Câu "Lửng lơ con cá vàng" không biết ai nói ra, mà từ bao lâu nay dường như là thành ngữ dùng để ám chỉ loại người lười nhác, chỉ quen rong chơi, vô lo vô nghĩ.
Có phải cá vàng thế thật không?
Tôi đã ngồi hàng giờ quan sát bể cá cảnh và nhận ra cá vàng không hề lười nhác. Cá vàng bơi liên tục, hầu như không phút giây ngưng nghỉ. Cái bể hẹp, bơi được một đoạn nó phải ngoặt lại bơi tiếp. Những khúc ngoặt trên đường bơi của cá không thể đếm được. Nếu nối đường bơi của mỗi con thì một giờ phải vài trăm mét.
Tôi thật sự ngạc nhiên không biết con cá kia lấy đâu ra sức lực để hoạt động liên tục như thế. Nếu có một nghiên cứu khoa học kĩ lưỡng chắc cá sẽ được lựa chọn là vận động viên điền kinh số một trên hành tinh này về sự bền bỉ dẻo dai.
Vận động là hình thái tồn tại của vũ trụ. Vận động là của vạn vật chứ đâu riêng của loài cá! Cây cối chẳng hạn, vận động của nó diễn ra âm thầm. Nó đang sống, đang lớn lên, ngày nhả ô-xi, đêm hút các-bon-níc, điều hòa môi trường một cách tự nhiên. Vậy mà nhìn cây thấy như bất động. Tất cả chuyển hóa ngầm trong thân rễ và lá làm sao nhận ra bằng quan sát. Chỉ các loài côn trùng và động vật vận động là có thể trông thấy được.
Con người khi quan sát thế giới thường vội vàng thấy qua lớp vỏ, không phân tích kĩ nhiều mặt sẽ đưa đến những nhận định hồ đồ và quyết sách sai, và kết quả là thất bại. Thất bại, nhưng khi không nhận ra nguyên nhân thì chỉ biết kêu trời. Trong thực tế, loài người phải trả giá rất nhiều cho những nhận định sai lầm, quyết sách sai lầm và thất bại. Nhưng có biết đâu để rút kinh nghiệm.
Ngay trên cơ thể người, chúng ta nhiều khi cũng không hiểu chính mình. Tim gan phổi và bộ máy tuần hoàn, tiêu hóa liên tục làm việc kể cả lúc ta ngủ, như một động cơ vĩnh cửu hoàn hảo. Khi một thực thể chết đi thì nó chỉ chuyển trạng thái vận động chứ chưa bao giờ ngưng nghỉ. Nghĩa là sang trạng thái phân hủy. Vậy đã rõ: thế giới tồn tại trong sự vận động liên tục ở các hình thái khác nhau. Chẳng bao giờ có chuyện lửng lơ.
Tags