Lý do 'Tấm Cám: Chuyện chưa kể' được chọn đến LHP Busan

Thứ Sáu, 09/09/2016 07:37 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ê-kíp làm phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể đã có thể yên tâm tới Busan (Hàn Quốc) vào đầu tháng 10 tới vì Ban Tổ chức sự kiện vừa thông báo LHP lớn nhất châu Á này vẫn diễn ra theo đúng lịch trình, bất chấp khoảng thời gian "sa lầy" trong những cuộc tranh cãi suốt hơn 1 năm qua.

LHP Quốc tế Busan (BIFF) lần thứ 21 từng đứng trước nguy cơ không thể diễn ra theo đúng lịch trình, khi một nhóm lớn các nhà làm phim nước này tuyên bố tẩy chay sự kiện danh giá bậc nhất của làng điện ảnh châu Á.

Con đường “gập ghềnh” đến Busan

Chi tiết khởi đầu cho cuộc khủng hoảng mà LHP Busan phải trải qua bắt nguồn từ việc Ban Tổ chức vẫn quyết định chiếu The Truth Shall Not Sink With Sewol (tạm dịch: Những sự thật không chìm cùng Sewol), bộ phim tài liệu đặt ra những nghi ngờ về nỗ lực cứu hộ của chính phủ Hàn Quốc sau thảm họa chìm phà Sewol năm 2014, mặc dù ông Suh Byung Soo, Thị trưởng thành phố Busan, đã yêu cầu loại phim này khỏi lịch trình chiếu.

Đáp trả lại động thái này, chính quyền Busan đã tiến hành một đợt thanh tra chưa từng có, nhằm vào các thành viên Ban Tổ chức LHP đồng thời cắt giảm ngân sách tài trợ cho sự kiện thường niên này, điều mà phía LHP Busan chỉ trích là đã được thực hiện để "trả thù" cho vụ chiếu phim tài liệu.


Một cảnh trong phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” - phim sẽ tham dự LHP Busan vào đầu tháng 10

Tới nay, những ồn ào liên quan tới sự việc phần nào đã lắng xuống, với một số điểm sửa đổi về quy tắc vận hành LHP được đưa ra, các quan chức BIFF cho biết. Nếu như trước đây, thị trưởng thành phố Busan mặc định được bổ nhiệm làm Chủ tịch LHP, thì hiện tại, vị trí này sẽ được chọn bởi một hội đồng lớn, điều thể hiện tính tự chủ hơn của LHP trong quá trình hoạt động.

Văn bản sửa đổi cũng bao gồm các điều khoản đảm bảo sự tự do trong quá trình lên lịch trình chiếu tại LHP, đã được thông qua trong một cuộc họp bất thường vào ngày 2/7 và được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hàn Quốc phê duyệt vào ngày 28/7, ông Kim Dong Ho, giám đốc LHP Busan mới được bổ nhiệm trong tháng 7 vừa qua, cho biết.

Một rắc rối khác mà các nhà tổ chức LHP Busan từng phải đối mặt là việc một nhóm nhà làm phim tuyên bố tẩy chay sự kiện năm nay. Hồi tháng 3, một Ủy ban Khẩn cấp, gồm 9 hiệp hội lớn của các nhà làm phim ở Hàn Quốc, đã xúc tiến cuộc thăm dò toàn ngành nhằm khảo sát mức độ ủng hộ đối với LHP Busan. Kết quả cho thấy, hơn 90% số người tham gia khảo sát muốn tẩy chay sự kiện này.

Vào tháng 8, sau khi thông qua văn sửa đổi nói trên, 4 trong số 9 hiệp hội phim này vẫn tiếp tục tẩy chay LHP, 4 đơn vị khác bỏ phiếu ngược lại và 1 đơn vị bỏ phiếu trống.

Ông Kim Dong-ho và giám đốc điều hành Kang Soo Yeon cho biết, họ sẽ tích cực trò chuyện cởi mở với càng nhiều nhà làm phim càng tốt và thuyết phục họ tham dự sự kiện năm nay.

Khoản tài trợ của chính phủ, trị giá 900 triệu won (825.000 USD) trong tổng ngân sách 12 tỷ won (khoảng 10,5 triệu USD) mà Ban Tổ chức LHP Busan huy động được trong năm nay đã phản ánh mức tăng 100 triệu won so với năm ngoái. Khoản tài trợ của chính quyền thành phố Busan vẫn giữ nguyên như năm ngoái, ở mức 6 tỷ won. Các khoản tiền từ một số nhà tài trợ khác có thể biến động vì những "bất ổn" gần đây, ông Kim thông báo.


Giám đốc LHP Busan Kim Dong-ho phát biểu tại cuộc họp báo hôm 7/9

Xem gì ở LHP Busan?

Hôm 7/9, Ban Tổ chức LHP đã chính thức công bố những bộ phim sẽ chiếu tại sự kiện, đồng thời nhắc tới những diễn biến mới nhất trong cuộc chiến giành quyền tự chủ của mình.

"Mục đích chính của chúng tôi là LHP Busan phải mở cửa trong năm nay, đồng thời cũng phải chú trọng tới việc giữ gìn bản sắc, quyền tự chủ và tự do mà chúng tôi đã bảo vệ suốt 20 năm qua" - Giám đốc LHP chia sẻ với các phóng viên tại khách sạn Tổng thống ở Seoul - "Tôi hy vọng có thể biến cuộc xung đột kéo dài 2 năm qua thành cơ hội đối với LHP Busan và sự kiện năm nay sẽ là khởi đầu mới trong giai đoạn 20 năm tới".

LHP Busan sẽ là một sự kiện "mở đối với công luận", mà trong đó "các công dân và những người làm việc trong ngành công nghiệp điện ảnh cùng tồn tại" - ông Kim nói thêm.

A Quiet Dream (Giấc mơ thầm lặng) của nhà làm phim mang hai dòng máu Hàn Quốc - Trung Quốc Zhang Lu, có sự tham gia của nữ diễn viên Han Ye-ri, sẽ được chiếu mở màn LHP năm nay, trong khi The Dark Wind (Cơn gió tăm tối) của đạo diễn kiêm diễn viên Iraq Hussein Hassan được chọn làm phim bế mạc.

Tổng cộng sẽ có 301 bộ phim, đến từ 69 quốc gia tham dự, trong đó có 96 phim lần đầu ra mắt trên thế giới và 27 phim ra mắt quốc tế. Con số này giảm chút ít so với 304 phim đến từ 75 quốc gia hồi năm ngoái.

Tấm Cám: Chuyện chưa kể sẽ đại diện Việt Nam tranh tài ở hạng mục A Window of Asia Cinema tại LHP năm nay. Đây là hạng mục dành riêng cho những tác phẩm điện ảnh mới và được đánh giá cao của các nhà làm phim tài năng châu Á.

“Đây có thể là một trong những bước tiến quan trọng đầu tiên để những bộ phim của Việt Nam có thể vươn ra thị trường điện ảnh thế giới" - ông Kim Ji-seok, giám đốc nội dung của LHP Busan chia sẻ về lý do chọn tác phẩm của Ngô Thanh Vân góp mặt trong 5 đề cử của hạng mục - "Bộ phim có đủ chất lượng và thực sự đáng chú ý, có khả năng đáp ứng được nhu cầu giải trí không chỉ của khán giả Việt Nam mà còn cả khán giả thế giới ở bên ngoài quốc gia của các bạn”.

Cạnh tranh trong hạng mục New Currents, giải thưởng trao cho những tác phẩm nổi bật của các nhà làm phim mới tại châu Á, là 11 bộ phim đến từ 10 quốc gia, trong đó có A Billion Colour Story (Câu chuyện với vô số màu sắc) của Ấn Độ và The Donor (Nhà tài trợ) của Trung Quốc.

Souleymane Cisse, đạo diễn gạo cội đến từ Mali, sẽ đảm nhận vai trò chủ tịch ban giám khảo ở hạng mục này, còn nhà sản xuất Ấn Độ Guneet Monga và Bero Beyer, giám đốc LHP quốc tế Rotterdam, sẽ tham gia với tư cách thành viên.

Các bộ phim sẽ được trình chiếu tại 34 phòng chiếu ở 5 rạp phim trên khắp Busan. Lễ khai mạc do nam diễn viên Sol Kyung-gu và nữ diễn viên Han Hyo-joo dẫn dắt.

Duy An (Theo Korean Herald)
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›