(Thethaovanhoa.vn) - Trao đổi về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu chưa kiểm soát được thu nhập cá nhân thì việc kê khai tài sản khó chính xác được. Đồng thời, cần có cơ chế xử lý kê khai không trung thực.
- Thông báo kết quả kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017
- Toàn văn Phát biểu kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
- Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Tập trung xét xử nghiêm minh các vụ án kinh tế, tham nhũng
Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc kê khai tài sản để kiểm soát tham nhũng là tốt nhưng làm được thì không đơn giản. Các nước đang làm tốt do họ kiểm soát được thu nhập của công dân, đồng thời hạn chế giao dịch bằng tiền mặt, trả tiền qua thẻ.
"Ở ta, lương mấy phẩy thì ai cũng biết nhưng những khoản khác vẫn trả bằng tiền mặt", bà Thúy nói.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng cần hạn chế giao dịch tiền mặt mà chuyển sang giao dịch chuyển khoản, giao dịch điện tử, có hóa đơn điện tử… để nhà nước kiểm soát chặt chẽ nguồn thu chi của từng cá nhân, tập thể dù ở nước ngoài hay Việt Nam nhằm chống tham nhũng.
Theo ông Tuấn, kê khai tài sản là một phần quan trọng của công cuộc chống tham nhũng. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là chính sách của chúng ta đưa ra phải chặt chẽ, kiểm soát chặt chẽ để các cá nhân không có khả năng tham nhũng. Đồng thời có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để họ sợ không dám tham nhũng. Điều đó quan trọng hơn giải pháp phần ngọn là kê khai tài sản.
"Nếu kê khai tài sản chỉ trong đơn vị biết với nhau thôi thì không hiệu quả mà cần công khai cho cư dân nơi cán bộ, công chức sinh hoạt để họ giám sát, nâng cao chất lượng phòng chống tham nhũng", ông Tuấn nói.
Liên quan đến tình trạng kê khai tài sản một số nơi còn mang tính hình thức, nhiều người kê khai không đúng, không đủ, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng cần phải xem lại 2 việc:
Thứ nhất là quy trình kê khai. Nếu chưa làm được đại trà rộng rãi thì cần có quy trình chặt chẽ cho một nhóm đối tượng nào đó, ví dụ như nhóm cán bộ trung, cao cấp. Kiểm soát chặt chẽ hơn việc kê khai của nhóm đối tượng này để việc kê khai có tác dụng.
Thứ hai là quy định về chế tài xử lý nghiêm khắc khi phát hiện kê khai không trung thực. Phải quy định kết quả kê khai sử dụng vào việc bổ nhiệm đánh giá cán bộ, phòng chống tham nhũng, điều này có ý nghĩa quan trọng nên phải làm thực chất.
"Chúng ta phải có quy định về mặt quy trình để cơ quan quản lý cán bộ, cơ quan tiếp nhận và xử lý kê khai đó có thể kiểm tra, giám sát kê khai đó có trung thực không. Đặc biệt là sau khi phát hiện kê khai không đúng thì đối tượng kê khai chịu trách nhiệm thế nào", ông Thắng đề nghị.
Còn bà Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, xử lý kê khai không trung thực còn tùy thuộc vào tính chất, mức độ từng trường hợp cụ thể. Có trường hợp kê khai thuộc về riêng tư như bố mẹ cho tài sản riêng, không muốn ai biết thì đề nghị cơ quan tổ chức giữ bí mật. Còn trường hợp giấu diếm lại khác.
"Làm thế nào để vừa đảm bảo kê khai đúng tài sản mà vẫn đảm bảo quyền dân sự, quyền có tài sản của công dân. Nếu kê khai không trung thực, theo dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đưa ra 2 phương án: tính thuế hoặc xử phạt hành chính. Tôi nghiêng về phương án thứ 2", đại biểu Kim Thúy nêu quan điểm.
Theo Hoàng Dương/Báo Tin tức
Tags