(Thethaovanhoa.vn) - Khi những giá trị văn hóa cũ đã vụn vỡ, giá trị mới chưa xác lập, ta cũng không cấm mại dâm mạnh tay như các quốc gia Hồi giáo nhưng cũng không cởi mở hẳn như các quốc gia phương Tây thì việc công khai danh tính người mua dâm không phải là cách thức giải quyết căn cơ vấn đề. Mà nó chỉ làm nảy sinh thêm những tiêu cực.
Đó là quan điểm của tiến sĩ (TS) Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, Phó viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục về đề xuất công khai danh tính người mua dâm của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, trước đó, TS Vịnh hỏi đi hỏi lại TT&VH Cuối tuần rằng vấn đề công khai danh tính người mua dâm là của UBND TP Hà Nội hay của các nhà nữ quyền.
* Có gì khiến ông ngạc nhiên vậy trước đề xuất của UBND TP Hà Nội, thưa ông?
- Tôi vừa đi công tác dài ngày về nên không có thời gian cập nhật thông tin. Song khi hay tin tôi thực sự khó hiểu. Trước đây các nhà hoạt động nữ quyền đã đề xuất vấn đề hài hước này. Song giờ UBND TP đề xuất một vấn đề liên quan tới luật mà xem nhẹ yếu tố văn hóa thì không “lạ” sao được.
TS Nguyễn Văn Vịnh
Hơn thế, những phương án giải quyết phải dựa trên sự điều tiết tỉnh táo của các cơ quan chức năng chứ không nên cuống cuồng giải quyết các vấn đề từ ngọn. Và khi đã giải quyết từ ngọn thì các chế tài chỉ là kẽ hở để một số cá nhân thuộc đơn vị thực thi pháp luật tận dụng để vụ lợi. Nên từ hệ quả này ta sẽ kéo theo hệ lụy khác.
* Nhưng các nhà nữ quyền và một bộ phận dư luận lý giải rằng làm vậy là bình đẳng khi người mua dâm và bán dâm đều bị công khai danh tính, thưa ông.
- Sự bình đẳng này chỉ trên bề mặt. Việc công khai danh tính người mua dâm có bình đẳng với thân nhân những người mua dâm bị “vạ lây” vì hành động không phải của họ không? Chắc chắn là không. Mà chuyện điều tiếng trong họ hàng, làng xã Việt ảnh hưởng tới cá thể nặng nề như thế nào, chắc ai cũng hiểu.
* Như thế càng có tính răn đe cao, nếu người đàn ông tử tế họ sẽ ý thức về hành động của mình và những hệ lụy to lớn của nó tới gia đình.
- Thứ nhất, đừng đặt vấn đề tử tế với việc giải quyết nhu cầu sinh lý. Mà không phải người đàn ông mua dâm nào cũng đã có vợ. Và việc công khai danh tính như vậy ảnh hưởng tới bố mẹ, họ hàng là rất tệ. Thứ hai, tại sao danh dự của một gia đình (ý tôi nói theo quan điểm làng xã) lại phụ thuộc vào việc quan hệ tình dục của một người đàn ông. Nó lố bịch vô cùng!
* Vậy chính sách của chúng ta đang bị chi phối ra sao bởi yếu tố văn hóa?
- Hãy đặt câu chuyện trong một bối cảnh rộng. Bán dâm là một trong những nghề cổ điển nhất của loài người. Nhiều nước đã hợp pháp hóa và có thu thuế với loại hình này. Ở Việt Nam, chúng ta cấm mua - bán dâm. Song thực tế, việc này chỗ nào cũng có, các cơ quan chức năng có thể bắt ở bất cứ đâu nhưng không lực lượng nào ngăn chặn được.
Đặt câu chuyện ở góc độ văn hóa, vì lý do tôn giáo, các nước Hồi giáo tuyệt đối cấm mại dâm, coi mại dâm như tội phạm nghiêm trọng. Hoặc các nước phương Tây họ cởi mở chấp nhận mua - bán dâm, coi bán dâm là một nghề chịu sự quản lý của Nhà nước. Còn Việt Nam với sự ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo đang tàn lụi dần trong đời sống, chúng ta bị kẹt ở giữa.
Trong sự phát triển của bất cứ xã hội nào lúc nào cũng có sự rạn nứt những giá trị cũ và dần xác lập giá trị mới. Còn chúng ta sau cả thế kỷ giao thoa phương Tây, giá trị Nho giáo với tiêu chí “công dung ngôn hạnh” dành cho phụ nữ đã dần tắt. Nhưng giá trị mới từ phương Tây mới chỉ le lói xuất hiện chứ chưa hình thành được hệ giá trị khỏa lấp những khoảng trống của Khổng giáo để lại.
Và chúng ta hoang mang. Nên chúng ta tránh né vấn đề mua bán dâm chứ không thể dập tắt nó. Cũng vì thế mà những đề xuất chính sách của chúng ta trong lĩnh vực này cũng chỉ mang tính vá víu. Còn về bản chất, chúng ta không dám đối mặt với thực tế mà vẫn luẩn quẩn trong mớ bòng bong.
* Nhưng cũng phải có phương án nào để chúng ta khỏi phải cùng mắt nhắm mắt mở hoặc sống giả với nhau, sống giả với bản thân mình chứ, thưa TS? Chắc hẳn lại phải dùng “truyền thông và giáo dục”...
- Truyền thông, giáo dục chúng ta đã làm mãi rồi, hết “bài” rồi. Hiệu quả ra sao thì chúng ta đều hiểu. Mấu chốt của vấn đề ở góc độ văn hóa thì ta phải giải quyết nó từ văn hóa. Chúng ta phải thay đổi điểm nhìn với nghề mại dâm, phải đối mặt với bản chất của chính chúng ta, của văn hóa ta và chấp nhận sự thay đổi về tư duy và cả văn hóa trong thời đại này.
Điều này đồng nghĩa với việc phải cân nhắc thay đổi chính sách lớn về việc nên chăng hợp pháp hóa mại dâm? Vấn đề này đã có những người đề xuất song thực sự nó không được hưởng ứng nhiều. Vì công luận và cả báo chí đều có phần rụt rè, e ngại khi nói về chuyện này.
* Rõ ràng, như TS đã nêu rằng văn hóa ta chưa tới “độ chín” để thay đổi, báo chí cũng chưa thể cổ súy, vậy phương án căn cơ mà TS vừa nêu e chừng chưa đến lúc...
- Có lẽ là vậy. Nhưng trong khi chưa thể thay đổi một sớm một chiều, theo tôi không nên vội vàng…
* Cảm ơn ý kiến của ông. Chúng ta cùng coi đó cũng là một đề xuất.
Trong lễ tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, tuần vừa qua, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã đề nghị Quốc hội xem xét, nghiên cứu và thay thế pháp lệnh bằng Luật Phòng, chống mại dâm. Trong những đề xuất của UBND TP Hà Nội, đáng chú ý nhất là việc UBND TP Hà Nội bổ sung Điều 22 với nội dung: Tăng mức xử phạt hành chính với người mua dâm, công khai danh tính người mua dâm đến đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục. Kiến nghị bổ sung sửa đổi khái niệm bán dâm tại Khoản 1 Điều 3. Sửa cụm từ “giao cấu” thành cụm từ “thỏa mãn tình dục”, để xử lý được hành vi kích dục của người khác giới và hành vi mua bán dâm của người đồng giới. |
Phạm Mỹ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags