Luồng sáng chói lọi cuối cùng của thời kỳ hoàng kim

Thứ Hai, 05/04/2021 15:32 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Hà Lan của thế kỷ 17 không chỉ là thương cảng sầm uất bậc nhất thế giới, mà còn là trung tâm nghệ thuật sôi nổi với những danh họa bậc thầy. Một trong số đó, người được cho là đã khép lại thời kỳ hoàng kim, chính là Johannes Vermeer (1632-1675).

Hé lộ những bí ẩn quanh kiệt tác 'Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai' của 'bậc thầy ánh sáng' Johannes Vermeer

Hé lộ những bí ẩn quanh kiệt tác 'Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai' của 'bậc thầy ánh sáng' Johannes Vermeer

Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai (Girl with a Pearl Earring), một trong những bức tranh nổi tiếng nhất thế giới, đang chuẩn bị trải qua quá trình thẩm định khoa học kéo dài 2 tuần ngay trước mắt các du khách hiếu kỳ tới bảo tàng Mauritshuis ở Den Haag, Hà Lan, nơi bức tranh đang được trưng bày.

Ông vĩ đại không kém đồng hương Rembrandt, Velazquez hoặc Ruben, nhưng phải mất hơn hai trăm năm bị lãng quên thì mới được tái khám phá và ca tụng. Cuốn sách Johannes Vermeer (NXB Dân trí) qua ngòi bút của Johann Protais và Éloi Rousseau phần nào làm hiển lộ từ sau tấm màn sương mờ hư ảo mà bản thân ông và thời đại của ông đã cố tình buông xuống.

Chú thích ảnh
Cuốn sách "Johannes Vermeer" (NXB Dân trí) qua ngòi bút đầy thẩm quyền của Johann Protais và Éloi Rousseau

Johannes Vermeer đã sống một cuộc đời bí ẩn, không chân dung tự họa hoặc thư từ, không rõ theo học ai và chỉ để lại di sản là một số lượng tác phẩm khiêm tốn cùng nhiều đồn đoán thêu dệt. Người ta chỉ biết rằng ông sinh trưởng tại thành Deft, một thành phố thịnh vượng của cộng hòa Hà Lan, nơi những nhà tư sản sớm trở thành thế lực bảo trợ mới cho hội họa.

Chú thích ảnh
Một trang sách

Ông đã từng được coi là một họa sĩ vĩ đại, một “nhân sư thành Deft”, tuy nhiên số lượng tranh ít ỏi mà Vermeer để lại cho thấy ông đã rất chật vật về tài chính, hoặc có một lý do nữa, đó là ông đã dành thời gian rèn rũa để đạt tới sự hoàn hảo hòng cạnh tranh với những “họa sĩ cao quý” đương thời. Cả hai giả thuyết này đều có vẻ dự phần làm nên một Vermeer bí ẩn cả trong tranh lẫn ngoài đời.

Chú thích ảnh
Một chi tiết của bức tranh "The Procuress" (vẽ khoảng 1656), đây được xem là chân dung tự họa của Vermeer

Giai đoạn đầu của một Vermeer họa sĩ, ông đã chịu ảnh hưởng từ trường phái Caravaggio với những lựa chọn chủ đề mang màu sắc tôn giáo, thần thoại hoặc tửu quán. Bước sang giai đoạn thứ hai, ông thu hẹp không gian và đắm chìm với những gì gần gũi nhất, bình dị nhất. Ở giai đoạn thứ ba và cuối cùng, Vermeer đạt tới đỉnh cao với những bức chân dung phụ nữ cực kỳ tinh tế về thần thái và ánh sáng.

Màu sắc trong tranh Vermeer đầy thơ mộng, được trau chuốt tỉ mỉ và đạt tới độ hoàn mỹ như nhân vật Bergotte trong Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust.

Chú thích ảnh
Kiệt tác "Cô gái với chiếc khuyên tai ngọc trai" (tiếng Hà Lan: Het Meisje met de Parel) của Johannes Vermeer

Nhưng nếu màu sắc, ánh sáng, bố cục là những thứ mà Vermeer phơi bày làm cho ta ngơ ngẩn, thì những suy tư thầm kín, lặng lẽ, khuất lấp, vô hình phía sau những phong cảnh thành phố, những sinh hoạt đời thường, những chân dung lao động mới là điểm độc đáo khiến tranh ông mê hoặc hơn hết.

Chú thích ảnh
Kiệt tác "Người hầu rót sữa" (tiếng Hà Lan: De Melkmeid or Het Melkmeisje)

Có lẽ vì vậy, để hiểu hội họa của Vermeer, người ta đành phải tìm mối tương quan, ảnh hưởng, kế thừa giữa ông và những bậc thầy khác. So sánh Vermeer với những tiền bối, hậu bối để thấy ông là một tài năng độc nhất, một luồng sáng thanh khiết, một nụ cười bí hiểm và ý nhị.

Chú thích ảnh
Kiệt tác "Nhà địa lý" (tiếng Hà Lan: De geograaf)

Johann Protais và Éloi Rousseau còn là đồng tác giả các sách hội họa do Larousse xuất bản như Renoir (2018), René Magritte (2016), Hokusai (2014), Felix Vallotton (2013), Les plus belles oeuvres de Lichtenstein (2013)…

Xuân Lãng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›