Trường ca ngắn và kịch thơ của Nguyễn Thụy Kha gồm kịch thơ Tình làng và 8 trường ca ngắn: Lòng chảo, Cực sóng, Biến tấu Souliko, Màu Quảng Trị, Hà Nội tháng Chạp nóng, Gió Tây Nguyên, Mùa Xuân trắng và Những người bốc vác.
Nguyễn Thụy Kha chia sẻ, lấy Lòng chảo (viết về Điện Biên) là nền, trên đó là những cung bậc cho các trường ca ngắn. Đồng thời, nhạc sĩ đã lấy 1 chương trong Lòng chảo để viết Hợp xướng Điện Biên. Còn kịch thơ Tình làng đã được nhạc sĩ Doãn Nho sử dụng để viết opera Câu chuyện tình yêu (dự kiến sẽ biểu diễn trong năm 2015).
Lý do để Nguyễn Thụy Kha đưa ra “thể loại” mới trường ca ngắn, bởi trường ca dài người ta giờ không đọc nữa và phục hồi lại kịch thơ, vì kịch thơ gần như “tuyệt chủng”.
Ở tác phẩm Trường ca ngắn và kịch thơ, Nguyễn Thụy Kha sử dụng cảm hứng sử thi bên cạnh cảm hứng trữ tình để sáng tác. Ngoài ra, mỗi trường ca ngắn của Nguyễn Thụy Kha là một sự đa dạng trong giọng điệu: giàu tính triết lý như Biến tấu Soliko (viết về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm); nhiều tâm tư, giãi bày, cảm nhận về những mất mát, hy sinh như Cực sóng (câu chuyện về những chuyến tàu không số)...
Bìa Trường ca ngắn, kịch thơ Nguyễn Thụy Kha
Nguyễn Thụy Kha chia sẻ, Trường ca ngắn và kịch thơ như một phần máu thịt của mình. Ông viết tác phẩm này trong nhiều năm liền và đây là một lần để “trả nợ cho những người đã hy sinh, trong đó có đồng đội tôi...”.
Nguyễn Thụy Kha sẽ nhận giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào ngày 3/2 và giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam vào ngày 7/2.
An Như
Thể thao & Văn hóa
Tags