* Hoa phượng “nở thơ” trên yên xe đạp
Nhà thơ Lê Huy Hòa, sinh năm 1949 ở một làng dừa rất đẹp của xứ Thanh, đó là xã Hoằng Lộc, Hoằng Hóa, nơi có trường cấp 1, cấp 2 Tố Như nổi tiếng một thời. Mái trường thân yêu của tuổi thơ ông có nhiều phượng vĩ và cứ khi hè đến, hoa phượng nở đỏ rực cả sân trường. Là học sinh giỏi văn (đã từng đoạt giải học sinh giỏi của tỉnh và học sinh giỏi toàn miền Bắc) nhưng khi ấy ông còn chưa biết làm thơ, mặc dù rất muốn viết về hoa phượng. Cái màu hoa thân yêu ấy cứ ám ảnh ông suốt mấy chục năm trời. Cho tới khi có một quê hương thứ hai (quê vợ ông) – quê lụa Hà Đông ông mới viết được bài thơ về hoa phượng.
Chuyện là, hồi ông mới chuyển công tác về Hà Đông, ngày ngày đi làm ông thường đi qua Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, dọc con đường ấy và cả ở trong khuôn viên trường có rất nhiều cây phượng. Mùa hè tới, dàn nhạc ve sôi động như làm cho hoa thêm tươi rói, thêm chói chang. Hoàn cảnh ấy đã khiến ông xúc cảm và suy nghĩ. Điều gì đã làm cho hoa phượng đẹp rực rỡ như vậy? Chắc không thể phượng cứ muốn ra hoa vào mùa nào cũng được và cũng không thể một mình phượng làm ra được màu đỏ ấy mà phải có sự góp sức của gió, nắng, của “mặt trời ủ lửa” hoa mới rực rỡ, sáng tươi.
Chính màu đỏ rực lửa của hoa phượng đã “nhóm lửa” trong tâm hồn ông và bùng cháy thành những vẫn thơ. Đang đạp xe trên đường, ông dừng lại ngay một gốc phượng gần trường Nguyễn Trãi và lấy sổ tay, kê ngay lên yên xe đạp, viết một mạch xong bài thơ Hoa Phượng và gần như không phải sửa chữa từ nào.
Hoa Phượng
Hôm qua còn lấm tấm
Chen lẫn màu lá xanh
Sáng nay bừng lửa thẫm
Rừng rực cháy trên cành.
Bà ơi sao mà nhanh
Phượng nở nghìn mắt lửa
Cả dãy phố nhà mình
Một trời hoa phượng đỏ
Hay đêm qua không ngủ
Chị gió quạt cho cây
Hay mặt trời ủ lửa
Cho hoa bừng hôm nay?
(Sách Tiếng Việt 2, tập 2)
* Cháu chưa biết chữ mà đã thuộc lòng Hoa Phượng
Khi bài thơ được đưa vào sách giáo khoa, tác giả bài thơ không hề hay biết. Tình cờ một lần ông ra hiệu sách mua sách cho con thì đọc được bài thơ của mình in trong sách. Điều ấy đã khiến nhà thơ thực sự bất ngờ và sung sướng. Bởi lẽ, SGK dành cho biết bao thế hệ học sinh và đến con mình, rồi cháu mình cũng sẽ được học.
Hiện nhà thơ Lê Huy Hòa đã có tới 6 cháu nội, và ông cho biết một điều thú vị là các cháu nội của ông rất thích thơ của ông nội, trong đó có đứa cháu còn đang học lớp mẫu giáo, chưa cả biết chữ mà đã thuộc đến nửa tập thơ của ông nội, trong đó có bài thơ Hoa Phượng.
Với ngôi trường Nguyễn Trãi – nơi ông đã dừng xe đạp trước cổng và viết bài thơ Hoa phượng kia, sau này khi in tập thơ thiếu nhi thứ 2 “Trái đất ở trong nhà” ông đã tặng cho cho trường 50 cuốn thơ.
* Làm được thơ nhờ “tác động” của cháu
Cho đến nay, ông đã có 4 tập thơ, hai tập người lớn và hai tập dành cho thiếu nhi. Với ông, viết thơ cho thiếu nhi không hề đơn giản, nhất là ở thời buổi này. Ông cho rằng, dường như “sáng tác cho tuổi nhỏ vẫn bị coi là chuyện nhỏ (chữ của Phạm Đình Ân), không mấy người quan tâm thực sự”.
Ông quan niệm, sáng tác cho thiếu nhi cũng cần sự chắt chiu trong câu chữ và dồn nén trong cảm xúc là đưa đến cái các em cần chứ không phải cái mình có. Viết cho thiếu nhi cũng cần nhiều yếu tố trong đó trong đó tình yêu dành cho các em là yếu tố hàng đầu.
“Tôi còn viết được cho thiếu nhi cũng nhờ nhiều yếu tố mà nhiều nhất có lẽ là tác động từ chính những đứa cháu tôi. Tôi có tới 6 đứa cháu nội và vô cùng yêu quý chúng. Hàng ngày, quan sát những biểu hiện của chúng, chơi cùng chúng đã tạo nên những đồng cảm, những thích thú và tứ thơ cũng cứ vậy trào dâng” – nhà thơ Lê Huy Hòa bộc bạch.