Điều đó có nghĩa là, nếu Triệu Thị Hà muốn trả danh hiệu hay đơn vị tổ chức cuộc thi (Công ty CIAT) muốn thu hồi danh hiệu này cũng đều không có chế tài để thực thi. Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi là: Quy chế 87/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30/12/2008, có hiệu lực đến ngày 31/12/2012, từng quy định về việc tước danh hiệu Hoa hậu.
Bên xin “trả”, bên đòi “tước”
Như Thethaovanhoa.vn đã đưa tin, ngày 10/6, ông Vũ Xuân Thành - Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL - ký công văn số 54/TTr-VHGĐ trả lời đề nghị của Công ty CIAT (đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc VN năm 2011) về việc cho phép thu hồi danh hiệu của Triệu Thị Hà (ảnh). Công văn nêu rõ: “Căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, chưa quy định về việc thu hồi danh hiệu Hoa hậu”.
Trước đó, trả lời TT&VH, ông Vũ Xuân Thành đã khẳng định, thời điểm hiện tại không thể thu hồi danh hiệu của cựu Hoa hậu Triệu Thị Hà vì tính tới năm 2013, danh hiệu này đã được trao cho người khác.
Tóm tắt sự việc, tháng 4/2013, Triệu Thị Hà đã gửi đơn xin trả lại danh hiệu vì lý do không đủ sức khỏe để thực hiện các quy chế. Thông tin về việc Triệu Thị Hà xin trả lại danh hiệu Hoa hậu mới chỉ xuất hiện trên báo chí thời gian gần đây. Tuy nhiên, không dừng ở đó, BTC cuộc thi và đại diện cũng như người thân của Triệu Thị Hà liên tục lên báo bức xúc vì phát ngôn, hành động của cả hai bên. Ngày 14/4/2014 và sau đó là ngày 27/5/2014, Công ty CIAT đã liên tiếp gửi công văn đề nghị Bộ VH,TT&DL cho phép thu hồi danh hiệu Hoa hậu của Triệu Thị Hà.
Áp quy chế cũ, vẫn có thể tước danh hiệu Hoa hậu?
Trên thực tế, điểm e, khoản 2, Điều 9 Quyết định 87/2008/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành Quy chế tổ chức Thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp (có hiệu lực tới ngày 31/12/2012) quy định: “Khi thí sinh đạt giải có hành vi vi phạm quy định của Quy chế này và pháp luật có liên quan, gây hậu quả xấu, làm ảnh hưởng đến danh hiệu, đơn vị tổ chức báo cáo cơ quan cấp phép và đề xuất biện pháp xử lý. Khi được cơ quan cấp phép chấp thuận, đơn vị tổ chức tước danh hiệu của thí sinh đạt giải”. Trong khi đó, Nghị định 79/2012/NĐ-CP hiện hành lại không hề đề cập tới việc tước, trả danh hiệu Hoa hậu.
Theo tìm hiểu của TT&VH, về nguyên tắc tố tụng hình sự thì: hành vi vi phạm trong quá khứ nếu bị phát hiện trong thời điểm hiện tại thì có thể được “áp” điều luật có lợi cho người phạm luật. Nhưng vụ việc tước, trả danh hiệu của Triệu Thị Hà lại thuộc về mặt dân sự nên không áp dụng nguyên tắc tố tụng nói trên. Tuy nhiên, một luật sư khi được hỏi ý kiến đã bày tỏ rằng, khó có cơ sở để tước danh hiệu, nhưng Triệu Thị Hà có quyền tự nguyện trả danh hiệu này.
Danh hiệu Hoa hậu là suốt đời |
Hà Chi
Thể thao & Văn hóa
Tags