Hàng loạt thương hiệu cao cấp thế giới hiện nay đều lựa chọn các thần tượng K-pop, mà không phải những sao quốc tế tầm cỡ, đảm nhiệm danh phận đại sứ toàn cầu.
Nhiều thương hiệu cao cấp với độ nổi tiếng toàn cầu nhưng năm gần đây đều quyết tâm chiêu mộ các ngôi sao âm nhạc Hàn Quốc làm đại sứ thương hiệu, từ những thần tượng K-pop hoạt động lâu năm như EXO, Girls' Generation... đến các nhóm tân binh ENHYPEN hay NewJeans.
Trong khi đó, con số mà các nhãn hàng đưa ra để có được cái gật đầu đồng ý từ những thần tượng xứ kim chi này không hề nhỏ.
Bằng chứng cụ thể là việc thương hiệu trang sức xa xỉ nước Pháp Cartier thậm chí đã tăng gấp đôi số tiền phí hợp đồng của nhà mốt Dior để lấy chữ ký của "nữ thần nhan sắc" Jisoo Blackpink. Vậy đâu là lý do khiến các sao Hàn trở nên quan trọng đến vậy?
Có 2 lý do chính để các nhãn hàng dốc toàn lực mời các idol K-pop nổi tiếng làm đại sứ thương hiệu.
Lý do đầu tiên là bởi sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong văn hóa âm nhạc và thời trang đến với công chúng toàn thế giới. Với độ nổi tiếng đình đám, các thần tượng K-pop mang lại sự công nhận rộng rãi hơn cho thương hiệu và thậm chí khai thác được một nhóm khách hàng tiềm năng mới.
Các nhóm nhạc tân binh chính là những ví dụ cụ thể nhất khi có sự lan tỏa mạnh mẽ đến thế hệ trẻ trong việc mặc đồ hiệu.
"Sự xuất hiện của các thần tượng xứ Hàn trong trang phục sang trọng thông qua các bức ảnh trên mạng xã hội và các nền tảng khác, giúp khán giả tuổi teen dễ dàng biết đến những thương hiệu này hơn và đôi khi còn giúp gia tăng độ thảo luận về thương hiệu.
Các giáo viên ở khu phố sầm uất tại Gangnam, Hàn Quốc thường xuyên để ý thấy học sinh mặc đồ của các thương hiệu xa xỉ như Moncler, Burberry và Fendi. Và con số này khá đông đảo dù các em còn chưa bước vào cấp hai hoặc cấp ba" – Một giáo viên tiểu học chia sẻ.
Lý do thứ 2 chính là lòng trung thành vô cùng mạnh mẽ dành cho các thương hiệu xa xỉ của người tiêu dùng Hàn Quốc.
Người Hàn Quốc là những người tiêu dùng đam mê hàng hiệu cao cấp đến nỗi cố vấn bất động sản Nick Bradstreet, người giúp mở rộng các thương hiệu xa xỉ như Chanel và Louis Vuitton, tiết lộ rằng: "Hàn Quốc đang có những bước tiến đáng kể trong ngành công nghiệp xa xỉ, sẽ sớm vượt qua Nhật Bản và Trung Quốc để trở thành thị trường quan trọng nhất ở Châu Á".
Xứ củ sâm thậm chí đã trở thành "mục tiêu hàng đầu" cho việc một thương hiệu xa xỉ liệu có thành công ở thị trường Châu Á hay không. Đây là một trong những thị trường mua sắm "màu mỡ" nhất dành cho các thương hiệu cao cấp, chỉ đứng sau Nhật Bản, và thậm chí còn tăng gấp đôi lợi nhuận cho các thương hiệu như Moncler bất chấp thời điểm đại dịch Covid-19.
Theo Korea JoongAng Daily, một nghiên cứu được thực hiện bởi công ty đầu tư của Hoa Kỳ cho thấy Seoul là "thiên đường" của các thương hiệu cao cấp toàn cầu với 221 cửa hàng, đứng thứ 2 trên toàn thế giới chỉ sau Tokyo (Nhật Bản).
Nếu như các thần tượng K-pop giúp gia tăng lợi nhuận của các thương hiệu xa xỉ một cách tự nhiên nhờ lượng người hâm mộ trên khắp thế giới, thì chính bản thân Hàn Quốc, quốc gia có doanh số mua hàng xa xỉ lớn gần nhất của Châu Á, cũng đóng một vai trò quan trọng trong quyết định lựa chọn đại sứ toàn cầu của các thương hiệu cao cấp.
Tags