Chẳng thế mà có người đã chế lại lời của một bài hát: “Đã không nghe thì thôi, nghe một lần sốc quá người ơi!” để thể hiện sự bức xúc cũng như nói lên sự nguy hiểm của loại “nhạc chửi, lời sex” này.
Từ bản nhạc chuông… chửi tục
Đang ngồi uống trà vỉa hè, chợt tôi giật mình bởi tiếng ai đó giọng còn rất trẻ chửi bậy có “nhạc đi kèm” phát ra đâu đó. Ngó quanh thì chẳng thấy ai chửi nhau. Hóa ra, đó là tiếng nhạc chuông của một “teen girl” ngồi ngay bên cạnh tôi.
Thấy xung quanh người thì lắc đầu, người thì thẳng mặt phê bình, cô bé vội móc điện thoại trong túi ra, không nghe mà tắt máy luôn. Chưa lâu, điện thoại lại nổi nhạc và vẫn với giọng cũ, nhạc cũ và lời lẽ cũ rất bậy bạ.
Đợi cô bé nghe điện xong, tôi hỏi “sao lại có thứ nhạc chuông điện thoại toàn xoay quanh chuyện âm hộ, dương vật và quan hệ tình dục thế hả em”? Cô bé thản nhiên nói trống không: “Mới nghe lần đầu thôi à? Kém thế, thiên hạ ai cũng biết bài này, thế mà có người không biết…”
Tôi hỏi cô bé tên ca khúc là gì thì được cô “nhiệt tình” nhúng đầu ngón tay vào chén trà, viết lên mặt ghế nhựa: ĐM Trang Xinh. Tiếp tục dò hỏi cô về nhân vật Trang Xinh thì cô lắc đầu: Em chỉ chơi nhạc chứ quan tâm gì đến Trang xinh, Trang xấu…. Muốn biết thì hỏi tác giả ấy.
Nhờ cô bé “bắn” bài hát sang điện thoại để “nghiên cứu” thì bị cô từ chối với lý do: Bắn thể loại này phải “chọn mặt gửi vàng” chứ không bắn linh tinh được. Nhỡ không may phạm phải tội truyền bá văn hóa độc hại thì chết oan à? Thích thì lên mang tải về là xong chứ bắn biếc làm gì cho mất thời gian… Search một cái là ra hàng triệu kết quả. Đừng viết tắt tên bài hát thì càng ok”.
Hàng trăm ngàn phiên bản lan tràn trên mạng
Nghe lời cô bé, tôi về search (tìm kiếm) trên mạng thì có kết quả khoảng 414.000 cho tên bài hát bậy bạ và các kết quả liên quan đến tên bài hát từ các website, blog, forum chỉ trong 0,11 giây. Chọn kết quả đầu tiên tại địa chỉ website http://mp3.zing.vn – một website mà tất cả các ca khúc trên đó được sự bảo trợ bởi Trung tâm Bảo vệ Bản quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và Hiệp hội Công Nghiệp Ghi Âm Việt Nam (RIAV) để “nghe thử” thì thấy bài hát đã nói ở trên được “sáng tác” và trình bày bởi Xuân Thắng, thành viên trang web http://mp3.zing.vn.
Bên cạnh bài hát hiện các thống kê mà bất kỳ ai nhìn vào đó cũng hình dung ra được ca khúc chửi tục này “thành công” đến cỡ nào. Tính đến 19 giờ ngày 15/01/2010 (ảnh) bài hát được nghe 105695 lượt, bình luận 1111 lượt trên tổng cộng 90 trang. Trong khi đó, loạt các ca khúc cả trong và ngoài nước được đưa vào “top” chưa đạt đến chục ngàn người nghe. Điều đó chứng minh rằng, ca khúc “chửi tục, lời sex” này đã “thu hút” lượng người nghe không nhỏ.
Bài hát được song ca bởi hai giọng nam – nữ theo phong cách được cho là “Rap chửi” hơn là đang thực hiện một bài hát. Nội dung ca từ thì khỏi bàn, hai rapper thay nhau đối đáp tập trung vào các bộ phận sinh dục và quan hệ tình dục (xin không trích dẫn) của một nhân vật tên Trang không khác gì bản nhạc chuông tôi đã nghe được từ chiếc điện thoại của cô gái. Và, theo như cô cho biết thì không chỉ riêng cô sử dụng bản nhạc chửi này làm nhạc chuông mà rất nhiều bạn trẻ là bạn cô cũng… “chửi” mỗi khi có người gọi điện.
Người nghe, họ nói gì?
Nếu căn cứ vào lịch comment đầu tiên lưu lại thì bài hát này đã được đăng trên http://mp3.zing.vn từ trung tuần tháng 5/2009.
Có nhiều ý kiến của người nghe, hoặc chỉ đọc lời bài hát được soạn không dấu lưu lại trên web cũng như trên rất nhiều trang, blog dẫn lại bài hát này. Bên cạnh những ý kiến phản đối bài hát vô văn hóa, điều khiến nhiều người “sốc” không kém là có rất nhiều lời “khen” mà nội dung cũng tục tĩu, thiếu văn hóa chẳng kém gì nội dung bài hát. Vô tình hay hữu ý, Zing MP3 - website “đỉnh cao của âm nhạc” và những trang web, blog khác cho đăng tải bài hát này đã trở thành nơi để các thành viên thể hiện “đẳng cấp chửi tục” của mình!
Một bạn trẻ sau khi “thử nghe” bài hát nói: “Giải trí là một nhu cầu chính đáng, nhưng giải trí cũng cần có văn hóa. Đây là một loại rác của sự vô văn hóa, xuống cấp đạo đức trầm trọng của tác giả và thậm chí cả với một bộ phận người tìm nghe, hoặc sử dụng làm nhạc chuông điện thoại. Em không hiểu các website đăng tải những loại bài hát kiểu như vậy thì được gì? Thực tế, không riêng gì bài hát chửi tục trên mà còn rất nhiều bài khác nữa có nội dung tương tự được để rất lâu trên mạng. Điều này cho thấy sự lỏng lẻo không chỉ của các quản trị viên nội dung website cho đăng tải bài hát “bẩn” mà còn cho thấy sự bất cập trong vấn đề quản lý văn hóa mạng. Hay là ở thời văn hoá mạng, những hình thức này đã được công nghệ truyền thông hiện đại hỗ trợ để trở thành một đặc điểm nổi bật của xã hội thông tin?”.
Câu hỏi này xin được gửi đến các nhà quản lý văn hóa, trước tiên là với những người trực tiếp quản lý những website, blog đã, đang cho đăng tải và để tồn đọng loại nhạc với lời lẽ vô văn hóa như đã nêu.
Và không rõ rằng, với sự lơi lỏng này, các bài hát có ca từ tục tĩu liệu có trở thành một làn sóng nguy hại?