Luật sư đưa ra 11 'checklist' vàng cảnh báo cả nghệ sĩ và người tiêu dùng

Thứ Tư, 23/04/2025 12:44 GMT+7

Google News

Loạt thuốc giả, sữa giả, thực phẩm giả... bị cơ quan chức năng phát hiện cùng với nhiều người nổi tiếng, nghệ sĩ... bị khởi tố, bị xử phạt. Trong khi đó, mới đây, nghệ sĩ Quyền Linh lại có đơn "kêu cứu" vì bị cắt ghép hình ảnh quảng cáo dịch vụ, sản phẩm...

Rõ ràng, tình trạng người nổi tiếng dùng tầm ảnh hưởng để quảng cáo sai sự thật hay việc lợi dụng tên tuổi nghệ sĩ để quảng cáo cần phải chấn chỉnh kịp thời. 

Trước vấn đề này, phóng viên báo Thể thao & Văn hoá/TTXVN đã có cuộc trò chuyện với luật sư Đinh Thị Hoà - Giám đốc Công ty Luật quốc tế DTH - để làm rõ sự việc. Luật sư đã có những phân tích cụ thể về quyền của người nổi tiếng đối với hình ảnh và các chế tài hiện hành cũng như cảnh báo những hệ lụy mà nó gây ra cho cả người nổi tiếng lẫn người tiêu dùng.

Luật sư đưa ra 11 'checklist' vàng cho người nổi tiếng để tránh quảng cáo sản phẩm kém chất lượng - Ảnh 1.

Luật sư Đinh Thị Hoà. Ảnh: NVCC

* Luật sư có thể cho biết luật hiện hành quy định thế nào về việc cắt ghép hình ảnh người khác để trục lợi cá nhân? Thực tế nhiều nghệ sĩ bị cắt ghép hình ảnh, clip vào mục đích quảng cáo sản phẩm, thậm chí quảng cáo cờ bạc gây bức xúc.

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ Luật Dân sự năm 2015 về Quyền của cá nhân đối với hình ảnh thì: "1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác".

Theo quy định tại khoản 3 Điều Điều 32 Bộ Luật Dân sự năm 2015 về Quyền của cá nhân đối với hình ảnh thì: "3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật".

Như vậy, đối với hành vi cắt ghét hình ảnh của người khác mà không được sự cho phép là đang vi phạm quy định của pháp luật và người bị sử dụng hình ảnh có thể khởi kiện tại TAND có thẩm quyền để buộc người vi phạm phải thực hiện việc: Thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh và bồi thường thiệt hại cho người bị sử dụng hình ảnh trái phép.

Trong trường hợp chứng minh được việc sử dụng hình ảnh cá nhân trái phép xâm phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của Người khác thì có thể xử lý tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật hình sự.

* Việc xử lý bằng phạt hành chính, theo luật sư có đủ răn đe? Vì rất nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh trá hình khiến người tiêu dùng hiểu lầm có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ con người.

- Theo quy định tại Điều 34 Nghị định 30/2021/NĐ-CP thì việc xử phạt đối với hành vi: "Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý" thì phạt từ 40.000.000 VNĐ – 60.000.000 VNĐ ngoài ra buộc người vi phạm phải: Cải chính, xin lỗi, thu hồi, xóa các đoạn hình ảnh, quảng cáo sai phạm.

Tuy nhiên, với số tiền này hiện nay với quan điểm cá nhân tôi là không "thấm" vào đâu so với các lợi ích mà các đối tượng sử dụng hình ảnh sai phép được hưởng lợi. Vì các nghệ sĩ lớn đều là những người có tầm ảnh hưởng đến phạm vi rất rộng, tiếp xúc với rất nhiều người, nên khả năng trục lợi là rất lớn. Chúng ta thấy báo, đài ra rả đưa các thông tin về các vụ việc sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường và thu về số lợi bất chính lến đến vài trăm tỷ đồng. Vậy thì số tiền họ thu lợi về so với số tiền bị phạt vi phạm hành chính là con số vô cùng nhỏ.

Ngoài ra, thiệt hại không phải chỉ ở tài chính mà thiệt hại nghiêm trọng và đáng lên án chính là về sức khỏe thể chất và tinh thần của người tiêu dùng. Hầu hết các hình ảnh bị lợi dụng là cho các sản phẩm thuốc (đối tượng là những người bệnh); sữa (đối tượng là trẻ em, phụ nữ hoặc những người có tiền sử sức khỏe yếu)….đều là những đối tượng được gia đình và xã hội lo lắng và chăm sóc tận tình nhất.

Do đó, tôi đề xuất: nâng mức phạt vi phạm hành chính lên cao hơn để đảm bảo tính răn đe và hình sự hóa các quan hệ này khi người bị lợi dụng hình ảnh hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chứng minh được các thiệt hại xảy ra là lớn và số tiền trục lợi kiếm được từ vài trăm triệu trở lên.

Nghệ sĩ Quyền Linh khẳng định bị nhiều đối tượng cắt ghép hình ảnh, quảng cáo sản phẩm không rõ nguồn gốc. Ảnh: FBNV

* Trong trường hợp nghệ sĩ Quyền Linh, theo chị, nghệ sĩ sẽ phải làm thế nào để "minh oan" cho mình?

- Theo tôi, nghệ sĩ Quyền Linh cần đưa ra được các chứng cứ chứng minh cho việc các hình ảnh, video quảng cáo đó là sai sự thật như:

- Làm đơn tố giác tội phạm gửi tới Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và yêu cầu giám định các đoạn video, hình ảnh cá nhân hiện đang bị phát tán gây hiểu nhầm;

- Cung cấp các video, hình ảnh gốc so với các hình ảnh, video bị tạo dựng;

- Cung cấp các hợp đồng gốc đối với các đơn vị có sử dụng hình ảnh và video gốc;

Ngoài ra, nghệ sĩ Quyền Linh cũng có thể tổ chức họp báo, công khai các chứng cứ thông tin để đông đảo người tiêu dung, người dân biết về sự việc để tránh.

* Vụ án gần 600 nhãn sữa giả vẫn đang trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, đã có nhiều nghệ sĩ bị xử phạt vì vi phạm quảng cáo, chị có lời khuyên hoặc tư vấn pháp lý gì với các nghệ sĩ / người nổi tiếng trước khi họ nhận booking quảng cáo sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm, thực phẩm chức năng...?

- Theo quan điểm của tôi các nghệ sĩ phải vô cùng cẩn trọng trong việc tiếp nhận các quảng cáo, bất kể loại hình quảng cáo hoặc sản phẩm quảng cáo là gì đặc biệt đối với các quảng cáo là thực phẩm, thực phẩm chức năng vì: Mỗi người là một cá thể đốc lập, không giống nhau, kể cả sản phẩm có tốt nhưng cơ địa của họ không hấp thu được đã cho ra kết quả khác rồi chứ không nói đến sản phẩm chưa được kiểm nghiệm, kém chất lượng.

Về khía cạnh pháp lý: Đối với các sản phẩm trước khi nhận quảng cáo các nghệ sĩ lưu ý yêu cầu nhà sản xuất, kinh doanh cung cấp các tài liệu, thông tin sau:

1. Giấy phép kinh doanh của đơn vị có nội dung đăng ký về sản phẩm kinh doanh, sản xuất.

2. Giấy chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh.

3. Giấy chứng nhận kiểm nghiệm sản phẩm.

4. Hồ sơ tự công bố chất lượng.

5. Kết quả thử nghiệm (nếu có).

6. Giấy chứng nhận lưu hành tự do, công bố (đối với sản phẩm nhập khẩu).

7. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

8. Team nhãn ghi đúng nội dung: có tên đơn vị sản xuất trùng với đơn vị công bố, có địa chỉ sản xuất, số điện thoại, thông tin liên hệ rõ ràng, công bố công khai các thành phần của sản phẩm, hàm lượng rõ ràng.

9. Kiểm tra các thông tin quảng cáo nhãn hàng đưa ra có phù hợp và đúng quy định của Luật quảng cáo hay không? (Đối với quảng cáo có các từ Tốt nhất, Hàng đầu…cần có thêm hồ sơ công bố, nghiên cứu cho nội dung này).

10. Nói KHÔNG với các quảng cáo có nội dung gây nhầm lẫn.

11. Sử dụng sản phẩm trước khi quảng cáo.  

Tùy từng loại sản phẩm sẽ có những tài liệu khác. Các anh chị nghệ sĩ có thể tham khảo ý kiến của luật sư trước khi nhận các "booking" để được tư vấn, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho chính bản thân.

* Cảm ơn luật sư về cuộc trò chuyện!

Lan Hương (thực hiện)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›