(Thethaovanhoa.vn) - Khách tham quan nước ngoài cũng như trong nước lại một lần nhữa đứng vây quanh chiếc mặt nạ vàng nổi tiếng của vị Vua Ai Cập huyền thoại Tutankhamun tại Bảo tàng Ai Cập ở Cairo, sau khi phục chế.
- Hé lộ những bí ẩn sau chiếc mặt nạ vàng Tutankhamun
- Ai Cập bắt đầu phục chế bộ râu bị gãy trên mặt nạ vàng của Tutankhamun
- Gãy râu trên mặt nạ vàng Vua Tutankhamun: Khốn đốn vì 'sửa sai' bằng keo dính
Trở về “nhà”, chiếc mặt nạ vô giá này đã thu hút số đông khách tham quan. Theo giới chức Ai Cập, mặt nạ vàng của Vua Tutankhamun đã được trưng bày trở lại vào hôm 16/12, sau 8 tuần được một nhóm chuyên gia Đức và Ai Cập phục chế bộ râu.
Hồi tháng 1, báo giới đưa tin bộ râu màu xanh da trời trong mặt nạ của Vua Tutankhamun đã bị các nhân viên bảo tàng Ai Cập làm gãy trong quá trình làm sạch hồi tháng 8/2014 và sau đó họ đã vội vàng dùng keo gắn lại.
Sau 8 tuần phục chế vì bị gãy râu, chiếc mặt nạ vàng nổi tiếng của Vua Tutankhamun đã trở lại bảo tàng. Ảnh: Daily Mail
Lớp keo gắn đó lộ rất rõ trên mặt nạ. Vụ này khiến Chính phủ Ai Cập phải tìm kiếm sự hỗ trợ của các nhà bảo tồn chuyên nghiệp từ Đức nhằm phục chế di sản khảo cổ này.
Không chỉ có vậy, Bộ Ngoại giao Đức còn ủng hộ 50.000 euro (54.000 USD) cho quá trình phục chế mặt nạ, được bắt đầu vào ngày 10/10. Sau 8 tuần làm việc cần mẫn, chiếc mặt nạ đã được phục chế thành công.
Nhà bảo tồn Đức Christian Eckmann, người giám sát quá trình phục chế mặt nạ, cho biết, khi làm việc họ đã phát hiện ra một chiếc ống bằng vàng vẫn mắc kẹt trong bộ râu. Chiếc ống này được dùng để nối bộ râu với mặt nạ.
“Một trong những công đoạn gây thách thức nhất là khi tách chiếc ống ra để làm sạch bộ râu” – Eckmann cho biết.
Phía sau chiếc mặt nạ vàng của Vua Tutankhamun. Ảnh: Daily Mail
Chiếc mặt nạ trở lại bảo tàng là tin vui đối với nhiều người. Họ đã tới chụp ảnh tác phẩm nghệ thuật bằng vàng này, đặc biệt là sau sau các nhà lãnh đạo bảo tàng Ai Cập đã phá bỏ lệnh cấm, cho phép du khách được mang máy ảnh vào bảo tàng trong vòng 1 tháng.
Tutankhamun lên ngai vàng năm 9 tuổi và qua đời năm 19 tuổi. Ông là vị Vua Ai Cập cổ đại nổi tiếng nhất thế giới, trị vì đất nước vào các năm 1332 - 1323 trước Công nguyên.
Tutankhamun nổi tiếng với lăng mộ của mình, được nhà Ai Cập học người Anh Howard Carter phát hiện hồi năm 1922. Khi Carter phát hiện ra lăng mộ của Vua Tutankhamun, bộ râu trên mặt nạ đã bị lỏng và chính ông đã tháo nó ra. Hồi tháng 12/1925, Carter lần đầu tiên phục chế chiếc mặt nạ.
“90 năm sau khi Carter xúc tiến cuộc phục chế đầu tiên chiếc mặt nạ, chúng tôi hài lòng khi đưa mặt nạ trở về hình dáng nguyên bản” - Eckmann tụ hào nói tại cuộc họp báo ở Ai Cập.
Tuấn Vĩ
Theo Tân Hoa Xã
Tags