Ok Om Bok không là di sản của riêng Trà Vinh

Thứ Hai, 08/09/2014 07:25 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Bộ VH,TT&DL vừa ra quyết định công nhận lễ hội Ok Om Bok (lễ Cúng trăng) trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, lễ hội truyền thống này là của người Khmer tỉnh Trà Vinh, được tổ chức hàng năm tại ao Bà Om. Đây quả là tin vui cho đồng bào Khmer Nam bộ, nhưng niềm vui sẽ trọn vẹn hơn, nếu đó được tính như là di sản của cả cộng đồng người Khmer ở Nam bộ, chứ không phải chỉ riêng của Trà Vinh khi địa phương này gửi hồ sơ đăng ký.

Điều này cũng giống như “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2005. Phạm vi phổ biến của di sản này trải dài trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Hay như “Đờn ca tài tử Nam bộ”, một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào cuối năm 2013. Đó cũng là tài sản văn hóa chung của cả 21 tỉnh thành ở phía Nam.

Lễ Ok Om Bok (lễ Cúng trăng, lễ Thvay Preah Khe) diễn ra vào ngày 15/10 Âm lịch, là một trong các lễ thức quan trọng của cộng đồng người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài việc ăn cốm dẹp, cúng trăng, còn có đua ghe ngo, thả đèn gió, thả đèn nước (loi pratip)... Đây là một lễ hội nông nghiệp gắn với việc sản xuất lúa nước. Thời điểm diễn ra lễ hội vào cuối mùa mưa, khi vụ mùa sắp đến kỳ thu hoạch.


Đua ghe ngo là điểm thu hút của lễ Ok Om Bok, đông nhất là tại Sóc Trăng

Điểm đặc sắc trong lễ hội này chính là tập tục đua ghe ngo diễn ra vào chiều ngày lễ Ok Om Bok (15/10 Âm lịch), tập trung chủ yếu ở cộng đồng người Khmer Sóc Trăng. Theo truyền thống việc đua ghe ngo hàng năm tập trung ở kênh Nhu Gia (xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), nhằm tái hiện lại việc quan quân rượt đuổi Niêng Chanh, một tì nữ trong cung vua bị vu oan.

Do ban đầu, thuyền của nàng Niêng Chanh đi theo sông Ba Sắc (sông Hậu), đến Đại Ngãi theo sông nhỏ đi Sòmo (Bãi Xàu nay). Kế đó nàng lại đi theo ngã sông Dù Tho để ra Vàm Tấn (huyện Long Phú, Sóc Trăng), Niêng Chanh nhảy xuống sông tự vẫn, xác trôi về phía Bạc Liêu, tấp vào vàm sông nên có tên là Bêm Niêng Chanh/ vàm Nàng Chanh, sau đổi là vàm Mỹ Thanh. Sau được dân chúng vớt xác an táng ở Vĩnh Châu, hiện vẫn còn mộ (dẫn theo Huỳnh Ngọc Trảng).

Cho đến thập niên 1980, các cuộc đua ghe ngo được dời về tổ chức ở Kênh Xáng hay còn gọi là sông Sung Đinh, thời Pháp gọi là sông Maspéro.

Có thể nói cuộc đua ghe ngo là hoạt động thu hút sự quan tâm nhiều nhất của công chúng trong toàn bộ diễn trình lễ hội Ok Om Bok. Những cuộc đua này thu hút sự tham gia của hàng chục, hàng trăm ngàn người đứng chật cứng cả hai bờ sông. Và từ đó đến nay, lễ hội Ok Om Bok ở Sóc Trăng đã trở thành tâm điểm của lễ hội nước đặc sắc của đồng bào Khmer ở Tây Nam Bộ.

Với hơn 350.000 người Khmer, Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong 92 chùa Khmer ở tỉnh Sóc Trăng đã có đến 45 ngôi chùa có ghe ngo, có cả đội đua ghe ngo nữ.

Vì sao Bộ VH,TT&DL lại ra một quyết định chưa đúng với thực tế như vậy? Thể thao&Văn hóa sẽ tiếp tục đưa thông tin liên quan tới sự kiện này.

Bộ VH,TT&DL đã công bố danh sách 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia mới được công nhận theo Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL ngày 25/8/2014.

19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được công nhận lần này thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Nghề thủ công truyền thống; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian.

Cụ thể danh sách 19 di sản gồm: 1.Chữ Nôm của người Tày – Tỉnh Bắc Kạn; 2.Lượn Slương của người Tày - Tỉnh Bắc Kạn; 3.Hát Bội Bình Định – Tỉnh Bình Định; 4.Nghệ thuật Bài Chòi – Tỉnh Bình Định; Phú Yên; Quảng Nam; 5.Nghi lễ Then của người Tày – Tỉnh Cao Bằng; 6.Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước – Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng; 7.Lễ hội năm mới của người Giáy – Tỉnh Hà Giang; 8. Tri thức canh tác hốc đá của cư dân cao nguyên đá Hà Giang – Tỉnh Hà Giang; 9.Tết Khu Cù Tê của ngườ La Chí – Tỉnh Hà Giang; 10.Kéo co của người Tày, người Giáy – Tỉnh Lào Cai; 11.Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được – Tỉnh Quảng Nam; 13.Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu – Tỉnh Quảng Nam; 14.Múa Tân ‘ tung Da’ dá của người Cơ Tu – Tỉnh Quảng Nam; 15.Nghi lễ dựng Cây Nêu và bộ Gu của người Co – Tỉnh Quảng Nam; 16.Nghệ thuật sân khấu Dù Kê của người Khmer – Tỉnh Sóc Trăng; 17.Nghi lễ cấp sắc của người Dao – Tỉnh Thái Nguyên; 18.Múa Tắc Xình của người Sán Chay – Tỉnh Thái Nguyên; 19.Lễ hội Ok Om Bok của người Khmer – Tỉnh Trà Vinh

Nguyễn Thanh Lợi (Nhà nghiên cứu)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›