(Thethaovanhoa.vn) - Tỉnh Quảng Nam vừa kỷ niệm 15 năm thánh địa Mỹ Sơn được công nhận Di sản văn hóa thế giới (1999 - 2014). Nhưng đó cũng là 15 năm gian nan đi tìm lời giải cho bài toán bí ẩn mang tên “quy trình xây dựng” và “vật liệu xây dựng” đền tháp Champa nhằm phục vụ công tác bảo tồn và trùng tu thánh địa Mỹ Sơn.
Một số ý kiến cho rằng các đền tháp Champa là có xuất phát từ Ấn Độ và do những người thợ Ấn Độ xây dựng.
Chưa có kiến giải cuối cùng
Xung quanh những bí ẩn của đền tháp Champa, ông Nguyễn Hữu Thông nguyên Phân viện trưởng, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế cho biết: “Kỹ thật xây dựng tháp Chăm trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (thế kỷ 2 - 6), tháp chỉ xây bằng gỗ và chỉ có tượng thờ; giai đoạn 2, tháp xây theo cách tường gạch và mái gỗ và đã có hệ thống tượng thờ hoàn chỉnh; giai đoạn 3 (thế kỷ 6 - 17), tháp được xây dựng hoàn chỉnh có sự tham gia của đá sa thạch.
Tuy nhiên, kỹ thuật xây dựng đền tháp Champa ở giai đoạn đỉnh cao là một vấn đề hóc búa, với nhiều giả thuyết. Hiện có ba quan điểm về vấn đề này.
Thứ nhất: người Chăm nung gạch, dùng chất kết dính và xây lên. Thứ hai: Đất sét phơi khô và nung cả tháp. Thứ ba lại cho rằng: Người Chăm xây tháp chừng nào nung chừng nấy rồi độn đất vào lòng tháp, như vậy vòm mới có thể xây dựng được.
Tuy nhiên, do các quan điểm khác xa nhau nên tháp Chăm vẫn mãi là ẩn số. Từ thời khai phá các đền tháp Champa (cuối thế kỷ 19) cho đến nay, các học giả Italy, Pháp, Ba Lan… và các học giả Việt Nam vẫn chưa ai đưa ra được một kết luận cuối cùng. Bởi công tác khai quật khảo cổ và việc tìm ra chính xác thành phần kết dính vẫn còn đang được tiến hành”.
“Phép thử” mới từ… Ấn Độ!
Ông Nguyễn Hữu Thông cho biết: “Trong cuốn kỷ yếu 10 năm thành lập Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tôi có viết một bài về chủ đề này. Tôi kiến giải rằng việc xây dựng tháp Chăm có sự tham gia của những nhà sư, thương nhân và thợ thủ công Ấn Độ…
… Nếu muốn tạo ra một viên gạch chất lượng như gạch Chăm thì người Chăm phải có một truyền thống làm gạch. Nhưng qua khảo sát thì gạch lại không hề hiện diện trong đời sống của người Chăm. Kể cả công trình dân sinh và tín ngưỡng dân gian. Duy có thành lũy và tháp Chăm mới sử dụng gạch và lại là gạch đã ở đỉnh cao. Chỉ có một cách suy diễn: Thời đó các thương nhân và các nhà sư Ấn Độ đến Champa buôn bán, truyền đạo rất đông tại cả tiểu quốc Champa. Cuộc buôn bán đã diễn ra rất hời cho bên các thương nhân Ấn Độ. Họ bán các loại hàng hóa rẻ tiền rất được giá và mua về Ấn Độ sừng tê giác, vàng bạc. Do đó, họ đã hào phóng “biếu” cho các ông vua Chăm những tòa tháp Chăm để lưu dấu vương quyền của các ông vua này”.
Qua nhiều năm tham gia công tác tại thánh địa Mỹ Sơn, chứng kiến nhiều “phép thử” trong việc trùng tu, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ cũng đồng tình với ông Nguyễn Hữu Thông: “Khác với Campuchia thuần nông, nước Champa xưa có đường bờ biển khá dài. Cho nên ngoài tầng lớp thống trị và nông dân, xã hội Champa còn tồn tại tầng lớp thương nhân giàu có…
… Do đó, họ đã thuê người Ấn Độ về làm tư vấn, thiết kế công trình đền tháp Ấn Độ giáo với tư cách là chủ đầu tư”.
Phát biểu trong một hội thảo về Champa gần đây được tổ chức tại Đà Nẵng (12/2012), Ông J.C. Sharma, nguyên Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cũng cho rằng: “Những ảnh hưởng của Ấn Độ được thừa nhận rộng rãi lên nghệ thuật Champa bắt nguồn từ các trường phái nghệ thuật Amaravati, Gupta, Chalukya và Pallava. Dấu vết của các trường phái Pala hay Sena cũng được tìm thấy. Hợp lý khi cho rằng, một số thợ thủ công, đặc biệt là các nhà điêu khắc, hẳn phải đến từ Ấn Độ. Họ hẳn đã giới thiệu trực tiếp đến đây một vài đặc điểm của nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc của quê hương họ. Sự ảnh hưởng gián tiếp từ Ấn Độ đến Champa còn qua sự tương tác của Champa với Campuchia, Java, Siam và Sri Lanka”.
“Gạch, vật liệu xây dựng chính được sử dụng bởi các nghệ nhân Chăm, cũng đã được sử dụng tại Ấn Độ… Gần đây tôi đã đến thăm một ngôi đền vào thời Gupta ở Sirpur, Chhatisgarh. Ngôi đền gạch này có sự tương đồng rõ ràng với các ngôi đền gạch ở Champa” - ông J.C. Sharma khẳng định.
Nguyễn Văn Toàn
Thể thao & Văn hóa
Tags