- Siêu xe Ferrari 296 GTB đầu tiên của đại gia Việt: Giá hơn 21 tỷ đồng, kịp đăng ký biển số để chơi Tết
- Chi tiết Hyundai Kona 2024 ngoài đời thực: Giá quy đổi từ 470 triệu đồng, khó chê thiết kế, có trang bị như xe sang
- Biến bàn tiệc Tết thêm 'chill' với loạt đồ chơi công nghệ thú vị, giá chỉ từ 215.000 đồng
Tháng 10 năm 2016, hãng Tesla đã đăng tải một đoạn video lên website của mình với tựa đề "Full Self-Driving Hardware on All Teslas" (Phần cứng tự lái hoàn toàn trên mọi xe Tesla). Mở đầu đoạn video là dòng chữ cho biết – "Người ngồi trong ghế lái xe chỉ vì lý do pháp lý. Anh ta không làm gì cả. Chiếc xe tự lái mình đi."
Sau đó, bánh lái chiếc Tesla Model X tự xoay để đưa chiếc xe qua các lối rẽ, tự dừng đèn đỏ, tăng tốc khi đèn xanh và thậm chí còn tự tiến vào chỗ đỗ xe. Người ngồi trong ghế lái xe gần như chỉ chạm nhẹ tay vào bánh lái và không tác động gì đến hoạt động của chiếc xe. Hiện tại video này vẫn đang tồn tại trên website của Tesla.
Thế nhưng theo một báo cáo mới của Reuters, dựa trên lời khai của Ashok Elluswamy, giám đốc phần mềm Autopilot của Tesla, cho biết đoạn video này đã được dàn dựng. Vị giám đốc này thừa nhận, thời điểm đó chiếc Model X không tự lái bằng công nghệ mà Tesla đang triển khai.
Đoạn clip quảng cáo khả năng tự lái Autopilot của xe Tesla vào năm 2016.
Elluswamy cho biết khi đó nhóm Autopilot của Tesla bố trí một kỹ sư ngồi trong xe và ghi lại "màn trình diễn các năng lực của hệ thống" theo yêu cầu của ông Musk. Để tạo ra đoạn video nói trên, Tesla sử dụng bản đồ 3D về một tuyến đường được xác định trước từ một ngôi nhà ở Menlo Park, California đến trụ sở chính của Tesla – thay vì chiếc xe tự nhận diện được con đường để đi đến đó.
Lời khai của Elluswamy còn cho biết, việc chiếc xe dừng lại khi đèn đỏ và tăng tốc khi đèn xanh không phản ánh các năng lực mà chiếc xe Tesla có vào thời điểm đó.
Đoạn video không những được dàn dựng mà còn qua chỉnh sửa khi được quay nhiều lần khác nhau. Elluswamy cho biết, các tài xế đã can thiệp để giành quyền kiểm soát trong nhiều lần chạy thử. Thậm chí, khi cố gắng chứng minh khả năng tự đỗ xe mà không cần người lái, chiếc Tesla Model X còn đâm vào hàng rào bãi đỗ xe của công ty.
Elluswamy cho biết thêm: "Mục đích của đoạn video không phải để mô tả chính xác những gì có sẵn cho khách hàng vào năm 2016. Nó được dùng để mô tả những gì có thể tích hợp vào hệ thống."
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ông Elon Musk đã đăng tải đoạn video này lên Twitter như bằng chứng cho thấy khả năng tự lái của xe Tesla. Ông cho biết: "Xe Tesla tự lái (mà không có sự can thiệp của con người) qua các con phố trong đô thị đến đường cao tốc và tự tìm một chỗ đỗ xe."
Lời khai của ông Elluswamy được ghi lại khi ông bị gọi ra làm chứng vào tháng 7 năm 2022 trong vụ kiện chống lại Tesla vì vụ tai nạn năm 2018 tại Mountain View, California khiến kỹ sư Walter Huang của Apple thiệt mạng. Lời khai này cũng tương đồng với một báo cáo khác vào năm 2021 của New York Times cho biết, các nhân viên ẩn danh của Tesla đã nói rằng đường đi của chiếc xe đã được lập trình sẵn và rằng chiếc xe đã gặp tai nạn khi ghi hình.
Năm 2020, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ kết luận rằng, vụ tai nạn chết người của ông Huang là do anh ta mất tập trung và các hạn chế của hệ thống Autopilot. Kết luận cho biết, "sự giám sát không hiệu quả đối với khả năng can thiệp của lái xe" trên xe Tesla góp phần gây ra vụ tai nạn.
Trên website của mình, Tesla cũng cho biết, công nghệ của công ty được thiết kế để hỗ trợ lái, phanh, thay đổi tốc độ và chuyển làn nhưng các tính năng của họ "không làm cho phương tiện trở nên tự động". Công ty cũng cảnh báo các tài xế phải giữ tay trên bánh lái và duy trì quyền kiểm soát phương tiện của mình trong khi dùng tính năng Autopilot, cũng như đã thiết lập hệ thống để giám sát điều đó.
Nhưng Elluswamy cho biết, các tài xế có thể "đánh lừa hệ thống" để nó tin rằng, họ đang chú ý lái xe dựa trên các phản hồi từ bánh lái. Ngoài ra ông cũng nhấn mạnh rằng, sẽ không có vấn đề an toàn nào với Autopilot nếu các tài xế tập trung khi lái xe.
Tổng hợp Reuters, Business Insider