một thời gian quen thân hơn, Tiêu Lãng ngỏ ý muốn giúp Mộng Khê kiếm tiền. Anh ta gửi cho cô một mã QR, sau khi quét bằng điện thoại, cô được dẫn tới một địa chỉ website "đầu tư" có vẻ "chuyên nghiệp".‏

‏Để có được lòng tin của Mộng Khê, Tiêu Lãng đã lập tức thao tác trước mặt cô vài lần, sau đó cho cô xem kết quả anh ta kiếm được và dẫn cô đi rút tiền. Mọi thứ rất thuận lợi, Mộng Khê hoàn toàn không nghi ngờ. ‏

‏"Lần đầu tham gia thì em không cần chơi lớn, chỉ đầu tư 500 NDT thôi là được," Tiêu Lãng nói. Dưới sức hút kép của tình và tiền, Mộng Khê sa bẫy.‏

photo-1681985924613

Ảnh minh họa: Internet

‏"Khoảng 10 lần đầu tiên, lần nào đầu tư trên website đó, tôi cũng trúng lớn. Số tiền lãi lên tới 50.000 NDT. Mỗi ngày tôi đều ra ra vào vào website để kiểm tra số dư của mình và rất vui. Nhưng đó là thời điểm ‘heo vỗ béo’ thành công, giai đoạn ‘mổ thịt’ chuẩn bị bắt đầu", cô kể. ‏

‏Ngay khi muốn rút tiền khỏi tài khoản, cô nhận được thông báo: "Phát hiện giao dịch bất thường, tài khoản của bạn đã bị khóa tạm thời. Nếu muốn mở khóa, hãy nạp vào 80.000 NDT."‏

‏Khi cô liên hệ với Tiêu Lãng để hỏi giúp đỡ, Tiêu Lãng chỉ nói: "Em cứ nạp vào trước đi, nếu không đủ, thử vay bạn bè xung quanh xem." ‏

‏Sau khi nạp tiền vào, quả nhiên tài khoản đã được mở khóa. Tiêu Lãng lại dụ cô sử dụng khoản tiền vay được đầu tư thêm vì "đằng nào cũng mất công vay rồi". Sau khi biến số tiền trong tài khoản tăng thêm 30% nữa, Mộng Khê lại bất ngờ bị khóa thêm lần nữa. Yêu cầu mở khóa cũng tương tự, cô vẫn phải nạp thêm tiền.‏

‏Cuối cùng, Mộng Khê đã vay tổng cộng 140.000 NDT từ cả bạn bè và một số nền tảng cho vay trực tuyến, sau đó mới phát hiện bị lừa. Với mức lương tháng trung bình chỉ có 4.000 NDT, cô hoàn toàn không trả nổi món nợ khổng lồ.‏

‏Thấy Mộng Khê đã bị vắt khô, Tiêu Lãng "biến mất".‏

photo-1681985927095

Ảnh minh họa: Internet

‏Theo một báo cáo vào tháng 8 năm 2022 của Yangcheng Evening News, chỉ riêng tại quận Longgang của Thâm Quyến, Trung Quốc, đã có 463 vụ lừa đảo hẹn hò liên quan đến các nền tảng hẹn hò. Số tiền liên quan có thể lên tới gần 60 triệu NDT. ‏

‏Kiểu lừa đảo này bắt nguồn từ Trung Quốc, còn được biết đến với cái tên "mổ lợn", vì quy trình hầu hết đều bắt đầu từ việc "vỗ béo" nạn nhân, sau đó "mổ thịt" và lấy đi mọi thứ nạn nhân có. ‏

‏Ban đầu, những kẻ lừa đảo tiếp xúc với mọi người trên tin nhắn SMS hoặc các nền tảng truyền thông xã hội, hẹn hò trực tuyến. Sau khi thiết lập mối quan hệ thân thiết, kẻ đó sẽ tiết lộ rằng, mình biết cách kiếm được rất nhiều tiền và đề nghị mục tiêu cân nhắc tham gia.‏

‏Tạo ra các nền tảng tài chính độc hại với vẻ ngoài "trông có vẻ hợp pháp" là một đặc điểm nổi bật của các trò lừa đảo mổ lợn. Khi nạn nhân đã chi hết tiền vào đó, nhiều kẻ còn dụ nạn nhân đi vay từ bên ngoài. Đợi tới khi không còn một xu nào để "bòn rút", chúng mới "biến mất" trong lặng thinh. ‏

photo-1681985929485

Ảnh minh họa: Internet

‏"Tôi đã bị lừa 300.000 NDT tháng trước. Kể từ đó, tôi đổi công việc, chuyển nhà, tránh xa tất cả mọi người xung quanh để không bị chỉ trỏ nhòm ngó, hay nhìn bằng ánh mắt thương hại. Hàng tháng tôi còn phải trả nợ nhiều khoản vay khác nhau. Tôi biết rằng mình phải lạc quan hơn, tìm cách kiếm thêm thu nhập để trả nợ, nhưng số tiền quá lớn. Đêm nào tôi cũng khóc vì nghĩ đến tương lai đầy khó khăn trước mắt", một nạn nhân giấu tên khác chia sẻ. ‏

‏*Nguồn: Wired, Zhihu, AQ News…‏

 Phóng sự toàn cảnh vụ lừa đảo 'làm nhiệm vụ' qua Telegram: Nạn nhân mất tiền còn bị xúc phạm, chế nhạo khi phát hiện sự thật

Phương Thùy

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›