Phạm Văn Mách khi mới vào đội tuyển thể hình quốc gia, là những ngày tập luyện vất vả theo giáo trình của HLV trưởng với phương tiện di chuyển là xe đạp khiến con đường đến cái đích ước mơ của anh phải đổ nhiều mồ hôi và công sức, và cả nước mắt. Ngoài thời gian làm huấn luyện cho một trung tâm thể hình thì anh cũng tìm thêm công việc bỏ sỉ vải, quần áo cho các cửa hàng để lấy thêm kinh phí “nuôi” giấc mơ lực sĩ - một giấc mơ xa xỉ tốn kém với điều kiện của Mách lúc bấy giờ.
Mua được xe máy second-hand lần đầu từ Sài Gòn về quê, lâng lâng quá bị … lạc đường!
Sống trong căn nhà trọ 12m2 ở sâu con hẻm trên phố Lũy Bán Bích (quận Tân Phú, TP.HCM), Phạm Văn Mách đã mua được chiếc xe máy second-hand thương hiệu DH của Hàn Quốc, trị giá 11,5 triệu đồng bằng số tiền anh tích lũy được khi làm thêm ngoài giờ. Đó là thành quả đầu tiên Mách nhận được sau những năm tháng mưu sinh bằng nghề “tay trái” khi trở thành tuyển thủ quốc gia
Mức lương biên chế của VĐV cuối thập niên 90 là 3,5 triệu/tháng, vì thế, dù đã đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp, Phạm Văn Mách vẫn phải chọn mưu sinh bằng nghề tay trái để nuôi dưỡng đam mê thể hình, một thứ đam mê được đánh cược bằng niềm tin mang màu sắc cổ tích của một thời trai trẻ. Nhưng có lẽ do thừa hưởng máu kinh doanh của ba - ông chủ Công ty Thuốc lá miền Tây để lại - Mách có sẵn sức khỏe và ý chí đạt được cái gì đó khi đến với thể hình chuyên nghiệp.
Mách kể: “Sau giờ huấn luyện thể hình ở ĐTQG, tôi đã đi bỏ sỉ vải vóc, quần áo từ nơi sản xuất đến các shop trên đường Hồ Văn Huê, đường Cách mạng tháng Tám để kiếm lời. Buổi chiều quay về làm HLV thể hình cho CLB ở Bàu Cát, Tân Bình. Từ tháng 2/1998 đến tháng 12/1998 Mách đã sắm được chiếc xe máy đầu tiên trong đời làm món quà tặng chính mình. Bởi không có chiếc xe máy second-hand quý giá này thì Mách phải đạp xe nhễ nhại mồ hôi nhiều đoạn đường mỗi ngày, thật là những kỷ niệm không thể nào quên!”
Nhớ về lần đầu tiên sắm được chiếc xe máy đó, Mách cứ lâng lâng như đi trên mây, mãi vẫn chưa chạm đất được. Trước đây, mỗi lần về Long Xuyên, An Giang, Mách đi lại bằng xe đò vì thế lần đầu tiên mua được xe máy, cảm thấy đã đời và không tin vào mắt mình. Mách kể: “Hôm đó rủ một đứa em về quê An Giang chơi bằng chiếc xe máy vừa mua, vì tâm hồn vẫn lâng lâng chưa ổn định nên bị lạc đường khoảng 30km. Trời tối quá hai anh em phi xe máy thẳng lên đống cát ngã sõng soài. Đến tối mịt hai anh em mới về tới nhà.”
Từ khi có xe máy, cuộc sống của Mách đỡ vất vả hơn và mọi thứ trở nên thuận lợi hơn. Một ngày lao động mệt nhoài trở về căn phòng trọ 12m2 ở Tân Phú, Mách không quên qua tiệm phở đầu hẻm mình thuê nhờ họ chần dùm mấy quả trứng để lấy lòng trắng bổ sung dinh dưỡng. Vì ăn lòng trắng trứng là sự đầu tư tiết kiệm nhất lúc bấy giờ cho một VĐV thể hình chuyên nghiệp.
Đường đến huyền thoại 5 lần đạt HCV thế giới
Là một VĐV thể hình chuyên nghiệp có khát khao chinh phục cột mốc HCV thế giới nên Mách học tiếng Anh và giao tiếp khá thành thạo, Mách cũng học cả võ Aikido vì Mách hiểu rằng đến với thể thao chuyên nghiệp sẽ khó tránh khỏi những chấn thương ngoài ý muốn. Thậm chí có thể phải giã từ sự nghiệp khi còn rất trẻ nên Mách đã học võ để giúp bản thân có những phản xạ tốt trước tình huống tai nạn không có sẵn trong giáo trình tập luyện mỗi ngày.
Rất nhiều khán giả nhìn thấy VĐV thể hình cơ bắp cuồn cuộn giống hệt nhau và không biết dựa trên tiêu chí gì để đánh giá? Mách chia sẻ: “Phom chuẩn, phân bố khung xương phải đều, lưng không dài, chân không ngắn, dị tật, bố cục cơ bắp cân xứng. Độ to cơ bắp, độ sắc nét cơ bắp, bởi to mà không sắc nét là mỡ màng nhiều. Yếu tố cuối cùng là phong cách biểu diễn.”
Trong màn biểu diễn với sự tham gia của bộ ba tuyển thủ thể hình nam hàng đầu quốc gia: Lý Đức - Giáp Trí Dũng - Phạm Văn Mách, tiết mục biểu diễn là Mách sẽ ngồi trên bàn tay anh Lý Đức và anh Dũng, dâng tay đưa Mách lên cao rồi chào khán giả. Anh Lý Đức khi đó cao 1m74 và khi giơ tay đưa cơ thể Mách ở tư thế cách mặt đất tầm 2m. Bỗng một tai nạn ngoài ý muốn xảy ra, vì có dầu màu nên độ trơn khiến Mách ngã cắm đầu xuống đất nhưng nhờ có học võ nên Mách lộn nhào mấy vòng trong tư thế kiểm soát được vì thế BTC không hề biết đó là một tai nạn. Mọi người vỗ tay tán thưởng vì màn chào quá đặc biệt. Chỉ có HLV trưởng và anh Lý Đức, anh Giáp Trí Dũng là hú hồn trước cú ngã đó.
Tại chuyến đi giải châu Á năm 1998, một chuyện hi hữu không kém là Mách chỉ nhận được HCĐ nhưng cuối cùng lại được BTC trao HCB vì đối thủ xếp trên dính doping nên bị tước huy chương.
Sau khi giành HCB châu Á “bất đắc dĩ” thì Phạm Văn Mách có niềm tin rằng HCV đang ở không còn xa với năng lực của mình nữa. Phạm Văn Mách chia sẻ: “Khi ấy Mách nhận ra bản thân còn thiếu độ sắc nét của cơ bắp. Tăng độ sắc nét lên sẽ cạnh tranh được với đối thủ trên sàn đấu thế giới. Sau chuyến đi ấy, Mách tập trung nhiều cho sinh hoạt, tập luyện, dinh dưỡng và trau dồi tiếng Anh để thường xuyên trao đổi với VĐV, HLV nước bạn để bổ sung thêm kiến thức thể hình cho bản thân” .
Tháng 12/2001, cuộc thi thể hình thế giới tổ chức tại Yangoon, Myanmar. Cuộc thi do IFBB (Liên đoàn Thể hình quốc tế) tổ chức, ngay từ khi đến với cuộc thi thế giới này, Mách đã mang tâm thế tự tin nên đã biểu diễn những thế mạnh nhất của hình thể. Lúc công bố là nhà vô địch hạng cân 60kg, chỉ còn Mách và VĐV Myanamar đang đứng trên sân khấu để chờ đợi kết quả cuối cùng trong 5 phút hồi hộp, căng thẳng như dây đàn. Bên dưới hàng ghế đầu là thị trưởng Myanmar đang theo dõi kết quả. Lần đầu tiên Mách giành chức vô địch thế giới hạng cân 60kg với môn thể hình sau 4 năm lăn lộn với con đường thể hình chuyên nghiệp.
Lúc ấy cảm xúc của Mách như những đóa bồ công anh, mang những giọt li ti hạnh phúc của ánh mắt, nụ cười, thăng hoa, … đi xa nhất. Để đến khi đứng trước bục nhận huy chương, Mách vẫn còn cảm giác như ... chưa chạm đất, bởi giấc mơ xa xỉ năm nào giờ đã trở thành hiện thực. Cổ tích giữa đời thường là có thật, với Mách!
Nếu là VĐV vô địch thế giới môn thể hình mà giàu được như bao người từng nghĩ, thì 5 lần vô địch thế giới, Mách đã trở thành đại gia. Mỗi HCV nếu được quy ra tiền thưởng chắc chỉ được tầm 60-70 triệu/1 cá nhân. Nhưng giá trị tinh thần của mỗi tấm huy chương lại đại diện cho đất nước, sự vinh dự lớn xiết bao.
Năm 2002, Phạm Văn Mách đã có vốn và kinh nghiệm để mở phòng tập gym đầu tiên. Rồi 2,3 phòng thể hình cùng ra đời đã giúp Phạm Văn Mách yên tâm sống với đam mê của mình. Phòng tập gym lâu nhất mở từ năm 2007, đến lúc đóng cửa là năm 2020, lý do thì chắc ai cũng hiểu: Dịch bệnh. Thế là sau 30 năm mưu sinh ở Sài Gòn. Mách lại phải gây dựng từ đầu sau biến cố dịch bệnh. Nhưng mọi sự bắt đầu chưa bao giờ là quá muộn - tấm HCV thể hình SEA Games 31 đã thì thầm với Mách điều đó.
Đón đọc kỳ III: Bén duyên showbiz và mối quan hệ đặc biệt với diễn viên Angella Phương Trinh.
Lý Thu Thủy