Năm 2024 chứng kiến một dấu mốc đáng lo ngại trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo Báo cáo Ngân sách Carbon toàn cầu mới nhất, lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu, chủ yếu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, dự kiến lên mức cao kỷ lục.
Điều này đồng nghĩa với việc thế giới đang ngày càng xa rời mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Báo cáo được công bố tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (COP29) đang diễn ra tại Azerbaijan cho thấy tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu trong năm nay sẽ vào khoảng 41,6 tỷ tấn, tăng từ 40,6 tỷ tấn vào năm ngoái. Trong đó, lượng khí phát thải từ các hoạt động đốt than đá, khai thác, tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt chiếm đa phần. Báo cáo cho biết, tổng lượng khí thải từ những hoạt động trên trong năm 2024 chiếm 37,4 tỷ tấn, tăng 0,8% so với năm 2023. Phần khí thải còn lại là từ sử dụng đất đai, trong đó tính cả phá rừng và cháy rừng.
Tác giả chính của báo cáo, ông Pierre Friedlingstein, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Exeter – đơn vị dẫn đầu 80 tổ chức thực hiện báo cáo này, cảnh báo nếu không có hành động để cắt giảm lương khí phát thải ngay lập tức, nhiệt độ Trái Đất sẽ nhanh chóng tăng cao và thậm chí còn vượt mức tăng 1,5 độ C so với mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Theo Thỏa thuận Paris năm 2015, các quốc gia đã nhất trí nỗ lực kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới mức 1,5 độ C để tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Mục tiêu này yêu cầu cắt giảm phát thải mạnh mẽ hằng năm từ nay đến năm 2030 và sau đó.
Tuy nhiên, thực tế lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch đã tăng lên trong thập kỷ qua. Lượng khí thải sử dụng đất đai đã giảm trong giai đoạn này cho đến năm nay, khi hạn hán nghiêm trọng ở Amazon gây ra cháy rừng đẩy lượng khí thải sử dụng đất đai hàng năm tăng 13,5% lên 4,2 tỷ tấn. Một số nhà khoa học cho rằng tiến độ chậm chạp như vậy cũng đồng nghĩa với việc mục tiêu 1,5 độ C không thể đạt được.
Các tác giả báo cáo cũng đề cập đến dữ liệu phát thải năm nay cho thấy bằng chứng về một số quốc gia đang nhanh chóng mở rộng năng lượng tái tạo và ô tô điện. Tuy nhiên, tiến độ rất không đồng đều với lượng khí thải của các quốc gia công nghiệp giàu có giảm và lượng khí thải của các nền kinh tế mới nổi vẫn đang tăng.
Trong ngày họp thứ hai tại COP29, căng thẳng giữa các quốc gia đã nổ ra về việc ai nên dẫn đầu quá trình chuyển đổi của thế giới khỏi nhiên liệu hóa thạch - nguồn sản sinh khoảng 80% năng lượng toàn cầu.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, nước chủ nhà của COP29, chỉ trích các nước vẫn là những nguồn tiêu thụ và sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn. Lượng khí thải của Mỹ, nhà sản xuất và tiêu thụ dầu khí lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ giảm 0,6% trong năm nay, trong khi lượng khí thải của Liên minh châu Âu dự kiến sẽ giảm 3,8%. Trong khi đó, lượng khí thải của Ấn Độ sẽ tăng 4,6% trong năm nay, do nhu cầu điện tăng vọt xuất phát từ nhu cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lượng khí thải của Trung Quốc, hiện là nước phát thải lớn nhất thế giới và là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai, dự kiến sẽ tăng nhẹ 0,2%. Các tác giả báo cáo cho biết lượng khí thải từ việc sử dụng dầu mỏ của Trung Quốc có thể đã đạt đỉnh, khi ô tô điện tăng thị phần.
Lượng khí thải từ hàng không và hàng hải quốc tế cũng dự kiến sẽ tăng 7,8% trong năm nay, khi du lịch hàng không tiếp tục phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Tags