(Thethaovanhoa.vn) - Ngày Sách là sự kiện quốc gia nên lễ công bố được đề xuất làm cầu truyền hình qua 3 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Nhưng "không phải để ăn mừng, mà là để kéo còi báo động".
Ngày Sách Việt Nam được ấn định vào 21/4, bắt đầu từ năm nay - đó là quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông. Quyết định này được công bố trong hội thảo sáng 17/3 tại Hà Nội.
Ngày Sách Việt Nam được kỳ vọng sẽ có sức ảnh hưởng lớn như Hội sách TP. HCM. Trong ảnh: Hội sách TP.HCM lần thứ 5. Ảnh: Văn Bảy
Nói như PGS Nguyễn Thị Minh Thái, mức độ thành công của Ngày Sách Việt Nam không thể đánh giá qua biểu hiện "cờ đèn kèn trống", mà phải bằng hiệu quả thực chất: khiến người dân say mê đọc sách hơn. Nhưng nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho rằng, "cờ đèn kèn trống" là để kéo còi báo động cho văn hóa đọc, chứ không phải để “ăn chơi nhảy múa”.
"Các bậc phụ huynh ngày nay lo con cái còi xương nhưng không lo chúng còi tri thức, thẩm mỹ. Lo thực phẩm bẩn nhưng không lo sách bẩn. Quá nhiều lý do để… kéo còi báo động" - nhà văn nói thêm.
Ngoài lễ công bố, ông Phục cho rằng, các khâu khác không cần làm to mà nên tạo điểm nhấn. "Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh của Việt Nam được Nhật Bản xếp vào danh sách 150 tác giả bán chạy. Còn GS Ngô Bảo Châu cho rằng không có sách không thể thành tài. Chúng ta nên tập trung vào những nhân vật tiêu biểu như thế để nói lên vai trò của sách".
Một vấn đề khác của Ngày Sách Việt Nam là kinh phí thực hiện. Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, thừa nhận: "Đây là vấn đề rất đau đầu". Hội sách TP.HCM (2 năm một lần), chuỗi sự kiện thu hút rất đông công chúng, là mô hình mơ ước của Ngày Sách Việt Nam. Ngoài Hà Nội và TP. HCM, ban tổ chức rất muốn kéo Đà Nẵng vào cuộc.
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa