(Thethaovanhoa.vn) - Kinh tế suy thoái, sản phẩm tiêu thụ được ít nhưng người dân làng nón Chuông, làng lụa Vạn Phúc Hà Đông vẫn đang cố gắng bám trụ để giữ lấy nghề.
Lụa và nón qua thời thịnh vượng sống thế nào?
Muốn ăn cơm trắng cá trê
Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông
Nhưng về làng Chuông (Thanh Oai – Hà Nội) hôm nay không còn tấp nập như xưa nữa. Cũng phải thôi, thời của mũ bảo hiểm, đến mũ thời trang còn lao đao, huống hố là nón lá. Người dân nơi đây đang bỏ dần nghề làm nón để quay sang làm những công việc nhẹ nhàng, có thu nhập cao hơn. Đến làng Chuông vào thời điểm này du khách sẽ được giới thiệu thêm 1 "đặc sản" mới: lồng chim. So với thu nhập trung bình 30.000- 50.000 đồng/ngày từ nghề làm nón thì 150.000 - 180.000 đồng/ngày của nghề làm lồng chim hấp dẫn hơn nhiều. Theo chị Hà, một thợ đan nón của làng: "Trước đây bán được nón còn đỡ chứ gần đây mỗi ngày cố lắm cũng chỉ được khoảng 30.000 đồng, không thể đủ chi tiêu trong gia đình”.
Người dân làng Chuông quyết giữ nghề làm nón
Nghề làm nón vì thế ngày càng mai một, đã có một đội sản xuất không còn ai làm nón. Đi sâu vào trong làng, tiếng máy cưa, máy tiện gỗ làm lồng chim lấn át hết âm thanh rộn ràng của việc đan lát nón. Giờ đây ở làng chỉ còn người già và trẻ em làm nón, thanh niên phần lớn đã thoát ly ra thành phố tìm việc. Làng Chuông xưa kia nổi tiếng tấp nập, thịnh vượng thì giờ đây chỉ lác đác những nhóm nhỏ làm nón ở gốc đa bên đình hoặc tại sân nhà.
Không đến mức như làng Chuông, nhưng về cơ bản làng lụa Vạn Phúc cũng đang gặp khó khăn. Làng lụa nổi tiếng một thời giờ đây đìu hiu đến kỳ lạ, khu chợ chính của làng không còn tấp nập người mua kẻ bán, những mảnh vải giờ chỉ biết phất phơ trong gió. Trong làng vẫn tiếng máy dệt xập xình, những bàn tay vẫn thoăn thoắt dệt lụa nhưng người thợ vừa làm vừa lo vì đầu ra tiêu thụ sản phẩm ngày khó khăn. Cụ Nguyễn Xuân Đễ cho biết: “Trước đây làng có đến cả nghìn máy dệt làm việc suốt ngày đêm. Tiếng máy dệt lớn đến nỗi du khách phương xa tới đây không thể ngủ qua đêm. Nhưng giờ thì mỗi nhà chỉ còn lại vài chiếc mà thôi”.
Lượng lụa tiêu thụ trong năm nay của làng Vạn Phúc chỉ còn bằng 50% so với những năm trước. Đời sống người dân của ngôi làng nổi tiếng giàu có này cũng vì thế mà khó khăn hơn nhiều. Anh Chiến - chủ cửa hàng Chiến silk cho biết: “Khoảng năm 2004 – 2006 nghề lụa thịnh vượng nên đời sống nhân dân khấm khá, chứ gần đây mình phải làm cả lụa chất lượng thấp (có pha cotton) bán cho khách để phù hợp với nhu cầu của khách hàng”.
Buồn hơn khi vào các cửa hàng ở Vạn Phúc, lụa của làng sản xuất và lụa Trung Quốc được bày bán cùng nhau.
Quyết không bỏ nghề
So với nón ở những nơi khác, nón làng Chuông nổi tiếng bởi chất lượng cao và hình thức đẹp. Từ bao đời nay, chất lượng sản phẩm này vẫn thế, không có gì thay đổi. Làng Chuông vốn ít ruộng, đất đai xấu lại đông nhân khẩu. Nón chính là sản phẩm giúp người dân vượt qua những thời điểm khó khăn để duy trì cuộc sống. Vì thế người dân rất coi trọng nghề truyền thống ông cha để lại và tìm mọi cách để giữ nghề. So với những nghề bột phát trong một thời gian ngắn, nón không cho thu nhập cao bằng. Nhưng đây lại là sản phẩm có giá trị lâu bền do đã trở thành thương hiệu của làng. Hơn nữa, nghề này lại tận dụng được thời gian nông nhàn cũng như không mất chi phí đầu tư. Chính vì thế, xét về lâu dài làm nón chính là hướng đi đúng để phát triển kinh tế của làng.
Chị Doan một người làm nón của làng tâm sự: “Nón đã gắn liền với đời sống người dân làng này, dù năm nay nón có ế ẩm, giá thành giảm sút nhưng cái nghề này sẽ không bao giờ mất”.
Gần đây, nón làng Chuông đã chính thức được công nhận nhãn hiệu tập thể Nón Chuông. Điều quan trọng là người làng Chuông phải tìm ra hướng đi mới, đột phá để phát triển sản phẩm này.
Người làng Vạn Phúc luôn trăn trở để giữ lấy nghề
Với làng Vạn Phúc, kinh tế khó khăn cộng với việc cạnh tranh với sản phẩm bên ngoài đã ảnh hưởng nặng nề tới nghề lụa nơi đây. Giờ đây, làng nghề đang phát triển cầm chừng để duy trì nghề cha ông để lại. Nhưng đây cũng là lúc để nhìn lại và tìm thấy những người thực sự tâm huyết với nghề và làm ra sản phẩm chất lượng thật sự. Ông Phạm Khắc Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết: "Trước đây làng nghề phát triển thịnh vượng, nhà nhà làm lụa, nhiều người xung quanh không phải dân gốc trong vùng cũng làm lụa. Chất lượng đương nhiên là không bằng được sản phẩm do người chính gốc trong vùng làm ra. Chỉ 2/3 người dân trong làng có nghề làm lụa truyền thống, và giờ đây họ chính là những người trụ lại được với nghề”.
Ông Hà cũng khẳng định lụa người dân trong làng làm ra có chất lượng hơn hẳn lụa nước ngoài. Khách hàng mua nhầm phải lụa kém chất lượng và tưởng nhầm đó là lụa Vạn Phúc chứ không hề có chuyện lụa làng này mất uy tín.
Kinh tế khó khăn chỉ khiến cho tình yêu với nghề bị thử thách chứ không thể khiến người Vạn Phúc đánh mất nghề. Lời của bậc cao niên Nguyễn Xuân Đễ cũng là tâm nguyện của dân làng: “Khó khăn đến mấy thì cũng phải giữ lấy làng nghề”. Trong những năm qua, Vạn Phúc đã mở được 4 lớp đào tạo cho nhân dân về nghề dệt, sửa chữa máy dệt và công nghệ nhuộm. Hi vọng làng sẽ sớm tìm ra những hướng đi đột phá để lụa Vạn Phúc sẽ mở ra được những "con đường tơ lụa" cho chính mình.