Tới dự Lễ công bố có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các thời kỳ; các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, các Đoàn Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức công bố Ngày 9/11 là Ngày Pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu nhấn mạnh việc Quốc hội thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định ngày 9 tháng 11 hàng năm là Ngày Pháp luật nhằm động viên toàn dân nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật, tự giác chấp hành, tích cực tham gia bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.
Thủ tướng nêu rõ: xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi Nhà nước ta phải xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, khách quan, tạo động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Để làm tốt điều đó, Nhà nước phải được tổ chức, hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và phải được kiểm soát bằng chính Hiến pháp và pháp luật.Khẳng định xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chỉ thành công khi các quy định của Hiến pháp và pháp luật được nghiêm chỉnh chấp hành, từng bước trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người, Thủ tướng đánh giá ý thức pháp luật có thể được coi là tiền đề tư tưởng cho sự củng cố và phát triển nền pháp chế, là cơ sở để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ảnh: Đức Tám - TTXVNThủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cần phải khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ. Đồng thời đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế…
Biểu dương những nỗ lực, thành tích của Bộ Tư pháp, cũng như các Bộ, ngành, địa phương trong việc tích cực triển khai nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật, Thủ tướng lưu ý Ngày Pháp luật Việt Nam phải được tổ chức thiết thực, phù hợp trong từng ngành, từng cấp; không phô trương, hình thức.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, bảo đảm hoạt động của Đảng phù hợp với Hiến pháp và pháp luật; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Thể chế hoá nguyên tắc dân chủ trong hoạt động của cơ quan dân cử, bảo đảm để nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật. Tiếp tục x dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân….Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá Ngày pháp luật được tổ chức tốt sẽ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng và củng cố văn hóa lập hiến, văn hóa pháp luật dựa trên các nền tảng “đại đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo các quyền tự do, dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân” như Hiến pháp 1946 quy định. Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài, đồng bào ta ở nước ngoài hình ảnh của một nước Việt Nam đang đổi mới và xây dựng một đất nước thượng tôn Hiến pháp, pháp luật- Thủ tướng khẳng định.
Báo cáo về Ngày Pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu rõ: Năm 2013 - năm đầu tiên Luật Phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu lực thi hành và cũng là năm đầu tiên ngày 9/11 trở thành Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam, được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Đây cũng là năm ghi nhận một sự kiện hệ trọng trong đời sống chính trị- pháp lý của đất nước, đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp (sửa đổi) của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bộ trưởng nhấn mạnh: với chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Ngày Pháp luật năm nay có ý nghĩa đặc biệt là sự mở đầu cho một giai đoạn mới xây dựng ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong hoạt động các cơ quan Đảng, Nhà nước và đời sống xã hội; là tiền đề, cơ sở để tổ chức Ngày Pháp luật trong những năm tiếp theo có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả thiết thực.Đến nay, hầu hết các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể và tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành, đã và đang thực hiện kế hoạch tổ chức Ngày Pháp luật bằng rất nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng và sáng tạo. Điểm nhấn về nội dung của Ngày Pháp luật năm 2013 là tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật; về vị trí, vai trò của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý nhà nước và xã hội; về những quan điểm, nội dung cơ bản của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992; về những đạo luật quan trọng đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và nhất là những đạo luật đang được Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân. Nhiều Bộ, ngành, địa phương cũng đã sáng tạo, thực hiện việc lồng ghép nội dung Ngày pháp luật với việc tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới”, "Năm an toàn giao thông"...
Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo UBND TP Hà Nội và đại diện thế hệ trẻ Việt Nam đã phát biểu hướng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.