Trúc đào là loại cây khá quen thuộc được trồng làm cảnh nhiều vì có hoa rất đẹp. Tuy nhiên, theo cảnh báo của chuyên gia, cây trúc đào là cây cực độc, có thể gây chết người.
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM (cơ sở 3), cho biết toàn cây trúc đào có nhựa đục rất đắng và độc, là acid hydrocyanic và glucosid. Trên thực tế, bò, ngựa ăn phải lá trúc đào tươi đã bị ngộ độc, người ăn phải thịt các loại động vật này cũng bị nhập viện.
Dấu hiệu ngộ độc trúc đào là khó chịu, bải hoải chân tay, buồn nôn, chóng mặt (liều nhỏ); Tiêu chảy ra máu, rối loạn hô hấp, nôn mửa, chân tay co giật, loạn nhịp tim, mạch nhỏ yếu đi tới hôn mê và tử vong (liều cao).
Bác sĩ Tấn Vũ lưu ý: "Không trồng trúc đào ở cạnh nguồn nước như: giếng, ao, bể; Không buộc hoặc thả gia súc dưới gốc cây trúc đào; Không để trẻ nhỏ nhặt chơi để tránh ăn lá gây ngộ độc; Không dùng lá trúc đào chữa bệnh ngoài da dưới bất kỳ hình thức nào".
Nhà khoa học, lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y (Hà Nội), cho biết cây trúc đào có lá xanh, hoa đẹp được nhiều người ưa thích trồng làm cảnh. Trúc đào có nhiều tên gọi khác nhau như: giáp trúc đào, đào lê, trước đào. Đây là loại cây du nhập vào Việt Nam và hiện nay được trồng làm cảnh rất nhiều.
Tuy nhiên, loại cây này có độc tính rất cao, gây nguy hiểm chết người. Độc tính của cây trúc đào có trong tất cả các bộ phận của thân cây, đặc biệt là nhựa cây.
"Trúc đào là cây có chất kịch độc đáng ra không nên trồng để tránh nguy cơ gây ra ngộ độc cho con người", lương y Bùi Đắc Sáng nói.
Vị lương y cho biết thêm đã có trường hợp tử vong do lá cây trúc đào. Theo xét nghiệm, bệnh nhân này dùng một đơn thuốc có chứa lá trúc đào.
Người ăn phải cây trúc đào thường có những triệu chứng chóng mặt, đau bụng, nôn nhiều, rối loạn nhịp tim. Bệnh nhân tiến triển nặng có thể bị trụy tim mạch, tụt huyết áp, hôn mê và tử vong.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng người lớn ăn 10-20 lá trúc đào có thể nguy hiểm tới tính mạng, trẻ nhỏ ăn 1 lá trúc đào có thể bị tử vong.
Trong trường hợp nghi ngờ bị ngộ độc trúc đào, cần phải nhanh chóng gây nôn cho nạn nhân, sau đó nhanh chóng đưa họ tới cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ giải độc.
Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết: "Trúc đào có tính độc thuộc nhóm A (cực độc), vì vậy không nên trồng cây trong nhà, trường học để tránh trẻ con ăn phải. Tránh trồng cây ở nơi có chứa nguồn nước ăn vì lá rơi xuống có thể gây nhiễm độc. Tuyệt đối không tự ý dùng trúc đào vì sẽ rất nguy hiểm".
Trong đông y, trúc đào có vị đắng, chát, tính bình, có độc mạnh. Trúc đào được coi là vị thuốc có tác dụng trợ tim, lợi tiểu, tán ứ chỉ thống, giải độc thấu chẩn… Nhưng việc dùng trúc đào làm thuốc cần phải theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Trước đó, nhà chức trách tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã ghi nhận một trường hợp phải đi viện cấp cứu và được bác sĩ chẩn đoán ngộ độc, chỉ một ngày sau khi cô này chụp ảnh "tự sướng" với hoa trúc đào. Loài hoa này được mệnh danh là "sự quyến rũ của thần chết", độc hại đến mức có thể gây ra các phản ứng nghiêm trọng khi tiếp xúc gần.
Tags