Louis van Gaal: Chiến thắng là trên hết

Thứ Bảy, 05/07/2014 15:06 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ở World Cup 2014, các nhà báo từng hỏi Louis van Gaal rằng có phải ông đã phản bội phong cách chơi tấn công truyền thống của Hà Lan. Lập tức, họ đã bị chiến lược gia này đốp lại: “các anh định nghĩa thế nào là bóng đá tấn công”?

Kể từ khi bóng đá tổng lực được cố HLV huyền thoại Rinus Michels trình làng ở CLB Ajax cũng như tuyển Hà Lan vào những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, nó thực sự đã trở thành thương hiệu của người Hà Lan. Gần như mọi HLV xứ hoa Tuy-líp đều coi đây là kim chỉ nam trong sự nghiệp. Nhưng Louis van Gaal là một người Hà Lan hiếm hoi đặt quan điểm chiến thắng lên trên hết, chứ không phải triết lý bóng đá tổng lực.

Tấn công theo kiểu van Gaal

Tất nhiên, nếu xét về mặt lối chơi, màn trình diễn của Hà Lan ở Brazil 2014 rất khác với họ trong quá khứ. Tỉ lệ kiểm soát bóng của họ trong mỗi trận đấu thường không cao. Trước Tây Ban Nha, họ chỉ cầm được 42% bóng, trong cuộc đọ sức với Chile, tỉ lệ này thậm chí chỉ còn 36%. Chỉ có 2 trận đấu với Australia và Mexico là đội quân của HLV van Gaal nhỉnh hơn đối thủ về thời gian cầm bóng, nhưng cũng không thực sự chênh lệch (lần lượt là 53% và 55%).

Theo quan điểm truyền thống thì một đội bóng buộc phải kiểm soát bóng để có thể tổ chức tấn công. Khi không thể cầm được bóng nghĩa là họ không thể chơi tấn công. Trên thực tế, dù cầm bóng không nhiều, nhưng đội tuyển Hà Lan lại duy trì một thành tích ghi bàn cực tốt. Họ thậm chí đang là đội bóng sở hữu hàng công xuất sắc nhất giải với 12 bàn thắng. Như vậy, cũng khó có thể chỉ trích Hà Lan về khả năng tấn công.

Ở đây, có thể thấy, theo quan điểm hiện tại của HLV van Gaal tấn công không có nghĩa là tận hiến bằng mọi giá, mà nó nằm ở sự hiệu quả, ở số bàn thắng ghi được. Đây là một tư tưởng hoàn toàn mới so với HLV Hà Lan bình thường cũng như chính cá nhân van Gaal.

Chúng ta thay đổi khi thời thế đổi thay

Giống như nhiều người đồng hương khác ở thời điểm khởi nghiệp cầm quân, van Gaal cũng tôn sùng triết lý của người thầy Rinus Michels. Thật ra, không chỉ những HLV Hà Lan, mà nhiều HLV ngoại như Marcelo Bielsa chẳng hạn, cũng rất tâm đắc và theo đuổi bóng đá tổng lực. Bielsa được coi là người đặt nền tảng cho lối chơi tiki-taka, và đấy cũng chỉ là một sự nâng cấp, cách tân từ bóng đá tổng lực của người Hà Lan.

Chỉ có điều cùng với thời gian, van Gaal đã nhận ra môi trường bóng đá hiện đại không có chỗ cho những điều lãng mạn viển vông. Những thất bại liên tiếp tại Barcelona (dù cũng xen lẫn với những thành công nhất định) và tuyển Hà Lan (không vượt qua vòng loại World Cup 2002) đã khiến van Gaal thay đổi.

Khi quay trở lại Hà Lan dẫn dắt AZ Alkmaar năm 2005 (sau khi đã thất bại ở nhiệm kì 2 tại Barcelona), van Gaal đã xây dựng đội bóng trên nền tảng lối đá phản công. AZ Alkmaar vô địch Hà Lan năm 2008-2009 được xem là một trong những đội bóng chơi phản công hay nhất, đồng thời không sử dụng những chuyên gia chạy cánh – vốn là đặc sản của bóng đá Hà Lan.

HLV van Gaal cũng đang làm điều tương tự với tuyển Hà Lan ở World Cup 2014. Chấn thương của Kevin Strootman đã làm suy giảm sức mạnh tuyến giữa của “Cơn lốc màu da cam”, và lập tức ông thầy của anh nhanh chóng chuyển sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1 thành 3-5-2, chấp nhận chơi theo kiểu cửa dưới để đảm bảo sự chắc chắn cho đội nhà.

Cho đến lúc này, Hà Lan của van Gaal vẫn đang thành công với sự lựa chọn của mình. Nhưng chỉ cần con thuyền Hà Lan đi chệch hướng, rất có thể giông bão sẽ ngay lập tức ập xuống đầu van Gaal. Bởi chắc chắn không nhiều người sẵn sàng đánh đổi truyền thống của cả nền bóng đá để lấy…thất bại!

3 Hà Lan đã lội ngược dòng ở 3/4 trận đấu của họ tại World Cup 2014 lần này, ngoại trừ trận gặp Chile (cũng là trận duy nhất họ không bị thủng lưới).

12 Hàng tấn công của ĐT Hà Lan đã ghi được tổng cộng 12 bàn trong 4 trận đã đấu – thành tích xuất sắc nhất tại World Cup 2014 lần này.

64 Trong nhiệm kì thứ 2 dẫn dắt ĐT Hà Lan, HLV van Gaal đang duy trì tỉ lệ thắng lên tới 64%, cao hơn hẳn nhiệm kì đầu (2000-2002) chỉ là 53.33%.


Tất Đức
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›