Đọc tiểu thuyết lịch sử để lấy lại niềm tin

Thứ Năm, 24/02/2011 07:35 GMT+7

Google News

(TT&VH Cuối tuần) - Tiểu thuyết luôn là giấc mộng của con người. Nếu cả nền văn học là một hơi thở thổi suốt từ quá khứ đến tương lai thì tiểu thuyết là dòng cảm xúc chủ đạo, mãnh liệt nhất, liên tục nhất của hơi thở ấy.

Nhà văn Nguyễn Quang Thân: Đọc tiểu thuyết lịch sử để lấy lại niềm tin

Với dân tộc ta, có thể nói lịch sử ngàn năm trở lại đây là lịch sử của chiến tranh giải phóng. “Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên”, câu thơ rất hay của thi sĩ Hoàng Cầm nói về giấc mơ hòa bình mà cha ông và cả chúng ta ngày nay luôn mong đợi trong hồi hộp và “thấp thoáng”.

Tiểu thuyết luôn là giấc mộng của con người. Nếu cả nền văn học là một hơi thở thổi suốt từ quá khứ đến tương lai thì tiểu thuyết là dòng cảm xúc chủ đạo, mãnh liệt nhất, liên tục nhất của hơi thở ấy. Bởi vì dân tộc có một lịch sử cam go như vậy nên tiểu thuyết Việt Nam xưa và nay đều mang cảm xúc và cảm hoài lịch sử. Lịch sử không níu giữ, không làm chậm chân chúng ta bước tới tương lai mà ngược lại giữ cho chúng ta không lạc đường, không nản chí và gục ngã trên đường thiên lý lắm cam go và thử thách do vị trí địa chính trị định mệnh của dân tộc.

Nghiêm túc mà nói, tuy chưa có tác phẩm đặc biệt thành công, nhưng tiểu thuyết về lịch sử và chiến tranh vẫn là dàn bè trầm của văn học tiếng Việt. Nếu chỉ kể từ Hoàng Lê Nhất Thống chí, chúng ta có nhiều tiểu thuyết lịch sử giá trị trước Cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám, tiểu thuyết lịch sử luôn có chỗ đứng vững vàng trong văn học trước ngày thống nhất đất nước và sau đó là văn học hậu chiến. Vấn đề không chỉ là “tiểu thuyết lịch sử và chiến tranh luôn được coi trọng” mà ở chỗ đó là sự quan tâm khôn nguôi của nhiều thế hệ người đọc. Lớp nhiều tuổi tìm lại mình và tiếp tục suy nghĩ, tiếp tục làm ấm lại cảm xúc với lý tưởng của một thời đã qua trong tiểu thuyết. Lớp trẻ hơn, bao gồm cả học sinh sinh viên, không phải đọc tiểu thuyết lịch sử để biết lịch sử (điều này đã có nhà trường với sách giáo khoa và nhiều loại hình kể chuyện, giáo dục lịch sử của thông tin đại chúng), mà để lấy lại niềm tin vào những gì đang chới với, đang “thấp thoáng” như giấc mơ trong não trạng của những thế hệ chưa từng biết, từng qua chiến tranh nhưng lại đang cảm thấy sắp sửa phải đi tiếp con đường gian nan không kém cha ông để thực hiện “giấc mơ hòa bình”. Người đọc và tác giả gặp nhau đã nuôi dưỡng lâu bền cảm xúc và sự trường tồn của tiểu thuyết lịch sử và chiến tranh.

Theo tôi hiểu, những gì đã qua đều thuộc về lịch sử. Nhưng lịch sử còn là cuộc sống đã qua của nhân dân, của mỗi con người trong những cơn biến động, truân chuyên của xã hội. Đã có những cuốn sách hiếm hoi về đề tài này được xuất bản một cách rụt rè. Nhưng lịch sử thì vẫn còn đó và sớm hay muộn, nguồn cảm hứng của những đề tài hiện nay còn thuộc loại “nhạy cảm” này vẫn tiếp tục được viết ra và người ta hy vọng sẽ có những tác phẩm thành công, đưa lại bức tranh hoàn chỉnh của lịch sử mà người đọc hiện nay và tương lai đòi hỏi.

Tôi không đánh giá cao những cuốn sách đồ sộ viết về lịch sử từ triều này đến triều khác. Thực ra là đó là những cuốn sách “kể chuyện lịch sử” - tất nhiên cũng rất có ích vì đã bổ sung được ít nhiều những gì sách giáo khoa chưa làm được - nhưng chưa phải là tiểu thuyết lịch sử đích thực. Tiểu thuyết viết lịch sử chứ không phải kể lịch sử như quan niệm của GS Hoàng Ngọc Hiến. Những cuốn tiểu thuyết lịch sử hay không cung cấp sử liệu, sử cứ mà cho độc giả một cái nhìn, một cách sống, một hướng đi được kiểm chứng qua lịch sử. Và cả văn chương hay nữa chứ!

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Có một tiểu thuyết gây kinh ngạc, thán phục

Ngay trong những ngày cuối năm 2010 có một cuốn tiểu thuyết vừa ra đời mà tôi tin ai đọc cũng sẽ kinh ngạc và thán phục. Đó là Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần. Bản thảo tiểu thuyết này được viết năm 1966, sau khi ông Dần được một cơ hội đi thực tế trại giam theo yêu cầu của bên ngành công an để viết về những người ngụy quân thời Pháp. Chuyện đi thực tế này là một việc phổ biến trong sáng tác văn học của nước ta và kết quả sau mỗi lần đi như thế là những cuốn sách được viết và in ra mà số phận của chúng thế nào thì ai cũng biết. Trần Dần thì không thế. Ông viết tiểu thuyết là viết tiểu thuyết. Gần nửa thế kỷ trước mà viết hiện đại, sâu sắc, xuất sắc như Những ngã tư và những cột đèn thì chỉ có Trần Dần, và chỉ Trần Dần. Đặt cuốn sách này bên cạnh các tiểu thuyết của ta mười năm qua, lấy nó như một điểm nhìn quy chiếu, mới thấy các nhà tiểu thuyết của ta lạc hậu rất nhiều, rất xa. Đọc cuốn của Trần Dần để thấy xấu hổ, một sự xấu hổ cần thiết để đổi mới và phát triển nghệ thuật tiểu thuyết Việt Nam. Chúng ta đã biết nói trong văn học nghệ thuật cái chính không phải là viết cái gì, mà viết thế nào, nhưng chúng ta còn thiếu sự quyết liệt để thực hiện điều nói đó. Văn học Việt Nam rất ít tiểu thuyết, nhiều cái gọi là tiểu thuyết, và chủ yếu là truyện kể. Cần phải quyết liệt và táo bạo hơn nữa trong sự thực hành đổi mới thi pháp tiểu thuyết. Ở đây, các nhà văn trẻ phải dấn thân, và dám biết hy sinh cho những thực nghiệm nghệ thuật.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương: Viết là để tận trung với cảm quan của mình

Tôi không được đọc hết những tiểu thuyết đã in ra trong vòng chục năm qua, nên cũng không dám nói cho tất cả. Căn cứ vào những cuốn đã đọc thì quả tình tôi chưa thấy hài lòng, mặc dù có sự phong phú, mạnh bạo. Còn thiếu cái gì đó, như sự chối bỏ, một đoạn tuyệt triệt để. Chủ yếu vẫn là những câu chuyện kể, theo giọng này, giọng kia, có đầu, có cuối. Đại khái là rất ngoan ngoãn. Tuồng như tác giả sợ sự đứt đoạn, sự rối loạn, một đặc điểm của thời đại này. Tuồng như khi viết, tinh thần cố gắng vơ lấy độc giả đã đánh nhịp chính trong tác phẩm của một vài tác giả.

Với riêng tôi, cho rằng bản thân thể loại tiểu thuyết đã mặc định trong nó một khoảng thẳm khiến tất cả các sự vật xoay quanh nó và độc giả phải chết lặng đi. Nhưng những tác phẩm đã in ra, trong vòng chục năm gần đây mới chỉ manh nha, hơi hướng có điều ấy, còn những tiểu thuyết trước đó nữa thì tịnh không có bóng dáng. Có lẽ đấy chính là nguyên nhân làm cho tiểu thuyết chưa đạt tới độ ghê gớm cần thiết của nó. Xin nhấn mạnh rằng đây chỉ là cảm nhận cá nhân của riêng tôi, nó đầy chủ quan và có thể sai.

Công bằng mà nói, đòi hỏi thành công ngay tức thì đối với một tác giả tiểu thuyết thì hơi khó. Với tác giả viết truyện ngắn, anh ta có thể thành công ngay lập tức, có thể tiến tới hoàn thiện sự nghiệp của anh ta trong thời gian rất ngắn, tựa như cái cây trong một đêm có thể hoàn thành công đoạn trút toàn bộ lá của mình. Nhưng với người viết tiểu thuyết thì khác, đó là công đoạn của cây mọc lá. Âm thầm, chậm rãi, nảy một cái chồi, rồi lá non, sau đó thành lá xanh. Phải tới lúc nào đó, cái cây mới đạt độ xanh lá đúng nghĩa của mình, và sự nghiệp của người viết tiểu thuyết là như thế. Không cuồng loạn, không gấp gáp.

Có một điểm dễ nhận thấy nhất: so với những tiểu thuyết viết trong thời kỳ đổi mới, các tiểu thuyết thời gian gần đây tỉnh táo, sắc lẹm, giá băng hơn, trong cách nhìn nhận, mổ xẻ xã hội. Theo tôi, đây là tín hiệu đáng mừng, vì văn học đã dần dần là văn học theo cái nghĩa nhà văn là kẻ tách rời ra để nhìn nhận vấn đề thấu đáo hơn. Đến giờ, tôi thấy tiểu thuyết đang hứa hẹn đầy ẩn số hơn thơ và truyện ngắn.

Mỗi nhà văn là một trường hợp cá biệt, không thể dẫn dụ nhau. Nhưng tôi nghĩ, có lẽ cách duy nhất là từng người hãy viết và viết, dẹp bỏ những rào cản, những lấn cấn sang bên. Viết như không phải để in mà để tận trung với cảm quan của mình. Sau đó, việc còn lại là của... ai đó.

Việt Quỳnh (ghi)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›