Lũ lụt đang tàn phá văn hóa Đức ra sao?

Thứ Ba, 10/08/2021 18:30 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Các bang North Rhine-Westphalia và Rhineland-Palatinate của Đức vẫn đang đánh giá tác động của những trận lũ lụt kinh hoàng xảy ra hồi giữa tháng 7 vừa qua.

Mỹ trả 'một phần di sản văn hóa Đức' cho khổ chủ

Mỹ trả 'một phần di sản văn hóa Đức' cho khổ chủ

Ngày 5/5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã trao cho một nhà ngoại giao Đức năm bức tranh mất tích từ thời Chiến tranh Thế giới thứ 2, để trả lại cho các chủ nhân hợp pháp tại Đức.

Với hơn 180 người chết, nhiều người vẫn đang mất tích và thiệt hại lên đến hàng tỷ euro, không thể phủ nhận: Nhiều tổ chức văn hóa ở Đức cũng bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có các công ty xuất bản, bảo tàng, kho lưu trữ, phòng trưng bày, nhà thờ ở Wuppertal, thậm chí cả nhà hát opera.

Hàng triệu euro trôi theo dòng nước

Marietta Thien, Giám đốc Nhà xuất bản Velbruck chuyên xuất bản các tác phẩm về triết học, văn hóa, nhân văn và khoa học xã hội, vẫn nhớ mãi những gì diễn ra vào đêm 16/7. Khi cô và chồng thức dậy, đồng hồ chỉ gần 4h sáng. Trời đã mưa nặng hạt trong nhiều giờ. Các cống rãnh ở Metternich, một quận Weilerswist gần thành phố Bonn, đã không còn khả năng hút nước. Trên đường phố chính, nước ngập đến đầu gối. Tiếng mưa xối nghe giống như thác Niagara.

Sau đó, điều không tưởng đã xảy ra: Để ngăn các bức tường của đập Steinbachtal bị thủng, các nhà chức trách quyết định xả nước. Andreas von Stedman - Giám đốc điều hành của Nhà xuất bản Velbrück - nói với Deutsche Welle: Sóng thủy triều của suối Swist đã đánh vào ngôi làng của chúng tôi với sức mạnh rất lớn. Điều may mắn là việc xả nước này không gây ra thương vong. Tuy nhiên, nó đã làm ngập các tòa nhà của nhà xuất bản Velbruck.

Chú thích ảnh
Kho sách của Nhà xuất bản Velbruck ở Metternich

Nước đã phá hủy một nhà kho sách, nhấn chìm các hầm chứa khiến nhiều đồ đạc, máy tính và ô tô của công ty bị hỏng. Cảnh quay từ thiết bị bay tại khu vực hội trường văn hóa - nơi thường tổ chức các buổi đọc sách và hòa nhạc - cho thấy nơi này chìm trong một hồ nước màu nâu khổng lồ. Mặt nước cao 3m làm ngập bộ sưu tập lịch sử của Velbruck. Thien và von Stedman sững sờ: “Mọi thứ đều bị phá hủy!”.

Tương tự, nhà hát Wuppertal Opera House ở quận Barmen thành phố Wuppertal cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Mưa lớn và nước sông Wupper dâng nhanh đã khiến nước tràn vào cánh kỹ thuật dưới sân khấu của tòa nhà lịch sử, hầm dàn nhạc, kho chứa nhạc cụ và phòng chỉnh của dàn nhạc gồm 80 thành viên.

Chú thích ảnh
Nhà hát Opera Wuppertal cũng bị thiệt hại nặng nề

Tệ hơn nữa, nó đã phá hủy sân khấu và công nghệ chiếu sáng cũng như hệ thống thông gió, sưởi ấm và báo cháy.

“Hiện tại, không có màn trình diễn nào có thể diễn ra ở đây nữa. Cùng với dịch Covid-19 kéo dài, đây là một thiệt hại nghiêm trọng khác!” - Giám đốc điều hành opera Daniel Sieghaus nói với Deutsche Welle.

Ở nhiều khu vực bị lũ lụt khác trong Nhà hát, các kỹ thuật viên đang rà soát những gì còn sót lại để đánh giá những thiệt hại do nước gây ra. Tuy vẫn chưa thể định lượng được chính xác nhưng Rolf Reuter, người phụ trách công nghệ sân khấu, tính toán rằng thiệt hại này lên tới hàng triệu euro.

Chú thích ảnh
Hình ảnh chụp bằng thiết bị bay cho thấy cả vùng lớn của  Wuppertal chìm trong một hồ lớn màu nâu

Nỗ lực trục vớt và khôi phục

Các dự án văn hóa tư nhân cũng bị ảnh hưởng vì lũ lụt, điển hình là những gì đã xảy ra với một bảo tàng di sản tàu điện nằm ở thành phố Wuppertal của Đức - nơi vận hành một tuyến tàu điện trên những đường ray cũ và những chiếc tàu điện còn giữ được nguyên bản.

Guido Korff, thành viên hội đồng quản trị của Hiệp hội những người đóng góp cho di sản tại thành phố, cho biết: “Chưa hề có tình trạng như vậy xảy ra ở đây trong 50 năm. Nước chảy về từ 2 hướng, từ Wupper và từ Kaltenbach”.

Korff nói với DW: “Trong vòng vài phút, sảnh toa xe, tòa nhà trung tâm với văn phòng điều phối và các container bán hàng đã chìm trong nước. May mắn thay, chúng tôi đã cứu được các toa tàu. Theo tính toán sơ bộ, thiệt hại do lũ lụt gây ra cho bảo tàng di sản tàu điện là khoảng 50.000 euro (gần 60.000 USD)”.

Xa hơn về phía Tây, tại thị trấn Rhineland của Stolberg, toàn bộ di sản cũ của thị trấn đã bị nhấn chìm trong lũ lụt. Có biệt danh là Thành phố Đồng, các kho lưu trữ của thành phố này được đặt trong tòa thị chính lịch sử và trong tầng hầm của một tòa nhà thương mại đều bị ngập lụt. Hàng trăm cuốn sách, tài liệu và tác phẩm cổ, trong đó tác phẩm lâu đời nhất có niên đại từ thế kỷ 17, đã bị chìm dưới dòng nước hung hãn của sông Vecht.

Tuy nhiên, nhiều di sản này đã được trục vớt một cách ngoạn mục. Các chuyên gia từ Cologne đã tới đây với các thiết bị chuyên dụng nhằm bảo vệ các tài sản văn hóa. Nhà lưu trữ Christian Altena giải thích với DW: “Các tài liệu đã được làm sạch và làm đông lạnh để quá trình phân hủy không tiếp diễn”. 2 tuần sau thảm họa lũ lụt, Altena thở phào nhẹ nhõm: “Chúng tôi đã làm xong quá trình trục vớt, mới đây chúng tôi chuyển tải cuối cùng vào kho lạnh”.

Nhà thờ lịch sử của Thánh Cornelius ở Kornelimünster gần Aachen cũng bị thiệt hại nặng. Tại đây, cũng như các vùng khác của Bắc Rhine-Westphalia, các hoạt động khôi phục lớn vẫn tiếp tục.

Chú thích ảnh
Bảo tàng di sản xe điện nằm ở thành phố Wuppertal bị ngập nặng

Các di sản bị ảnh hưởng khác còn gồm Burg Blessem, một lâu đài ở Erftstadt, phía Tây Nam Cologne. Lâu đài bị sập một phần trong một trận lở đất - theo Der Spiegel trực tuyến. Lâu đài trong những năm gần đây đã trải qua nhiều đợt tu bổ, bao gồm cả việc xây dựng lại 2 tòa tháp.

Những bức tường và cây cối hiện vẫn bị phủ màu nâu do bùn đất của sông Swist đọng lại. Một thực tế đáng buồn nữa là hệ thống sưởi, điện, điện thoại và Internet vẫn chưa hoạt động. Các nhà chức trách đã phải điều máy xúc tới đây để nâng hàng núi sách từ nhà xuất bản khoa học và sách Velbruck lên xe tải. Tại nhiều điểm chịu thiên tai khác, các tổ chức cứu trợ và hàng loạt tình nguyện viên đã đến để giúp dọn dẹp.

“Chúng tôi vui mừng với sự sẵn sàng giúp đỡ của mọi người” - cả Thien và von Stedman nói. Nhưng rõ ràng các dự án văn hóa của họ còn cả một chặng đường dài phía trước để hồi phục.

Cần “cơ chế phản ứng nhanh”

Tại cuộc họp của các Bộ trưởng Bộ Văn hóa G20 ở Roma (Italy), Bộ trưởng Chính sách Văn hóa Đối ngoại của Đức đã trình bày các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ di sản văn hóa trong trường hợp xảy ra thảm họa. Theo đó, một “cơ chế phản ứng nhanh” sẽ được xây dựng để kích hoạt trong vòng vài giờ với một lực lượng đặc biệt gồm các chuyên gia và thiết bị kỹ thuật để bảo vệ các tác phẩm bị thấm nước.

Việt Lâm (tổng hợp)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›