(Thethaovanhoa.vn) - Liệu một chuyên khảo hàn lâm về lịch sử Việt Nam có thể trở thành một tiểu thuyết không? Điều này có thể nhận thấy trong Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX (NXB Thế giới, Nhã Nam, 2014) của Lê Thành Khôi.
Đây là cuốn sách mà theo sử gia Pascal Bourdeaux là: “Vừa sử vừa không sử, với cách tiếp cận đa ngành, khiến nó giống như một “tiểu thuyết quốc gia” và có thể được sử dụng một cách hữu ích”.
Quyển này là bản dịch và kết tập từ hai quyển tiếng Pháp kinh điển của Lê Thành Khôi là Le Viet Nam: Histoire et Civilisation (Việt Nam: Lịch sử và văn minh, xuất bản năm 1954) và Histoire du Viêt Nam, des origines à 1858 (Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến năm 1858, xuất bản năm 1982).
“Ý định viết một cuốn sử Việt Nam cho người ngoại quốc đọc trước hết là một ý định chính trị, sau mới là ý định khoa học (nhưng tránh tuyên truyền)” - GS Lê Thành Khôi nói. Ông bảo vệ TS về kinh tế học tại Paris năm 1949. Ông còn tốt nghiệp Học viện Luật pháp quốc tế tại Den Haag, Hà Lan; cử nhân văn chương tại Đại học Sorbonne, Pháp; học Hán ngữ tại Trường Ngoại ngữ phương Đông ở Paris. Ông là cố vấn uy tín của UNESCO, UNDP, ILO…; là tác giả của 25 công trình cá nhân và 33 công trình đồng tác giả đã xuất bản.
VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa
Tags