Tham dự Hội nghị có sự tham gia của các đại biểu, các nghệ nhân, già làng, trưởng bản uy tín- là đại diện cho 16 dân tộc thiểu số đến từ 8 tỉnh thành trên cả nước như: Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Quảng Bình, Nghệ An, Kon Tum.
*Lắng nghe tiếng nói của các gia làng, trưởng bản 16 dân tộc thiểu số
Hội thảo được xem là dịp để các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người (như La Ha, La Hủ, Pà Thẻn, Chứt, Lô Lô, Cống, Si La, Pu Péo…) được giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, đồng thời đề xuất các giải pháp mang tính cấp bách, thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mình.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: Văn hoá truyền thống của đồng bào phong phú nhưng chưa được bảo tồn, phát huy đúng mức và đang đứng trước nguy cơ phai nhạt, mất dần bản sắc văn hoá tộc người.
Vì vậy, đề nghị các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của các dân tộc có ý kiến góp ý các giải pháp thiết thực, phù hợp với dân tộc mình trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống. Bộ VH,TT&DL, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý sẽ lắng nghe, tiếp thu từ đó nghiên cứu xây dựng nội dung, các giải pháp bảo tồn cụ thể nhằm giữ gìn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hoá của các dân tộc, góp phần phát triển, ổn định kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, hiện có sự chênh lệch về văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số dưới 10.000 người so với các dân tộc khác. Vai trò chủ thể của người dân, của cộng đồng chưa được phát huy. Các dân tộc có dân số càng ít thì đời sống văn hóa càng gặp nhiều khó khăn, một số dân tộc có nguy cơ mai một bản sắc.
Nỗi lo dân số đã ít lại có xu hướng giảm
PGS.TS Lê Ngọc Thắng - Nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc đã chia sẻ về tầm quan trọng của việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa tộc người. Theo PGS.TS Lê Ngọc Thắng, những biến đổi từ môi trường, xã hội đã và đang tác động trực tiếp và làm thay đổi, xáo trộn cuộc sống cũng như văn hóa của dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Theo đó, có những năm, số dân của các tộc người thiểu số không tăng lên, mà còn mất đi. Đơn cử như việc xây thủy điện ở Sơn La đã làm đảo lộn cuộc sống của các dân tộc thiểu số nơi đây. Việc di chuyển, tái định cư đã khiến những nét văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số của nhiều thay đổi.
PGS.TS Lê Ngọc Thắng cho rằng, ngoài việc nâng cao chất lượng dân số, nâng cao đời sống cho các dân tộc ít người, cũng phải lưu ý đến việc gia tăng dân số cho các tộc người bởi “không có chủ thể văn hóa sẽ không thể bảo tồn, gìn giữ văn hóa”.
Đến tham dự Hội thảo, đại diện của 16 dân tộc thiểu số đến từ 8 tỉnh trên cả nước cũng đã đưa ra những khó khăn trong đời sống của họ. Đại biểu đến tỉnh Lai Châu tâm sự, riêng việc đến dự được Hội thảo, họ đã phải di chuyển rất khó khăn bởi Lai Châu vẫn đang bị chia cắt bởi mưa lũ. Đoàn đại biểu đã phải đi bằng xuồng rất vất vả.
Đại biểu tỉnh Lai Châu cho biết, tỉnh Lai Châu đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh phát triển nghề thủ công và gìn giữ những nét văn hóa rất riêng trong đời sống văn hóa của dân tộc La Hủ, nhưng điều kiện ngân sách của Lai Châu gặp nhiều khó khăn.
Có tỉnh chỉ dành 15 ngàn đồng/người/năm cho các hoạt động văn hóa
Khó khăn trong tài chính, ngân sách là khó khăn chung của tất cả các dân tộc thiểu số trong việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa. Mỗi năm, số tiền đầu tư cho các hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh đều rất thấp, có tỉnh chỉ dành 15 ngàn đồng/1 đầu người/ 1 năm cho các hoạt động văn hóa.
Các già làng, trưởng bản, các nghệ nhân mong được nhà nước hỗ trợ hơn nữa trong việc cải thiện đời sống tinh thần và giúp họ gìn giữ cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một.
T.H (theo CINET)