(Thethaovanhoa.vn) - Trên bình diện sáng tác, đến nay nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu dư sức để làm một nhà văn, cả về chất lượng lẫn số lượng (6 sách sáng tác). Chỉ cần vào facebook của chị, đọc những tạp bút, những truyện ngắn 100 chữ thôi cũng thừa bảo chứng cho điều này. Thế nhưng TS Nguyễn Thị Hậu rất ít khi nói về mình như là một nhà văn, hoặc một nhà gì khác, qua câu chuyện, chị chỉ nghĩ mình như là người làm nghiên cứu (khảo cổ, lịch sử, văn hóa…) và đi dạy học.
Nguyễn Thị Hậu sinh tại Hà Nội năm 1958, quê ở Mỹ Hiệp, Chợ Mới, An Giang, sống ở Sài Gòn từ sau năm 1975. Nhìn ở khía cạnh xã hội và công tác quản lý (từng là Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, hiện là Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam), chị là người rất xông xáo, thân thiện. Nhìn ở khía cạnh chuyên môn (khảo cổ học, lịch sử) và giáo dục, chị thuộc tuýp người thượng tôn khoa học, luôn nhiệt thành, thích phản biện.
Bình dân… khảo cổ học
Nghe đến khảo cổ học nhiều người sẽ chạy dài vì quan ngại chuyện “khó nhằn”, dù rằng kết quả khảo cổ, nhất là các lĩnh vực liên quan đến cổ vật quý giá thì ai cũng háo hức.
Hơn 25 năm liền chị thuộc nhóm nghiên cứu “vác xẻng” đi nhiều nơi, những phát hiện mà chị cùng đồng nghiệp làm với nền văn hóa Óc Eo, văn hóa Đồng Nai… là những dấu ấn đóng góp khó phai.
Thế nhưng, để giữ phẩm chất nghề nghiệp của mình, ngay từ đầu, chị tự nhắc lòng không bao giờ được phép sở hữu hoặc chơi cổ vật, dù mắt nhìn và vị trí công việc khá phù hợp. “Là người nghiên cứu về khảo cổ, làm bảo tàng, nếu chơi đồ cổ thì trước sau gì cũng bị công tư nhập nhằng, cũng bị lòng tham làm thiên lệch khoa học”, chị thẳng thắn.
Miệt mài nghiên cứu, viết bài và giảng dạy trong nhiều năm, chị kiên trì gieo hạt mầm khảo cổ (vốn cổ) cho sinh viên bằng nhiều cách, trong đó có cả dạy môn cơ sở văn hóa - một cách cài cắm, lồng ghép tuyệt vời. Ngoài 4 sách chuyên khảo (trong đó có 2 quyển là đồng tác giả), chị đã hướng dẫn thành công 3 luận án thạc sĩ, hiện đang hướng dẫn 4 luận án nữa - tất cả là về khảo cổ học và bảo tồn di sản văn hóa.
Cuối năm 2010, chị cùng nhà nghiên cứu Lê Thanh Hải (Anh quốc) in cuốn sách Khảo cổ học bình dân Nam bộ - Việt Nam, từ thực nghiệm đến lý thuyết như là một bước mới về thao tác nghiên cứu và nhận thức. Cuốn sách này giúp những người đọc phổ thông nhận ra rằng khảo cổ và khảo cổ học không phải là điều gì khô khan, đáng sợ. Như trong lời giới thiệu của sách có viết: “Khảo cổ học cộng đồng (community archeology/ khảo cổ học bình dân) là khái niệm chỉ cách thức để cộng đồng cùng tham gia làm khảo cổ và thu lợi từ việc giữ gìn những giá trị khảo cổ. Đây là cách thức quan trọng để nâng cao ý thức người dân trong bảo tồn di sản văn hóa”.
Năm 2012, chị xuất bản cuốn Văn hóa khảo cổ huyện Cần Giờ, dù khá chuyên môn, nhưng cũng tiếp tục tinh thần cộng đồng và gia tăng tính sử dụng. Bởi sách là kết quả của một bài toán cụ thể: Điều tra, khảo sát khảo cổ học phục vụ nhu cầu quy hoạch, xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ - TP.HCM (giai đoạn 2006-2010).
Hiện chị đã nghỉ hưu, có nhiều thời gian để đi dạy và nghiên cứu về khảo cổ đô thị, văn hóa đô thị. Đây là những nội dung trước đây chưa được biết nhưng hiện nay nhu cầu của cuộc sống buộc người nghiên cứu cần biết. Hiện chị giảng dạy (thỉnh giảng) tại ĐH KHXH&NV TP.HCM, Đại học Văn hóa TP.HCM, và một số đại học ở các tỉnh. Ngoài ra, chị tiếp tục hướng dẫn các luận văn thạc sĩ về bảo tồn di sản văn hóa, hoặc về văn hóa đô thị.
Nhà khoa học giàu lòng trắc ẩn
Không chỉ “quen mặt” với các giảng đường, các hội thảo, các báo và tạp chí, các cuộc trò chuyện trên truyền hình…, chị Nguyễn Thị Hậu còn nhanh nhạy trong nhiều phương tiện truyền tải. Facebook của chị thuộc nhóm có nhiều người theo, bên cạnh việc bày tỏ những suy nghĩ và sáng tác, chị còn xem đây là công cụ khoa học, công cụ phát ngôn hữu hiệu. Thẳng thắn và giàu lòng trắc ẩn không chỉ là trách nhiệm, mà còn là phong cách của nhà khoa học này.
Ví dụ khi nhìn về vốn cổ của Sài Gòn, nơi mà nhiều người vẫn dễ dàng cho là thành phố trẻ, theo nghĩa chỉ mới 300 năm. Nguyễn Thị Hậu nhìn khác: “Số lượng di tích khảo cổ tiền sử không nhiều nhưng là những di tích tiêu biểu của quá trình phát triển từ khoảng 3.000 năm trước đến nay: vùng đất này là trung tâm của khu vực, đã hình thành và phát triển một cảng thị sơ khai, giao lưu thương mại đường biển với quần đảo Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ. Từ đó có đóng góp quan trọng vào sự hình thành và thịnh đạt của văn hóa Óc Eo và vương quốc cổ Phù Nam vào những thế kỷ đầu Công nguyên. Từ đầu thế kỷ 17, Sài Gòn trở thành cảng sông - phố chợ - nơi thu thuế (năm 1623), trung tâm chính trị - hành chánh (1689), trung tâm thương nghiệp của “xứ Đàng Trong”, “Gia Định kinh” (1790) của các chúa Nguyễn rồi vương triều Nguyễn (1802)”.
Hay cả như vốn cổ trên sông Đồng Nai, gần 10 năm trước chị đã khẳng định: “Cổ vật tìm thấy trong lòng sông Đồng Nai không chỉ có đồ gốm (chiếm số lượng nhiều nhất) mà còn có đồ đá (bàn nghiền, chày nghiền, tượng thần, phù điêu, rìu cuốc đá mài…), đồ đồng (rìu, giáo, “qua” đồng - một loại vũ khí cổ của Trung Quốc, nồi đồng)… Số lượng cổ vật có nguồn gốc từ sông Đồng Nai mà một số bảo tàng thu mua được chắc chắn chỉ chiếm một phần nhỏ so với số lượng hiện vật hiện đang còn được lưu giữ trong nhân dân. Tuy vậy, bước đầu nghiên cứu sưu tập hiện vật này đã giúp chúng ta phần nào hình dung được cuộc sống của cư dân cổ nơi đây, nhất là về vai trò quan trọng của sông Đồng Nai trong các giai đoạn lịch sử”. Vừa rồi tỉnh này có dự án lấn sông, không chỉ khảo sát khoa học chưa đủ, mà còn quên cả tính lịch sử và khảo cổ của dòng sông quan trọng này.
Chị cũng tham gia Hành trình vì khát vọng Việt của Trung Nguyên từ hồi 2012. Hiện chị đang tham gia giới thiệu những cuốn sách do Trung Nguyên tặng thanh niên đến các trường học, rồi đến các quán cà phê Trung Nguyên nói chuyện về cuốn sách Khuyến học - một cuốn sách mả chị nghĩ là cần cho mỗi người Việt trong quá trình nâng cao dân trí, vì muốn học người đến nơi đến chốn thì phải hiểu biết mình đang ở đâu, đang như thế nào?
Những tố chất trên còn được chị chia sẻ qua hàng trăm bài viết trên báo, trên blog, facebook và trên truyền hình. Nhiều cái Tết chị viết hàng chục bài báo, không chỉ vì đam mê, mà còn là ước muốn “nối dài” hơn cái ý tưởng dùng khoa học nhìn lại vốn cổ để biết rõ hơn về hiện tại. Chính vì vậy, mà ngoài công việc nghiên cứu, giảng dạy, chị vẫn rất bận rộn với nhiều ưu tư, dù giai đoạn nghỉ hưu đã đến.
Trong tủ sách mà cà phê Trung Nguyên in lại gần đây, TS Nguyễn Thị Hậu nghĩ rằng cuốn Khuyến học của Fukuzawa Yukichi rất quan trọng, không chỉ vì tinh thần giáo dục và thoát Á của nó. Mà bởi tư tưởng gần gũi, điều này có thể thấy qua Phan Châu Trinh sau đó, ví dụ, luận điểm: “giành được quyền tự trị chưa phải đã là độc lập, mà nền độc lập thật sự chỉ có thể thành hiện thực thông qua việc trở thành một quốc gia tiên tiến và văn minh. Nếu không có sự khai sáng và văn minh, nền độc lập giành được sẽ mau chóng mất đi để rồi lại lệ thuộc vào các quốc gia tiên tiến khác”, dẫn theo Wikipedia. |
Như Hà
Thể thao & Văn hóa