Tài liệu Phủ Thống đốc Nam kỳ (1859-1945): Tiềm năng trở thành Di sản tư liệu thế giới

Thứ Bảy, 09/08/2014 07:15 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Vào lúc 9h ngày 11/8 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2 (17A Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM) sẽ diễn hội thảo khoa học “Tài liệu phông phủ Thống đốc Nam kỳ - Tiềm năng di sản tư liệu”. Hội thảo này sẽ công bố 2.435,5 mét tài liệu thuộc phủ Thống đốc Nam kỳ, nơi ẩn chứa đa dạng các thông tin về đời sống thời bấy giờ.

Hội thảo nhằm hai việc chính: 1) Làm rõ tính độc đáo, xác thực, giá trị, tầm ảnh hưởng và tiềm năng của khối tài liệu có một không hai này; 2) Xây dựng hồ sơ đề cử Di sản tư liệu thế giới của UNESCO, mà xét các tiêu chí thì gần như đã đáp ứng. Hội thảo diễn ra lúc này là kịp thời, vì phần lớn tài liệu đã bị ố giòn, mục, rách, chữ mờ, chưa được số hóa. Công cụ tra cứu vẫn còn khá “cổ điển”, thuộc mục lục hồ sơ và thẻ.

Bị Pháp “bỏ rơi” vào phút chót

Một vài nghiên cứu cho thấy Việt Nam đã đồng ý để Pháp đem toàn bộ tài liệu này về nước, ngay trong năm 1945. Thế nhưng vào phút chót thì có sự thay đổi kế hoạch từ phía Pháp nên lượng tài liệu đồ sộ này mới gần như bị “mắc kẹt”, bị “bỏ rơi”.


Công văn số 680 ngày 29/7/1935 của quản ngục gửi giám đốc Khám lớn Sài Gòn về bản yêu sách của Trần Văn Giàu và tù chính trị về đấu tranh tuyệt thực. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2, phông phủ Thống đốc Nam Kỳ, hồ sơ số IIA45/263(3)

Song hành đó, ngày 8/9/1945 Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra sắc lệnh thành lập Nha Lưu trữ công văn và thư viện toàn quốc. Ngay sau đó, ngày 3/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Thông đạt số 1C-VP nhằm đề cao sức mạnh của tài liệu lưu trữ đối với phương diện kiến thiết quốc gia, đồng thời nghiêm cấm tự động tiêu hủy. Đây là lý do chính để lượng tài liệu được xem “nguy hiểm” và “của địch” này còn tồn tại đến tận ngày nay.

Trong vài thập niên vừa qua, do hoàn cảnh được xem là nhạy cảm, phần lớn khối lượng tài liệu này gần như chỉ nằm im trong kho lưu trữ, việc phân loại và nghiên cứu bị nhiều giới hạn. Hội thảo này như mở thêm một cánh cửa để giới nghiên cứu vào cuộc, vì lượng tài liệu này sẽ giúp cắt nghĩa nền tảng sự phát triển của TP.HCM và Nam bộ ngày nay.

Mảnh đất màu mỡ cho nghiên cứu

Đến nay lượng tài liệu của phủ Thống đốc Nam kỳ chưa được chỉnh lý hoàn chỉnh, nên tạm phân loại theo khung và đo mét. Đã có khoảng 1.885,5 mét tài liệu được xác định nội dung theo cặp, bó và có thể phục vụ khai thác, số còn lại vẫn chưa được xác định nội dung.

Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO từng công nhận Di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam cho Mộc bản triều Nguyễn và Bia tiến sĩ Văn Miếu. Cùng với tài liệu phông phủ Thống đốc Nam kỳ, Việt Nam còn có một số đề cử mới như bộ kinh Phật cổ ở chùa Dâu (Bắc Ninh); các cột kinh, sách đá ở chùa Nhất Trụ (Ninh Bình); sách Hoa Lư thi tập...
Nhìn từ góc độ nghiên cứu xã hội - chính trị, đảng phái, có nhiều thông tin đáng chú ý (thuộc ký hiệu F.6) như: các cuộc biểu tình của cộng sản nhân ngày 1/5/1930; biểu tình của cộng sản ngày 26/10/1930 ở Sài Gòn; tài liệu về hoạt động của Đông Dương Cộng sản Đảng; tài liệu về vụ bắt Hà Huy Tập, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Hồ Văn Long (thầy giáo Long); tổ chức ngày giỗ Phan Châu Trinh; ám sát các hương quản…

Còn về văn hóa nghệ thuật nói chung, có các tài liệu (thuộc ký hiệu R.6), ví dụ xây kho cho Bảo tàng Blanchard de la Brosse; hoạt động của Nhà hát thành phố Sài Gòn; hồ sơ các kỳ thi hàng năm chọn tác phẩm văn chương viết bằng chữ quốc ngữ; điều tra các di tích lịch sử ở Nam kỳ; triển lãm lịch sử tại Nam Vang, Đà Lạt; tài liệu về các cuộc kinh lý về khảo sát đồ cổ ở Mỹ Tho, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Châu Đốc, Gò Công, Long Xuyên, Tây Ninh…

Trên đây chỉ là những ví dụ rất nhỏ, còn với thực tế tài liệu thì khai thác hàng ngàn quyển sách cũng chưa hết.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›