|
Lam Kinh nằm trên đất huyện Thọ Xuân, một huyện đã sinh cho dân tộc Việt Nam hai đời Lê (Tiền Lê, Hậu Lê) – vùng đất mà cách đây gần một ngàn năm cụ tổ của Thái Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi thấy chim bay về đậu quây quần thành bầy, quyết định san đất dựng nhà. Thành điện Lam Kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu (gọi là du sơn) mặt nam nhìn ra sông – có núi Chúa làm tiền án, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía Tây. Khu Hoàng thành, cung điện và Thái miếu ở Lam Kinh được bố trí xây dựng theo trục Nam – bắc trên một khoảng đồi gò có hình dáng chữ vương. Bốn mặt xây thành có chiều dài 314m, bề ngang 254m, tường thành phía Bắc hình cánh cung có bán kính 164m, thành dày 1m.
Về Lam Kinh du khách sẽ được thưởng thức hương vị cay cay ngọt ngọt của chè lam Phủ quảng, một loại bánh làm bằng bột gạo nếp, mật mía, trộn lẫn lạc và gừng và được nếm cái dẻo quạnh, đen nhanh nhánh của bánh gai Tứ Trụ, cáI béo ngậy, giòn thơm của cá rô Đầm Sét rán vàng, những sản phẩm nổi tiếng của Lam Kinh.
Ở xứ Thanh người ta không nói “đến” Lam Kinh mà thường nói “về” Lam Kinh. Về nhà, về với khu di tích lịch sử, về với nơi khởi nguồn của những chiến tích hào hùng. Về Lam Kinh nơi diễn ra Hội thề Lũng Nhai. Hàng năm vào dịp tháng 8 âm lịch, lễ hội Lam Kinh lại bắt đầu. Ngày giỗ của Lê Lợi (22/8/1433) được cử hành trọng thể.
Minh Đức (Bài và ảnh)