Xây cáp treo gần hang Sơn Đoòng tại Phong Nha Kẻ Bàng: Di sản Thế giới có nguy cơ vào 'danh sách đen'

Thứ Năm, 06/11/2014 08:03 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Việc vừa xây dựng cáp treo, vừa xin UNESCO công nhận danh hiệu Di sản Thế giới lần 2 cho tiêu chí đa dạng sinh học là điều không dễ với trường hợp Phong Nha Kẻ Bàng. Không chỉ vậy, bản thân tuyến cáp treo này cũng tiềm ẩn nguy cơ đe dọa danh hiệu Di sản thế giới mà danh thắng này từng được trao năm 2003.

Cần nói thêm, cách đây 2 năm, Phong Nha Kẻ Bàng cũng đã từng thất bại trong kế hoạch xin danh hiệu lần 2, khi việc xét tặng theo tiêu chí đa dạng sinh học đã không được thông qua trong kì họp của UNESCO vào 6/2011. Hiện tại, sau khi chuẩn bị lại, bộ hồ sơ này một lần nữa được gửi lên UNESCO và sẽ nhận về kết quả chính thức vào 6/2015 tới.

Không đơn giản chỉ là tuyến cáp treo

"Tôi tin chắc, khi cáp treo đưa hàng ngàn người đổ vào giữa rừng nguyên sinh như thế,  Phong Nha Kẻ Bàng sẽ khó có thể gọi là khu vực đa dạng sinh học được nữa" – PGS.TS Nguyễn Hiệu, khoa Địa lý (ĐH Quốc gia Hà Nội), khẳng định với TT&VH. Từ năm 1990, ông cùng một số chuyên gia đã  phối hợp với Hiệp hội Hang động Hoàng Gia Anh tiến hành khảo sát địa chất của khu vực Phong Nha Kẻ Bàng, để rồi trực tiếp đặt chân vào hang Sơn Đoòng trong năm 2000.

Theo phân tích của PGS Hiệu, vẻ đẹp đặc thù của Phong Nha Kẻ Bàng chính là không gian hoang sơ, điển hình là thảm thực vật được hình thành qua nhiều năm với những cây cao 20- 30 mét, kèm theo tầng thảm mục dày vài mét. Hòa cùng với đó là rất nhiều loại động vật và côn trùng đặc hữu để tạo thành một hệ sinh thái đặc biệt. Nhưng, với việc xây dựng tuyến cáp treo đưa hàng chục ngàn người đến đây, hệ sinh thái này chắc chắn sẽ bị phá vỡ về các yếu tố như độ ẩm, nhiệt độ bầu khí quyển, hay sự "rút  lui" của các sinh vật lạ không quen với con người.


Vườn Phong Nha- Kẻ Bàng nổi tiếng vì sự hoang sơ. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

"Mọi thứ không đơn giản chỉ là một tuyến cáp treo. Kèm theo đó sẽ là việc giải quyết dịch vụ cho hàng chục ngàn người đổ về đây" – PGS Hiệu nói - "Đơn cử,  hàng loạt nhà vệ sinh bắt buộc phải làm ngay cạnh hang động kỳ vĩ, hoang sơ bậc nhất thế giới. Rồi, ta cũng phải đối diện với sự chịu tải của môi trường, sự chịu tải của tài nguyên. Chẳng hạn, chúng ta sẽ phải tính tới bài toán cân bằng tài nguyên nước, khi du khách dồn về một phạm vi quá hẹp là xã Sơn Trạch."

Bên cạnh vấn đề phá vỡ sự đa dạng sinh học, nhiều chuyên gia khi trao đổi với TT&VH cũng nhấn mạnh tới những ảnh hưởng về vấn đề địa chất địa mạo – tiêu chí đã giúp Phong Nha Kẻ Bàng nhận danh hiệu từ UNESCO vào năm 2003. Điển hình, ngay ở phía sau cửa hậu hang Sơn Đoòng – vị trí mà tuyến cáp treo dự kiến kết thúc – là một bức tường nhũ đá cao 80 mét. Và, nếu để du khách đặt chân vào đây sau hành trình bằng cáp treo, ít nhất phía tổ chức cũng phải đặt các mối khoan để hỗ trợ hệ thống dây leo phục vụ người xem và từ đó làm tróc, vỡ vẻ đẹp nguyên sơ của bức tường này.

Nguy cơ bị khuyến nghị

Những ảnh hưởng tiêu cực trên khiến khá nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng Phong Nha Kẻ Bàng khó có thể được vinh danh về tiêu chi đa dạng sinh học lần thứ 2 vào 6/2015 tới. "UNESCO rất khắt khe trước việc đưa những hoạt động du lịch thu hút đông du khách vào vùng trung tâm di sản" Một chuyên gia cho biết. " Bởi, tôn chỉ của những khu di sản thiên nhiên là bảo vệ nguyên trạng và hạn chế càng nhiều càng tốt các các công trình dân sinh cũng như sự tác động của con người"

Thậm chí, ngay với danh hiệu DSTG từng nhận về, việc xây dựng tuyến cáp treo Phong Nha Kẻ Bàng cũng đặt ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn về khả năng bị khuyến nghị, hoặc xa hơn là việc đặt vào "danh sách đen", thậm chí là tước bỏ danh hiệu. Dù chưa tới mức bị thu hồi danh hiệu (như trường hợp 2 di sản của Oman và  Đức vào các năm 2007, 2009), VN cũng đã từng có 2 di sản nhận khuyến nghị cảnh báo của UNESCO là Huế và Hạ Long, trong đó Hạ Long chưa được rút tên khỏi danh sách khuyến nghị.

Trao đổi với TT&VH vào ngày hôm qua 5/11, đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cũng như đại diện của tổ chức UNESCO tại Hà Nội đều cho biết: Họ chưa chính thức nhận được báo cáo từ phía Phong Nha Kẻ Bàng về dự án cáp treo này. Tuy nhiên, theo công ước  năm 1972 của UNESCO về bảo vệ di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới, chắc chắn mọi công trình xây dựng mới tại vùng lõi của di sản từng nhận danh hiệu đều phải tiến hành xin ý kiến của UNESCO.

Từ chối bình luận khi chưa nhận được hồ sơ và báo cáo chính thức, TS Dương Bích Hạnh (Trưởng ban Văn hóa của văn phòng UNESCO tại Hà Nội) vẫn cho biết: Ngay khi nhận được báo cáo và hồ sơ về cáp treo Phong Nha Kẻ Bàng, UNESCO sẽ tiến hành nghiên cứu chi tiết, thậm chí có thể cử một đoàn chuyên gia sang khảo sát thực địa để đưa ra kết luận cuối cùng.

Hoàng Nguyên – Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›