Nghị định bổ sung quy hoạch sử dụng đất đai: Một thay đổi lớn

Chủ nhật, 23/08/2009 11:03 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Nghị định 69/2009/NĐ-CP quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư… đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường chính thức công bố ngày 20/8. 

Điểm khác biệt lớn nhất trong Nghị định này là đặc biệt chú ý đến vấn đề ổn định cuộc sống của những người mất đất. Ngoài việc nhận tiền bồi thường, người dân còn nhận được nhân thêm vài chục triệu tiền hỗ trợ, tiền chuyển đổi nghề.

Tăng mức hỗ trợ lên gần gấp đôi

Các điều khoản quy định tại nghị định đã căn bản tháo gỡ những vướng mắc về quy hoạch sử dụng đất; giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất; phát triển quỹ đất... Đáng chú ý nhất trong nghị định là người mất đất sản xuất được nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề cao hơn nhiều so với tiền bồi thường đối với đất bị thu hồi. Nếu không được hỗ trợ bằng tiền, người dân có thể được hỗ trợ bằng nhà đất để ở hoặc sản xuất, kinh doanh.

Để tránh thiệt thòi cho người bị mất đất, nghị định quy định giá đất thu hồi sẽ căn cứ vào giá thực tế tại thời điểm đó. Nhà nước thu hồi đất vào mục đích nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất.

Người dân mất đất sẽ được bồi thường nhiều hơn. Trong ảnh: Một góc Hà Nội (Ảnh minh họa)

Ngoài việc bồi thường, người mất đất còn được hỗ trợ ổn định cuộc sống: Thu hồi từ 30 - 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 6 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở. Trường hợp phải di chuyển đến địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn, thời gian hỗ trợ tối đa là 24 tháng. Mức hỗ trợ là 30kg gạo/tháng/nhân khẩu theo thời giá trung bình tại thời điểm thu hồi. Trong trường hợp thu hồi đất của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh mà phải ngừng sản xuất, kinh doanh sẽ được nhận được hỗ trợ cao nhất bằng 30%/năm sau thu nhập thuế (theo mức thu nhập bình quân của ba năm liền kề trước đó được cơ quan thuế xác nhận).

Nếu bị thu hồi hết đất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ chuyển nghề với mức phí hỗ trợ bằng 1,5 - 5 lần số tiền bồi thường đất bị thu hồi. Khi việc chuyển đổi nghề của nông dân không được hỗ trợ bằng tiền thì bà con được hỗ trợ một suất đất ở hoặc một căn hộ chung cư hoặc một suất đất sản xuất, kinh doanh. Hình thức này được áp dụng kèm theo các điều kiện: Địa phương có điều kiện về quỹ đất ở, quỹ nhà ở; người được hỗ trợ có nhu cầu; giá trị được hỗ trợ tính ra bằng tiền phải bằng hoặc lớn hơn giá trị nhà, đất đó.

Với những quy định về các điều khoản hỗ trợ tăng cao rất nhiều so với quy định cũ, ông Đào Trung Chính, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế - Tổng cục Quản lý đất đai giải thích, quy định bồi thường tại nghị định đã đặt vấn đề an cư lên đầu. Việc tăng mức hỗ trợ sẽ giảm đi những bức xúc, khiếu kiện của người bị thu hồi đất.

Dễ nảy sinh tiêu cực nếu thiếu quy định cụ thể về khung hỗ trợ

Theo Nghị định 69 này, người mất đất đã được lợi hơn: thu hồi hết đất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ chuyển nghề với mức phí hỗ trợ bằng 1,5- 5 lần số tiền bồi thường đất bị thu hồi. Chẳng hạn, trước đây một sào Bắc Bộ (360 m2) người dân sẽ được hỗ trợ khoảng 13-19 triệu đồng. Nhưng theo quy định mới hộ gia đình mất một sào đất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ chuyển đổi nghề khoảng 45 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Thịnh, Trưởng bộ môn Thể chế nông thôn - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn cho rằng, các khung bồi thường khá rộng và chưa có quy định cụ thể: Hỗ trợ giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm bằng 30 - 70% giá đất ở của thửa đất đó; hỗ trợ giá đất nông nghiệp trong địa giới hành chính bằng 20 - 50% giá đất ở trung bình của khu vực đó, diện tích hỗ trợ không quá 5 lần; hay quy định mức hỗ trợ chuyển đổi nghề từ 1,5 - 5 lần tiền bồi thường. Nếu không có quy định cụ thể, đối tượng nào sẽ được hỗ trợ ở ngưỡng thấp và đối tượng nào ở mức cao rất dễ nảy sinh tiêu cực và khiếu kiện.

Ông Nguyễn Bình Nguyên, Phó GĐ Cty TNHH bất động sản Hoàng Quân lại cho rằng: “Quy định của nghị định là đảm bảo quyền lợi cho người dân mất đất nhưng để thực hiện trên thực tế còn rất khó khăn. Mấu chốt để đảm bảo công bằng cho người nông dân là những người có chức trách phải thực thi đúng quy định. Do đó, song song với việc quy định cụ thể hơn đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ thì cũng nên quy định chế tài xử phạt nếu người thực thi chính sách không thực hiện công bằng”.

Thiết nghĩ, nên bổ sung thêm quy định về tiến độ bồi thường cho người nông dân bị mất đất. Vì thực tế diễn ra tại hầu hết các khu công nghiệp là người dân nhận tiền đền bù sử dụng không hiệu quả. Phần lớn các hộ dân dành số tiền này cho việc ăn chơi, mua sắm và chẳng bao lâu thì toàn bộ số tiền được đền bù đã “bốc hơi”. Do đó, với số tiền người dân được hỗ trợ để chuyển đổi nghề, có thể trao tiền theo tiến tiến độ học nghề. Chẳng hạn, người dân học nghề cơ khí nên cấp trước tiền học. Khi học xong thì giao nốt tiền số tiền còn lại để họ mở cửa hàng.

Những trường hợp không được áp dụng Nghị định 69:

- Không áp dụng nghị định này đối với: Những dự án, hạng mục đã chi trả xong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trước ngày 1-10; những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án đã được phê duyệt trước ngày 1-10.

- Trường hợp bồi thường chậm: Nếu do cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường gây ra mà giá đất tại thời điểm bồi thường và giá đất tại thời điểm thu hồi khác nhau thì áp dụng giá đất có lợi cho người bị thu hồi.

- Trường hợp bồi thường chậm do người bị thu hồi đất gây ra, nếu giá đất tại thời điểm bồi thường thấp hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm bồi thường. Nếu giá đất tại thời điểm bồi thường cao hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi.


Tuệ Minh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›