(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 17/4, tại huyện miền núi Khánh Sơn, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lễ công bố và đón nhận Bằng Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia “Lễ hội Bỏ mả của người Raglai”.
Người Raglai quan niệm, có hai thế giới song song tồn tại là thế giới của người sống và thế giới của những người đã khuất. Khi qua đời, linh hồn của người đã mất vẫn còn lẩn khuất trong cõi nhân gian, nên phải làm Lễ Bỏ mả để tiễn đưa họ về với ông bà tổ tiên, tái sinh cuộc sống mới.
Với người Raglai, lễ Bỏ mả là lễ chia tay vĩnh viễn giữa người sống và người chết để người chết được trở về thế giới vĩnh hằng. Lễ Bỏ mả được tổ chức theo hai hình thức: bỏ mả cùng lúc với đám tang hay bỏ mả có thời gian chuẩn bị.
Đây là nghi lễ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người Raglai và cũng tích hợp các giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống, thể hiện sự sáng tạo và mang giá trị gắn kết cộng đồng. Lễ Bỏ mả hiện vẫn tồn tại và được tổ chức vào khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm tại một số huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, một số nghi thức và lễ vật sử dụng trong các nghi lễ đã thay đổi cho phù hợp với vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Lễ Bỏ mả của người Raglai ở Khánh Hòa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là một tin vui cho những nỗ lực bảo vệ văn hóa truyền thống của tỉnh Khánh Hòa. Ông Nguyễn Duy Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu những giá trị nhân văn của lễ hội Bỏ mả của dân tộc Raglai, sẽ đề xuất các nhóm giải pháp để tiếp tục bảo tồn, làm sống động những nghi lễ đặc biệt như thế này. Chúng tôi cũng cố gắng tập trung xây dựng đời sống văn hóa mới, phát triển kinh tế xã hội để tạo điều kiện cho sự bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Raglai ở các địa phương nói chung và Khánh Sơn nói riêng".
Thanh Hiếu