(Thethaovanhoa.vn) - Sau 1 ngày làm việc nghiêm túc, chiều 5/8, phiên họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia giữa các bên: Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn chưa đi đến thống nhất về mức lương tối thiểu năm 2016.
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết: Đến phút cuối cùng, Hội đồng vẫn chưa có sự thống nhất giữa các bên và quyết định dừng cuộc họp. Dự kiến, sau 2 tuần, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ họp lại để thống nhất ý kiến.
* Tạm dừng họp vì không đạt được sự nhất trí
Trong thời gian này, bộ phận kỹ thuật cũng như các bên phải xem lại, phân tích các yếu tố, căn cứ để xác định phương án cũng như tác động của tiền lương tối thiểu.
Tranh có tính chất minh họa của tác giả Nguyễn Văn Trung
Thứ trưởng Phạm Minh Huân thông tin: Trong phiên họp, đại diện phía người sử dụng lao động (VCCI) đưa ra phương án tăng 7,2%, mức tăng tuyệt đối là 250.000 đồng; trong khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn đưa ra phương án tăng 350.000 đồng đến 550.000 đồng.
Đến cuối buổi chiều 5/8, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa mức đề xuất tăng lương tối thiểu từ 7,2% đến 10%. Tuy nhiên, phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, mức tăng này vẫn còn thấp, không đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Sau khi phân tích, các phương án có sự điều chỉnh giữa các bên nhưng vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
Theo ông Phạm Minh Huân, các phương án Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra rất hợp lý nhưng phía người sử dụng lao động cũng có rất nhiều áp lực trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay.
Cùng với lương tối thiểu, các chính sách về bảo hiểm xã hội bắt đầu thực hiện từ 1/1/2016 sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp lên, khả năng của nhiều doanh nghiệp rất khó đáp ứng vấn đề này. Việc tạm dừng họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia là rất hợp lý, hy vọng cuộc họp sau giữa các bên sẽ có tiếng nói chung. Trong trường hợp bỏ phiếu nhiều lần mà không chọn được, cuối cùng Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ lựa chọn và quyết định phương án.
* Doanh nghiệp khó khăn, nhưng lương hiện chỉ đáp ứng khoảng 75% nhu cầu sống tối thiểu
Trước đó, sáng 5/8, chia sẻ về phương án của đại diện người sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: Quan điểm của VCCI là mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 từ 6 % đến trên 7% là phù hợp, mặc dù trước đó VCCI đã đưa ra đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 trên 10%.
Ông Phòng nhận định mức tăng này là trên cơ sở hội đủ thông tin đã phân tích cũng như các phản hồi thực tế của doanh nghiệp. Hiện nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, khoảng 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi, vì vậy mức độ tăng lương đối với họ là một gánh nặng. Việc tăng lương tối thiểu cần bảo đảm được sự phát triển của doanh nghiệp.
Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - đại diện cho người lao động bảo vệ quan điểm đề xuất tăng lương trước đó là trên 16% đến gần 18%.
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ: Mức lương hiện nay từ 2,5 triệu đến 3,1 triệu đồng chỉ đáp ứng khoảng 75% nhu cầu sống tối thiểu.
Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị, vùng 1 tăng 550.000 đồng (từ 3,1 triệu đồng lên 3,65 triệu đồng); vùng 2, từ 2,75 triệu đồng lên 3,2 triệu đồng (tăng 450.000 đồng); vùng 3 từ 2,4 triệu tăng lên 2,8 triệu đồng (tăng 400.000 đồng); vùng 4 từ 2,15 triệu đồng lên 2,5 triệu đồng (tăng 350.000 đồng).
Ông Mai Đức Chính nhận định: Mức tăng trên 16% đến gần 18% sẽ đáp ứng được khoảng 87 đến 89% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động bởi mức tăng lương tối thiểu năm nay không thể thấp hơn năm trước.
Phúc Hằng
Tags