Lollapalooza - một trong những lễ hội âm nhạc nổi tiếng tại Mỹ - vừa được khai mạc ở Mumbai (Ấn Độ) và trở thành buổi diễn âm nhạc lớn nhất tại đất nước này kể từ khi đại dịch bị đẩy lùi. Trong phiên bản tại Ân Độ, có tới 40 nghệ sĩ trong 2 ngày diễn với phần nhiều là nghệ sĩ quốc tế.
Lollapalooza có dự định tới Ấn Độ từ lâu bởi dù đây là thị trường nhạc sống nhạy cảm về giá cả nhưng có nhu cầu nghe nhạc quốc tế tăng vọt trong kỷ nguyên nhạc số.
Kết thúc những ngày tăm tối
Cuối tuần trước (28/1), đám đông lên tới 60 ngàn người đã đổ về trường đua ngựa Mahalaxmi tại Mumbai để tham gia một trong những lễ hội âm nhạc đình đám nhất thế giới: Lollapalooza. Trước khi đại dịch bùng phát, nơi đây cũng bắt đầu trở thành điểm dừng chân quen thuộc của những nghệ sĩ quốc tế hàng đầu.
"Thật hoành tráng. Đây là lễ hội lớn của Mỹ đầu tiên tới Ấn Độ. Tôi không thể bỏ lỡ" - Narayani Anand, 29 tuổi, hào hứng- "Sân khấu nhạc sống đang thật sự hồi phục trở lại. Nó gần như báo hiệu sự kết thúc của những ngày tăm tối".
Chỉ có 3 nghệ sĩ quốc tế đình đám dẫn đầu lễ hội là The Strokes, Diplo và Imagine Dragons. Trong khi đó, cũng có nghệ sĩ quyết định hủy diễn như Binjal Shah. Và không phải ai cũng ấn tượng với dàn nghệ sĩ này. "Với đội hình thế này thì giá đúng là đắt cắt cổ" - Anand than phiền - "Không khí rất náo động trước khi dàn nghệ sĩ được tiết lộ. Thế nhưng danh sách nhìn thật buồn. Những người bạn mua vé sớm của tôi rất thất vọng".
Tuy vậy, khán giả vẫn kéo tới chật điểm diễn. Trong khi một số ít nghệ sĩ trong nước bị cho là tẻ nhạt, các nghệ sĩ quốc tế thật sự khiến khán giả nức lòng. Không chỉ mang tới những hit đình đám nhất của mình, cả Imagine Dragons, Diplo và The Strokes đều bày tỏ tình cảm đặc biệt với Ấn Độ.
"Mọi người vô cùng tử tế. Đồ ăn tuyệt vời. Cảm ơn vì đã đón nhận tôi. Thật hãnh diện khi được có mặt ở đây hôm nay" - giọng ca chính của Imagine Dragons là Dan Reynolds xúc động vẫy lá cờ Ấn Độ. Anh cũng hứa hẹn rằng đây "chỉ là buổi diễn đầu trong rất nhiều buổi diễn nữa".
Trong khi đó, Diplo thích thú mặc in tên và hình Hoa hậu Thế giới người Ấn Độ Aishwarya Rai Bachchan. Còn giọng ca chính Julian Casablancas của The Strokes bày tỏ sự thì choáng ngợp khi xem phim Ấn Độ: "Tôi đã xem Pathaan đêm qua và được truyền rất nhiều cảm hứng".
Lễ hội cũng đậm hương vị Bollywood khi rất đông diễn viên Ấn Độ tới thưởng thức chuỗi biểu diễn kéo dài tới 20 giờ đồng hồ.
Thị trường nhạy cảm
BookMyShow, nền tảng bán vé lớn nhất Ấn Độ, là đơn vị quảng bá và đồng sản xuất Lollapalooza Ấn Độ, cùng với các nhà sản xuất toàn cầu khác như Perry Farrell, WME và C3 Presents - thuộc sở hữu của Live Nation.
Ấn Độ được chọn là điểm tới tiếp theo của lễ hội đa dòng nhạc này-vốn đã mở rộng sang 3 quốc gia ở Nam Mỹ và 2 ở châu Âu trong thập kỷ qua - bởi đây là một thị trường có tiềm năng lớn nhưng do truyền thống, các nghệ sĩ Mỹ và châu Âu chưa được khai thác đúng mức, theo ông Charlie Walker, đối tác của C3 Presents là:
"Chúng tôi thường tìm kiếm những nơi chưa có các lễ hội đa dòng nhạc, kéo dài nhiều ngày với quy mô lớn" -ông nói - "Nếu nhìn vào gu âm nhạc ở Ấn Độ dựa theo mức tiêu thụ nhạc trực tuyến, ta sẽ nhanh chóng nhận ra rằng nhạc sống chưa được phục vụ đúng mức".
Thị trường âm nhạc Ấn Độ đã tăng kỷ lục 20,3% lên 219 triệu USD trong năm 2021, trong đó, có tới 86,9% tới từ nhạc số, theo thống kê của ngành công nghiệp âm nhạc Ấn Độ (IMI). Sự tăng trưởng này chủ yếu từ doanh thu quảng cáo trong vài năm qua.
Ông Ashish Hemrajani - CEO kiêm người sáng lập BookMyShow - cho biết phiên bản Ấn Độ của lễ hội đã được lên kế hoạch từ ít nhất 4 năm trước, nhưng kế hoạch bị hoãn lại do đại dịch. Theo ông, đây là thời điểm chín muồi cho một sự kiện như vậy.
"Hậu đại dịch, chi tiêu vào giải trí tăng lên đáng kể" - ông nói, đồng thời lưu ý rằng doanh số bán vé xem phim cũng tăng gần gấp đôi so với trước đại dịch - "Nhu cầu bị dồn nén là rất lớn".
BookMyShow - có trụ sở ở Mumbai - trước đây từng đồng quảng bá các chuyến lưu diễn Ấn Độ của Ed Sheeran, Justin Bieber và U2, và lên kế hoạch đưa Bieber trở lại Ấn Độ vào tháng 10 này nhân chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới Justice của anh.
Ra mắt vào năm 2007, BookMyShow thuộc sở hữu của Big Tree Entertainment Pvt Ltd. Hãng có mặt ở hơn 650 thị trấn và thành phố ở Ấn Độ, làm việc với các đối tác trong toàn ngành. Hãng phát triển từ nền tảng bán vé trực tuyến cho các bộ phim sang quản lý các sự kiện sống bao gồm hòa nhạc, biểu diễn sống, sân khấu, thể thao… BookMyShow cũng có hoạt động ở UAE, Singapore, Indonesia và Sri Lanka.
Ấn Độ, nơi nỗ lực trong nhiều năm qua để lôi kéo các ban nhạc lớn tới với đất nước 1,3 tỷ dân này, đã "nhướn mày" khi U2 chơi hòa nhạc đầu tiên ở Mumbai vào tháng 12/2019 nhưng đó cũng là một dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đang chuyển từ chỗ khép kín trở thành thị trường lưu diễn hợp pháp cho các nghệ sĩ toàn cầu.
Hemrajani miêu tả mối quan hệ hợp tác với Lollapalooza là "lâu dài" dù không nêu rõ số năm tổ chức đã ký ở Ấn Độ. Chỉ có thể chắc chắn: Nó sẽ không phải lần duy nhất. "Ở nơi nào, chúng tôi cũng muốn được trở lại mãi mãi"- Walker nói - "Chúng tôi vẫn đang đi tới nơi chúng tôi đã từng bắt đầu".
Đối với các khía cạnh phi âm nhạc mà Lollapalooza nổi danh, chặng Mumbai cũng "rất giống với những chặng khác, nơi chúng tôi tập trung vào ẩm thực, các tổ chức từ thiện, trẻ nhỏ" - theo Walker.
Ấn Độ là một thị trường cực kỳ nhạy cảm về giá cả, nơi các nền tảng trực tuyến chật vật trong việc thuyết phục người dùng trả phí đăng ký và là nơi có vé hòa nhạc rất rẻ, thường chỉ khoảng 1.500 rupee (hơn 400 ngàn đồng). Hầu hết các nhà quảng bá phụ thuộc nhiều vào các nhà tài trợ và dựa vào các thương hiệu, trang trải từ 50 tới 70% chi phí. (Giá vé cho buổi diễn của U2 tại Mumbai năm 2019 chỉ có khởi điểm là 3 ngàn rupee). Vé đặt sớm cho khán giả Lollapalooza ở Ấn Độ là từ 7 ngàn rupee trở lên.
Lịch sử Lollapalooza
Lollapalooza lần đầu ra mắt vào đầu thập niên 1990 bởi trưởng nhóm nhạc rock Jane's Addiction là Perry Farrell, trong thời kỳ bùng nổ thể loại nhạc rock Alternative tại Mỹ. Nó ban đầu được hình thành như một lễ hội khám phá âm nhạc và văn hóa nhỏ lẻ.
Lollapalooza từng phải tạm dừng khi bị chỉ trích là quá thương mại hóa nhưng đã trở lại vào năm 2005 như một sự kiện thường niên tại Chicago. Kể từ đó, lễ hội đã lan rộng sang Mỹ Latin với các phiên bản ở Argentina, Brazil và Chile, cũng như sang châu Âu với khởi đầu là Berlin năm 2015 và giờ là châu Á.
Ngoài phiên bản chính ở Chicago, bắt đầu vào năm 2005, Lollapalooza cũng có các phiên bản thường niên ở Santiago (từ năm 2011), Sao Paulo (2012), Buenos Aires (2014), Berlin (2015), Paris (2017) và Stockholm (2019).
Tags