Áo dài Việt Nam - một thế kỷ cách tân (Kỳ 1): Từ cột mốc 'áo dài Cát Tường'
(Thethaovanhoa.vn) - Là biểu tượng và cũng là kết tinh của văn hóa Việt, vậy nhưng tà áo dài Việt Nam chỉ thật sự định hình về kiểu dáng và cách sử dụng trong gần một thế kỷ qua, với sự dung hợp văn hóa giữa nhiều dân tộc, nhiều cộng đồng và cả những tư tưởng thẩm mỹ Đông Tây.
Ở thời điểm áo dài Việt Nam chuẩn bị được đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia (và tiếp đó là lập hồ sơ trình UNESCO để ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại), Thể thao & Văn hóa (TTXVN) xin điểm lại những cột mốc quan trọng nhất trong sự hình thành loại trang phục truyền thống này.
1. Có khá nhiều quan điểm về xuất xứ của áo dài. Nhưng về cơ bản, các nghiên cứu đều khá thống nhất khi cho rằng tiền thân của áo dài nữ Việt là áo dài 4 thân (tứ thân) và 4 thân (còn gọi là 4 tà).
Thực tế, áo dài tứ thân truyền thống nâu sồng mộc mạc với yếm, váy của phụ nữ nông thôn Bắc Bộ vốn cũng không xa lạ với cộng đồng. Theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách, loại áo này xuất hiện tại Việt Nam vào giai đoạn thế kỷ 6 hoặc 7 và đã tồn tại - cũng như có một số biến đổi - trong hàng trăm năm, trước khi không còn phổ biến trong vài chục năm gần đây. Hiện tại, kiểu áo này chỉ còn được nhìn thấy ở dạng cải biên, hoặc xuất hiện trên sân khấu biểu diễn.
Một phụ nữ với chiếc áo dài Cát Tường khi xưa (ảnh tư liệu)
Trong khi đó, áo dài 5 thân có nhiều chi tiết lịch sử cần được chú ý. Theo một số sử liệu, loại áo này ra đời vào giữa thế kỷ 16 hoặc thế kỷ 17, khi các chúa Nguyễn muốn thay đổi cách ăn mặc của người Đàng Trong để khác biệt hẳn với Đàng Ngoài nên cho người dân bỏ áo tứ thân phơi yếm mà mặc áo 5 thân cài khuy.
Đặc biệt, thông qua sinh hoạt văn hóa phổ biến là các loại hình nghệ thuật, lễ hội dân gian - trong đó có hát chèo - các tà áo dài truyền thống này cũng đã trở nên rất quen thuộc với cảm quan thẩm mỹ của người Việt trong nhiều đời. Thậm chí, có ý kiến cho rằng: Vẻ đẹp và sắc vóc của các cô đào chèo trong trang phục áo tứ thân, 5 thân trên sân khấu chèo cổ sân đình cũng chính là khởi thủy của hình thức trình diễn trang phục áo dài phụ nữ Việt Nam như hiện tại.
2. Cột mốc cách tân quan trọng nhất với áo dài diễn ra vào thập niên 1930, trong bối cảnh văn hóa phương Tây hiện đại đã du nhập vào Việt Nam. Với sự xuất hiện của những luồng tư tưởng, văn hóa và trí thức mới, quan điểm thẩm mỹ về vẻ đẹp của người phụ nữ cũng bắt đầu có sự thay đổi.
Sự dịch chuyển thẩm mỹ tinh tế, duyên dáng, từ tà áo tứ thân truyền thống đến chiếc áo dài Việt thời điểm này bắt đầu từ họa sĩ Cát Tường, vốn là sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Vào tháng 3/1934, khi trên báo Phong Hóa, họa sĩ Cát Tường đã giới thiệu những mẫu áo dài đầu tiên - được đặt tên là Le Mur (tên tiếng Pháp của ông).
Một mẫu thiết kế áo dài của Cát Tường
Là người đầu tiên dùng máy khâu để may áo dài, Cát Tường có nhiều cải tiến quan trọng. Phần cổ áo được đưa lên thành cổ đứng cao 2cm - kèm theo đó là việc lăng xê các kiểu cổ cứng, cổ bắt chéo, cổ cánh hoa. Những chiếc khuy bấm trên áo được quy định vị trí với nhiều kiểu khuy, khuyết. Tà phụ ngắn đệm trong của áo 5 thân cũ được bỏ đi, trong khi tà áo dài mới buông xuống cách mặt đất 20cm. Đặc biệt, nhà họa sĩ kiêm thiết kế này dụng công làm cho độ dài 2 mặt trước sau của áo có độ đổ chuẩn xác để khi mặc vào được căng, lượn sát, bó khít lấy những đường nét cơ thể, tôn cao bộ ngực, làm cho eo thon thả, thắt đáy lưng ong…
3. Đáng nói, những cách tân trong kiểu dáng cắt may chiếc áo dài Le Mur của họa sĩ Cát Tường gắn liền với những biện luận hướng tới các chuẩn mực mới về vẻ đẹp của phụ nữ. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Tâm Hạnh (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam), những biện luận này có thể thấy rõ trên các tuần báo Phong hóa và Ngày nay giai đoạn sau 1932.
Chẳng hạn, về hình thể, Cát Tường nhận định rằng cách ăn mặc của phụ nữ Việt Nam khiến cho họ “trông trơn tuột như hộp kẹo sìu hay ống bột Nestle”. Ngoài quan niệm cũ xem áo quần chỉ thuần túy che thân mà không chú trọng đến yếu tố thẩm mỹ, điều này còn gắn với định kiến phụ nữ phải che giấu bộ ngực nở nang của mình. Do vậy, với lập luận “Trời sinh ra người vốn sẵn dành cho các hình dáng riêng, chỗ nở, chỗ thắt hợp với đủ phương diện mỹ thuật”, Cát Tường thu nhỏ phần eo trên áo cổ truyền, làm cho hơi chật ở chỗ bụng để tôn vòng 3, hướng đến tiêu chí làm phân biệt vòng ngực với vòng eo.
Hoặc, khi cho rằng phụ nữ Việt Nam hơi thấp nên “ăn mặc quần áo quý giá, kiểu mẫu đẹp đến đâu cũng khó làm tôn vẻ đẹp của mình lên được”, Cát Tường tìm cách thu hẹp tà áo từ bụng trở xuống để mất vẻ lòe xòe. Ngoài ra, ở phần đầu gối trở xuống đến chân, 2 ống quần lại phải may rộng dần ra để tạo vẻ nhẹ nhàng khi đi đứng. Kết hợp với giày cao gót được khuyến khích sử dụng, phần ống quần này góp phần tạo cảm giác cho đôi chân dài hơn và trở thành điểm nhấn đặc biệt của chiếc quần nữ.
Thiếu nữ Việt Nam hiện đại với tà áo dài, nón lá
Rồi, phần cổ và tay áo 5 thân truyền thống cũng bị Cát Tường cho là thừa và bất tiện. Ông lập luận rằng: “Nó không phải của ta. Nó không hẳn của người Tàu thì nó cũng phỏng theo kiểu mẫu của họ. Những chiếc cổ cao khít, cài khuy và những ống tay chật này chỉ phù hợp với xứ lạnh, trong khi đó, nước ta lại ở xứ nóng”. Những lập luận ấy gắn với việc họa sĩ này luôn có ý thức để áo của phụ nữ Việt Nam có vẻ riêng, khỏi nhầm với “phụ nữ nước Tàu, nước Pháp, nước Nhật Bản”.
* Những cải tiến của Lê Phổ
Một thời gian ngắn sau khi áo dài Lemur ra đời, một họa sĩ nổi tiếng khác là Lê Phổ (cũng học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) được cho là đã có thêm một số cải tiến để hoàn thiện như thu nhỏ cổ, gấu, nẹp, phần thân áo được thu hẹp cho ôm khít vào người, tà áo được xẻ cao hơn để dáng thêm mềm mại.... Tuy nhiên, các tư liệu về cách mà họa sĩ Lê Phổ thực hiện những cải tiến này hiện không nhiều, thậm chí chưa thống nhất với nhau.
còn tiếp
Sơn Tùng