Lần cuối cùng có một cầu thủ U23 nhận giải thưởng Quả bóng vàng (QBV) Việt Nam là vào năm 2018, thuộc về Nguyễn Quang Hải. Trước đó, là Phạm Thành Lương từ tận năm 2009. Trong 2 thập niên gần đây, chủ nhân QBV chủ yếu là những cầu thủ đã trưởng thành, đóng góp lớn vào thành tích của CLB. Nói như vậy để thấy tầm vóc của Nguyễn Hoàng Đức, người đoạt QBV đầu tiên ở tuổi 23 và vừa có lần thứ 2.
Nhưng đây không phải là chuyện của Hoàng Đức, mà là sự cố mới nhất liên quan đến tiền đạo trẻ Nguyễn Đình Bắc, một phương án dùng người thú vị và thành công của HLV Philippe Troussier. Nhưng chính Đình Bắc cũng đã là một phần của lời giải đáp dành cho nhà cầm quân người Pháp trong việc liên tục yêu cầu V-League dùng cầu thủ trẻ.
Trở lại một chút với chuyện cầu thủ trẻ ở giải thưởng QBV Việt Nam. Năm 2018, đúng là Quang Hải còn rất trẻ khi nhận giải, nhưng đó là thời điểm quá đặc biệt với ngôi á quân U23 châu Á và sự "vô đối" của Hà Nội FC tại V-League. Quang Hải xuất sắc trong một năm mà 2 tập thể anh khoác áo cũng đều quá xuất sắc. Còn lúc Hoàng Đức đoạt danh hiệu ở tuổi 23, thì lại là năm đặc biệt khi mùa giải V-League bị hủy bỏ giữa chừng. Nói cách khác, việc 2 cầu thủ này đoạt QBV ở tuổi còn trẻ là có yếu tố hoàn cảnh.
Trong khi đó, từ năm 2015, dàn cầu thủ U19 của HAGL đã được đưa lên đá V-League và cho đến nay, không có bất kỳ cầu thủ nào của đội bóng này lọt vào danh sách tốp 3 ngoài trường hợp của Lương Xuân Trường ở thời điểm anh đang chơi bóng tại Incheon (Hàn Quốc). Nhưng chính Xuân Trường lại là người mất phong độ nhanh nhất trong nhóm "tinh hoa" ấy của HA.GL. Còn CLB phố núi, có hay không có họ, thì vẫn cứ… lẹt đẹt ở nửa dưới bảng xếp hạng suốt chừng ấy năm.
Thế nên chuyện Đình Bắc bị CLB Quảng Nam bị kỷ luật không có gì lạ cả. Đó là một phần rủi ro trong việc sử dụng cầu thủ trẻ. Nó chỉ phản ảnh bản chất của vấn đề: trẻ hóa không đồng nghĩa là cứ việc đưa nhiều cầu thủ trẻ vào sân là xong.
Nó cần vài điều kiện quan trọng để thành công. Hai QBV trẻ nhất trong 10 năm qua đều là thành viên của các CLB rất kỷ luật và có nhiều cựu binh xuất sắc để dìu dắt. Hoặc như HAGL, cầu thủ của họ nổi trội ở mảng đạo đức chứ không phải vì tài năng. Không phải tự nhiên mà HLV Park Hang Seo luôn dành chỗ cho nhóm cầu thủ HAGL, kể cả khi họ lên đội tuyển chỉ để ngồi dự bị. Đơn giản, đó là những cầu thủ "an toàn" cho công việc quản lý của HLV. Khi không có những điều kiện ấy, việc dùng cầu thủ trẻ có thể là sai lầm chứ không phải là điều tốt đẹp.
10 năm qua, không một cầu thủ nào đoạt giải Cầu thủ trẻ xuất sắc ở QBV Việt Nam mà sau đó lọt vào đến tốp 3. Trong khi đó, 10 năm trước đây, lại có những Lê Công Vinh, Phạm Thành Lương, Nguyễn Văn Quyết hay Nguyễn Trọng Hoàng.
Những thay đổi này chắc chắn là có nguyên nhân, nói đúng hơn là các CLB có lý do để ít dùng cầu thủ trẻ hơn tại V-League. Có thể vì những cầu thủ lớn tuổi ngày càng kéo dài sự nghiệp của mình hơn nhờ sự phấn đấu, nỗ lực. Cũng có thể là do bùng phát mạng xã hội khiến việc quản lý, điều chỉnh hành vi và duy trì tài năng đối với các cầu thủ trẻ trở nên khó khăn, vượt quá sức của CLB. Nói như HLV Văn Sỹ Sơn của Quảng Nam thì luôn có những cám dỗ vây quanh cầu thủ trẻ, trước đã thế, nay còn phức tạp hơn nhiều.
Đây là một khía cạnh mà một HLV nước ngoài như ông Troussier sẽ không nắm bắt được hết. Việc ông sử dụng nhiều cầu thủ trẻ trên đội tuyển quốc gia, kể cả khi họ không có suất đá chính tại CLB, nếu chúng ta nhìn từ chuyện của Đình Bắc, thì rõ ràng là một kế hoạch tiềm ẩn quá nhiều rủi ro của ông Troussier.
Tags