(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 22/6, tại Hà Nội, Viện Phim Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về công tác lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim; đánh giá thực trạng công tác bảo quản, lưu trữ số hóa và phục chế phim tại Việt Nam từ đó có được định hướng và đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả trong công tác lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim, hướng tới mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị của tư liệu hình ảnh động.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 25 Hiệp hội các Viện Lưu trữ Nghe nhìn Đông Nam Á - Thái Bình Dương (SEAPAVAA) tại Việt Nam do Viện Phim Việt Nam tổ chức.
Theo ông Nguyễn Xuân Dư, Phó viện trưởng Viện Phim Việt Nam, hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động sâu rộng, toàn diện tới tất cả các lĩnh vực xã hội, trong đó có điện ảnh nói chung, cũng như công tác lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim nói riêng. Tại Việt Nam, trong khi các lĩnh vực sản xuất, phát hành, chiếu bóng của ngành điện ảnh đều đã chuyển đổi sang kỹ thuật số, thì các đơn vị lưu trữ phim mới đang ở những giai đoạn đầu tiên của quá trình số hóa, phục chế tư liệu.
Trong thời kỳ thay đổi về công nghệ như hiện nay, công tác lưu trữ, bảo quản phim sẽ phức tạp và khó khăn hơn trước rất nhiều vì vừa phải tiếp thu công nghệ mới phù hợp với sự phát triển khoa học kỹ thuật, vừa phải tiếp tục duy trì việc bảo quản phim nhựa truyền thống. Trong bối cảnh đó, mỗi đơn vị lưu trữ phim sẽ có những cách tiếp cận khác nhau, cũng như có những định hướng phát triển, xây dựng kế hoạch riêng biệt phù hợp với thực trạng của mình.
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, những trao đổi trực tiếp từ các đại biểu tham dự, xoay quanh hoạt động lưu trữ, bảo quản phim ở Việt Nam; Ý nghĩa của hoạt động bảo tồn di sản điện ảnh Việt Nam thông qua việc phục chế và số hoá 4K phim 35mm chọn lọc thông qua hợp tác xã hội hoá; Thực trạng hoạt động lưu trữ, bảo quản, số hoá phim tại một số đơn vị như Điện ảnh – Truyền hình Biên phòng, Điện ảnh Quân đội Nhân dân, tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương… Một số tham luận đề cập đến xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực điện ảnh, trong công tác lưu trữ, bảo quản và số hoá phim, xu thế áp dụng công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào tu sửa, phục hồi phim điện ảnh lưu trữ…
Bà Nguyễn Hương Giang, Phó trưởng phòng Kiểm kê, Bảo quản Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện lưu giữ hơn 3 vạn tư liệu phim ảnh gốc về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đây là tài sản quốc gia, là hiện vật gốc chứa đựng nhiều giá trị. Mặc dù tất cả số phim ảnh này đều được bảo quản theo đúng quy định, song với điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt Nam, để số tư liệu này có tuổi thọ lâu dài là điều không đơn giản.
Theo bà Hương Giang, bên cạnh việc bảo quản, lưu trữ theo phương pháp truyền thống, việc lựa chọn giải pháp số hoá phim âm bản cho các phim lưu trữ tại Bảo tàng cũng là một xu hướng tất yếu. Việc số hoá thông tin hình ảnh của khối lượng lớn phim âm bản có thể được lưu trữ trong những bộ nhớ với kích thước nhỏ, thuận tiện cho việc khai thác mà không làm ảnh hưởng đến phim gốc.
Thiếu tá Nguyễn Thị Mai, Phó trưởng phòng Tư liệu, Điện ảnh Quân đội Nhân dân dân chia sẻ, Điện ảnh Quân đội Nhân dân vừa là đơn vị làm phim, vừa là nơi lưu trữ lớn nhất trong toàn quân. Hiện đơn vị đang lưu giữ hơn 23.000 hộp phim, gồm các thể loại phim tài liệu, phim khoa học, phim truyện, tin thời sự…
Bên cạnh việc lưu trữ bảo quản chất liệu nhựa, việc số hoá các phim, tư liệu sẽ tạo ra một kho lưu trữ thứ 3 dưới dạng định dạng số. Việc lưu trữ tư liệu dưới nhiều chất liệu đảm bảo tính an toàn cho dữ liệu. “Trong thời gian tới, Điện ảnh Quân đội Nhân dân sẽ từng bước số hoá toàn bộ số lượng phim hiện có để lưu trữ và khai thác song song cả phim nhựa và số”, Thiếu tá Nguyễn Thị Mai cho biết.
Theo ông Phạm Ngọc Quang, Giám đốc công nghệ Công ty Cổ phần Nghe nhìn Việt Nam, lưu trữ điện ảnh luôn là một nhiệm vụ nặng nề với những nghiệp vụ khó khăn như tu sửa, phục dựng nhằm bảo tồn những thước phim tư liệu quý giá của lịch sử đất nước.
Hiện tại, với số lượng hàng trăm ngàn cuốn phim nhựa trong các kho phim đã và đang xuống cấp, hư hại theo thời gian, thì khối lượng công việc chuyển đổi phim nhựa truyền thống sang định dạng kỹ thuật số và tu sửa, phục hồi, rồi lưu trữ trên các hệ thống kỹ thuật số phù hợp… là khổng lồ và vô cùng tốn kém, nhưng đây là lựa chọn duy nhất tới thời điểm này, để bảo tồn, lưu trữ các kho phim điện ảnh – di sản văn hoá vô giá của dân tộc Việt Nam…
Phương Lan/TTXVN
Tags