(Thethaovanhoa.vn) - “Việc loại bỏ linh vật ngoại lai khỏi địa bàn Hà Nội không phải chuyện dễ dàng và không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Nhưng với lộ trình có sẵn cùng những bước đầu thành công khi được báo chí và dư luận ủng hộ, chúng tôi sẽ tiếp tục vào cuộc mạnh tay để loại bỏ những hiện vật, biểu tượng, linh vật không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam” - ông Trương Minh Tiến, PGĐ Sở VHTT&DL Hà Nội khẳng định với Thethaovanhoa.vn.
453 di tích ở HN có hiện vật ngoại lai
Theo ông Tiến, cụ thể, sau khi Bộ VHTT&DL ra văn bản 2662/BVHTTDL-MTNATL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, Sở đã lập tức soạn văn bản tới các quận huyện để tuyên truyền cho quần chúng nhân dân nhận thức rõ việc đưa hiện vật, xây mới hạng mục trong lòng di tích đã được xếp hạng mà không xin phép các cơ quan chức năng là sai Luật Di sản Văn hóa. Tất cả những hiện vật đưa vào di tích phải phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam và được thẩm định của các cơ quan chức năng.
Đồng thời, khi UBND Hà Nội nhận văn bản công văn 2662 và giao cho Sở đôn đốc các quận huyện, Sở đã đề nghị tới UBND các quận huyện điều tra và thống kê các hiện vật, linh vật, biểu tượng mang tạo hình ngoại lai. “Đến nay đã có 24 quận huyện trong Thành phố gửi kết quả lên Sở. Qua thống kê sơ bộ, các di tích trên địa bàn 24 quận huyện trên có 453 di tích có hiện vật, linh vật, biểu tượng ngoại lai (tiêu biểu là sư tử đá mang tạo hình Trung Quốc, tỳ hưu đá, tượng quan âm bạch y, đèn đá kiểu Nhật Bản...)” – Phó GĐ Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết.
Ông Trương Minh Tiến cũng cho hay, trong lúc Sở thu thập đầy đủ số liệu từ các quận, huyện trong Thành phố, Sở cũng đang tiến hành lập kế hoạch tuyên truyền, di dời hiện vật ngoại lai ra khỏi di tích. Việc này Sở sẽ giao nhiệm vụ cho các đơn vị địa phương thực hiện và giám sát chặt chẽ.
Sở VHTTDL Hà Nội quyết tâm dời những cặp linh vật ngoại lai án ngữ ở di tích. Ảnh: Phạm MỹTạo mọi điều kiện cho linh vật Việt
Khi được hỏi về cách thức di dời hiện vật, linh vật ngoại lai ra khỏi di tích, ông Tiến trả lời: Do điều kiện mỗi địa phương mỗi khác nên Sở không định xây dựng phương án chung cho tất cả các quận huyện trong địa bàn.
“Chúng tôi sẽ giao cho các địa phương xử lý linh hoạt tùy theo đặc thù của từng nơi.”- Ông Trương Minh Tiến nói- “Tuy nhiên, việc giao cho các địa phương tự chủ động không đồng nghĩa với việc các địa phương muốn chuyển đi đâu thì chuyển. Các địa phương tuyệt đối không được di dời linh vật, hiện vật ngoại lai từ di tích sang di tích khác. Đồng thời, việc di dời các linh vật, hiện vật không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam từ di tích ra những nơi công cộng cũng là việc không được chấp nhận. Sở sẽ giám sát gắt gao việc này”.
Về ý kiến quan ngại cho rằng sau khi di dời những hiện vật ngoại lai, các linh vật thuần Việt đưa vào di tích đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân phải trải qua sự thẩm định của các cấp ban ngành mất nhiều thời gian, gây tâm lý chán nản cho những người quản lý di tích và nhân dân, ông Tiến khẳng định: Theo Luật di sản, các hiện vật đưa vào di tích đều phải qua thẩm định. Nhưng việc thẩm định này sẽ rất nhanh. Nếu di tích cấp Thành phố, khi Ban Quản lý Danh thắng thẩm định và trình lên Sở. Khi kết luận của BQL Danh thắng là linh vật đưa vào di tích phù hợp thuần phong mỹ tục, không phá vỡ cảnh quan cũng như tính nguyên trạng của di tích, tôi sẽ lập tức ký duyệt”.
“Còn di tích cấp Quốc gia trong địa bàn Thành phố, nếu hiện vật được thẩm định là hợp lý, tôi cũng lập tức ký để trình lên Bộ”- Ông Tiến nói tiếp- “Và tôi tin, trên Bộ, Cục di sản cũng như các đơn vị liên quan cũng sẽ làm việc khẩn trương để đáp ứng nhu cầu của nhân dân.”
Ông Trương Minh Tiến cũng khẳng định, với sự nỗ lực của toàn Thành phố cùng sự ủng hộ của báo chí, việc loại bỏ những linh vật, hiện vật, biểu tượng không phù hợp với thuần phong mỹ tục khỏi di tích ở Hà Nội tuy còn dài và còn nhiều khó khăn song nhất định sẽ được xử lý triệt để.
Phạm Mỹ