Sau thành tích không tốt ở đấu trường Asiad và Olympic, cuối năm 2024 vừa qua, đoàn VĐV cử tạ trẻ của Việt Nam dự giải vô địch cử tạ thanh thiếu niên và trẻ châu Á 2024 tại Doha (Qatar) và thi đấu thành công khi xếp hạng nhất ở các nội dung thiếu niên và hạng ba nội dung trẻ. Thành tích là thế, nhưng chưa thể xác định được triển vọng lâu dài của cử tạ Việt Nam.
Những môn thể thao "cốt lõi" Olympic như cử tạ thì số lượng huy chương không quan trọng bằng thông số kỹ thuật. Từ chuyện đoạt HCV châu lục ở lứa tuổi trẻ đến khả năng vươn tầm thế giới là những chuyện hoàn toàn khác. Cử tạ là một trong những môn được xem là thế mạnh của Việt Nam, khi chúng ta từng có HCB tại Olympic 2008 do công của lực sỹ Hoàng Anh Tuấn. Tuy nhiên, đây cũng là môn phản ảnh rõ nét nhất những bất cập trong công tác đầu tư, xây dựng lực lượng của thể thao Việt Nam (TTVN).
Sau Hoàng Anh Tuấn, cử tạ Việt Nam có một vài cái tên tiếp nối nhưng đều không thể vượt qua được thành tích của đàn anh. Trong khi đó, môn này đã giúp Philippines lần đầu tiên trong lịch sử có HCV Olympic ở Tokyo 2020. Cho đến nay, mặc dù có lực lượng VĐV trẻ không tồi, nhưng chính những nhà quản lý cử tạ cũng không thể xác định được triển vọng của môn mình phụ trách do các thông số hiện tại không có đột phá. Đã thế, Liên đoàn cử tạ thế giới sẽ giảm số lượng hạng cân tranh tài ở những giải quốc tế chính thức, trong đó các hạng cân dưới 60kg vốn là thế mạnh của chúng ta sẽ không còn.
Không chỉ có cử tạ, TTVN đang gặp vấn đề trong lộ trình phát triển tài năng ở các môn cơ bản Olympic như bơi, điền kinh… Ví dụ như bơi, dù được xem là thế lực đứng hạng số 2 ở Đông Nam Á chỉ sau Singapore nhưng xét về thông số kỹ thuật thì khoảng cách so với châu Á hay Olympic thực sự còn quá xa. Những lần thử sức của Nguyễn Thị Ánh Viên hay Nguyễn Huy Hoàng ở các đấu trường lớn này thường lại có thành tích kém hơn hẳn so với chính cá nhân của VĐV.
Với điền kinh, cũng vậy. Tại Đông Nam Á, chúng ta vẫn có thể tự tin vào khả năng tranh chấp vị trí số 1 với Thái Lan, nhưng đó vẫn là câu chuyện về số lượng huy chương chứ không phải là các thông số để nói đến việc vươn tầm. Trong năm 2025, điền kinh sẽ có cuộc chuyển giao thế hệ nhưng việc có những đột phá thành tích được hay không, thì cũng chưa xác định.
Sự phát triển của TTVN ở nhóm môn trọng điểm Olympic trong 2 thập niên qua là rất đáng tự hào. Từ chỗ chỉ thành công ở các môn võ hoặc bắn súng, thì dần dần chúng ta cũng hình thành nên lực lượng VĐV đồng đều, nâng dần số lượng huy chương ở nhóm môn căn cứ vào thông số kỹ thuật. Tuy nhiên, những tiến bộ ấy chỉ mới dừng lại ở tầm khu vực.
Câu chuyện phải chăng nằm ở lộ trình phát triển tài năng, tức là từ VĐV trẻ đầy triển vọng cho đến những nhà vô địch ở châu lục, thế giới. Có thể lấy ví dụ của Ánh Viên, người ở tầm tuổi 16-18 đã thống trị các đường bơi trong nước và SEA Games, cũng đã có khoảng thời gian được đầu tư tập huấn tại Mỹ với số tiền "chưa từng có" nhưng thành tích lại không tiến xa quá nhiều, chưa kể các yếu tố tâm lý thi đấu ở các lần dự Olympic cũng không quá tốt. Đã có nhiều phân tích lý giải chúng ta không sai về đầu tư, nhưng phương pháp thì chưa hợp lý.
TTVN chắc chắn sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn trong nổ lực vươn tầm để hướng đến tham vọng Top 50 Olympic. Đầu tiên là việc chuyển giao thế hệ đang diễn ra ở nhiều môn trọng điểm, kế đến là lộ trình phát triển các tài năng trẻ hiện vẫn chưa được làm rõ hoặc có công thức đặc biệt sau các bài học "đứng đầu khu vực nhưng thua kém ở châu lục, thế giới". Cuối cùng, không thể không nói đến sự cạnh tranh và các thay đổi trong tương lai của thể thao khu vực và thế giới.
Tags